Ngân hàng Nhà nước đặt ra lộ trình đến cuối năm 2021, 100% thẻ ngân hàng và các thiết bị chấp nhận thẻ tại VN phải được chuyển đổi sang tiêu chuẩn chip. Các ngân hàng đều thể hiện quyết tâm chuyển đổi thẻ dù vẫn còn một số vướng mắc.
Thanh toán bằng thẻ tại siêu thị Co.op Mart - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Tâm - phó tổng giám đốc Sacombank - cho biết từ nhiều năm trước các thẻ quốc tế mang thương hiệu Visa, Master và JCB do Sacombank phát hành đều là thẻ chip, thẻ không tiếp xúc.
Quyết tâm của các ngân hàng
Tháng 6-2019, Sacombank là một trong những ngân hàng (NH) đầu tiên phát hành thẻ chip, không tiếp xúc (contactless) nội địa thương hiệu Napas theo tiêu chuẩn VCCS.
"Điều đó thể hiện sự quyết tâm của NH trong việc chip hóa thẻ nội địa. Tuy nhiên vẫn còn lượng lớn thẻ từ ATM nội địa phát hành thời gian trước nhằm đáp ứng việc chi lương và nhu cầu rút tiền ATM còn lưu hành nên cần có thời gian chuyển đổi", ông Tâm nói.
Ông Lê Thành Trung - phó tổng giám đốc HDBank - cũng cho hay NH đã hoàn thành việc nâng cấp hệ thống và chính thức phát hành thẻ chip kể từ tháng 4-2020, bao gồm chip tiếp xúc và chip không tiếp xúc.
Theo đại diện Vietcombank, toàn bộ thẻ được phát hành mới của NH này đều là thẻ chip. Hiện Vietcombank có khoảng 14 triệu thẻ. Lượng thẻ cần phải chuyển đổi khoảng 70% tổng lượng thẻ này với 9,8 triệu thẻ.
Ông Nguyễn Quang Hưng - tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia VN (Napas) - cho biết Napas đang phối hợp chặt chẽ với các NH để thực hiện chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip theo như lộ trình mà NH Nhà nước đặt ra.
Đến hết quý 1 năm nay, 26 NH gồm Vietcombank, Vietinbank, Agribank, Tienphongbank, Sacombank… đã hoàn tất việc chứng thực hệ thống để chuyển đổi thẻ.
Một trong những mục tiêu chính mà Napas tập trung trong thời gian tới là chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.
Nếu nhìn ở góc độ công nghệ thì việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip giúp an toàn, an ninh bảo mật hơn. Đặc biệt, thẻ chip có tính năng vượt trội là công nghệ thanh toán 1 chạm.
Cần xây dựng hệ sinh thái thanh toán thẻ
Napas cho biết vừa qua đã phối hợp với Hiệp hội NH và 7 NH thương mại giới thiệu thẻ chip contact và contactless ra thị trường.
Bên cạnh đó, Napas cũng đã triển khai chứng nhận thẻ chip nội địa cho 9 nhà cung cấp phôi thẻ và 5 nhà cung cấp thiết bị chấp nhận thẻ. Điều này cho thấy thị trường đã rất cạnh tranh. Các NH lựa chọn những dịch vụ tốt nhất để chuyển đổi thẻ chip.
"Hiện để thanh toán được bằng thẻ, chủ thẻ phải quẹt thẻ rồi bấm mã PIN. Nhưng với công nghệ chip, thẻ chip không tiếp xúc cho phép người dùng chỉ việc chạm thẻ vào thiết bị chấp nhận thẻ với giao dịch có giá trị nhỏ.
Không cần phải nhập mã PIN, không cần phải trao thẻ cho nhân viên thu ngân mà vẫn thanh toán thành công" - ông Nguyễn Quang Hưng chia sẻ.
Napas cho biết đang xúc tiến phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông công cộng để thử nghiệm việc sử dụng thẻ chip không tiếp xúc của các NH để thanh toán các dịch vụ giao thông công cộng như xe buýt, metro… tương tự như vé điện tử ở các nước Anh, Singapore.
Việc sử dụng thẻ không tiếp xúc để thanh toán phí giao thông được coi là một giải pháp để giảm thiểu thanh toán không dùng tiền mặt.
Xin gia hạn 1 năm
Ông Nguyễn Minh Tâm, phó tổng giám đốc Sacombank, cho hay chi phí chuyển đổi lớn, riêng chi phí phôi thẻ gấp 6 lần so với thẻ từ.
Ngoài ra NH còn phải liên hệ từng khách hàng để thực hiện việc chuyển đổi nên khó thực hiện nhanh.
"Mặt khác, do ảnh hưởng COVID-19, các nước đóng cửa biên giới, hoạt động nhập khẩu các thiết bị phục vụ chuyển đổi bị đình trệ nên đề nghị NH Nhà nước xem xét dời thời gian chuyển đổi thêm 1 năm", ông Tâm nói.
Về việc chuyển đổi các thẻ ATM từ thẻ từ sang thẻ chip, ông Lê Thành Trung, phó tổng giám đốc HDBank, cho hay chi phí phôi thẻ chip cao hơn chi phí phôi thẻ từ gấp 10 lần nhưng thông tư 35 về phí thường niên thẻ ghi nợ nội địa chưa được cập nhật để phù hợp với chi phí của NH.
"Mặt khác, số lượng thẻ ATM đã phát hành khá lớn nên việc chuyển đổi cần phải có thời gian và kế hoạch tỉ mỉ để bảo đảm không gây bất tiện cho chủ thẻ. Về phía NH cũng phải chuẩn bị ngân sách cho việc chuyển đổi này", ông Trung cho hay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đào Minh Tuấn, chủ tịch Hội thẻ VN, cũng thừa nhận so với lộ trình mà NH Nhà nước đặt ra thì tiến độ phát hành thẻ chip đến cuối năm ngoái là bị chậm khi chỉ hơn 10% thẻ ATM được chuyển đổi thẻ chip. Lãnh đạo NH Nhà nước cũng đã yêu cầu các NH phải đẩy nhanh tiến độ.
"Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 gây khó khăn chung cho các ngành và lĩnh vực, trong đó có ngành NH. Do đó, Hội thẻ dự kiến đề xuất NH Nhà nước lùi lộ trình thực hiện thêm tối thiểu 3 tháng và tối đa 6 tháng so với quy định.
Như quy định tại thông tư 41, đến hết năm 2021 các NH sẽ hoàn tất việc chuyển đổi sang thẻ chip, nay đề xuất lùi đến cuối tháng 3 hoặc tháng 6-2022", ông Tuấn cho hay.
|
Đề nghị hưởng ứng Ngày không tiền mặt
NH Nhà nước vừa có công văn đề nghị các NH, chi nhánh NH nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hưởng ứng tích cực triển khai các hoạt động thiết thực trong khuôn khổ chương trình "Ngày không tiền mặt - ngày 16-6" năm 2020.
Cụ thể, căn cứ nhu cầu, điều kiện hoạt động kinh doanh của mình, các NH, chi nhánh NH nước ngoài, trung gian thanh toán xem xét hưởng ứng, ủng hộ thông qua việc miễn, giảm phí, tặng quà cho khách trong thời gian diễn ra sự kiện (trong tháng 6) và đỉnh điểm vào "Ngày không tiền mặt - ngày 16-6".
NH xem xét miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, tặng quà… cho khách hàng khi mở mới tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng hoặc thực hiện chuyển khoản, chi trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ, thanh toán hóa đơn bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán thẻ, thanh toán qua ứng dụng trên điện thoại di động, thanh toán qua mã QR, trích nợ tự động…).
Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán xem xét giảm giá, chiết khấu, hoàn tiền, tích điểm thưởng… cho khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán để thanh toán không dùng tiền mặt.
Các tổ chức trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử có chính sách ưu đãi hợp lý như miễn, giảm phí cho khách hàng đăng ký liên kết thành công tài khoản ví với tài khoản thanh toán mở tại NH.
L.THANH |
Công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày không tiền mặt 2020
Tiếp nối thành công của chương trình Ngày không tiền mặt 16-6-2019, ngày 26-5-2020 tại TP.HCM, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử (Vecom), Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày không tiền mặt 2020 (16-6-2019 - 16-6-2020).
Tham dự buổi họp báo có lãnh đạo các vụ của Ngân hàng Nhà nước (thanh toán, truyền thông).
Ngoài ra còn có lãnh đạo Napas, Vecom, đại diện Ngân hàng TMCP Sacombank, HD Bank, Vietinbank, hệ thống siêu thị bán lẻ Co.op Mart, các hiệp hội, tổ chức trung gian thanh toán…
Ngày không tiền mặt do báo Tuổi Trẻ đề xuất - ngày 16-6, được bắt đầu từ năm 2019 - là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.
Hưởng ứng ngày 16-6 năm nay sẽ có nhiều sự kiện như: chương trình Ủng hộ nông sản Việt, chương trình Tiểu thương không tiền mặt, giải chạy bộ online - Ngày không tiền mặt, hội thảo Webinar về thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam (10-6-2020), chương trình Tuần lễ không tiền mặt (10-6-2020 - 16-6-2020)…
Thông qua các chương trình, sự kiện sẽ tạo cơ hội cho người dân trên cả nước trải nghiệm và thấy rõ hơn lợi ích của các phương tiện thanh toán điện tử mang lại, đặc biệt trong thời điểm thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội và trong bối cảnh cả thế giới phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19.
HỒNG NHUNG |
LÊ THANH-ÁNH HỒNG (TTO)