Thời sự - Bình luận

Lấy đá ghè chân mình?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tính đến nay tỉ lệ giải ngân chung của cả nước vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Liên tục có những chỉ đạo về việc triển khai các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ vướng mắc nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mấy tháng gần đây. Dù vậy, tính đến nay tỉ lệ giải ngân chung của cả nước vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Bộ Tài chính, tổng nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 806.300,8 tỉ đồng (ngân sách trung ương 280.125,7 tỉ đồng; ngân sách địa phương 526.175 tỉ đồng). Trong đó, riêng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao là 680.075,8 tỉ đồng.

Thế nhưng, đến hết tháng 10-2024, toàn quốc giải ngân ước đạt trên 355.616 tỉ đồng, tương đương 47,43% kế hoạch; đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Chỉ mới có 15 bộ, cơ quan trung ương và 41 địa phương có tỉ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Tức là còn tới 29 bộ, cơ quan trung ương và 22 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung toàn quốc. Hai thành phố đầu tàu Hà Nội và TP HCM có kế hoạch vốn lớn nhưng tỉ lệ giải ngân đạt thấp (Hà Nội khoảng 45%, TP HCM khoảng 20% - số liệu của Bộ Tài chính).

Từ nay đến cuối năm, thời gian còn lại khá ít, làm sao đạt mục tiêu Chính phủ đưa ra là giải ngân phải đạt từ 95% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao?

Nguyên nhân gây tắc nghẽn không mới, vẫn là những vướng mắc cố hữu, đã được nhận diện, báo cáo và nỗ lực tháo gỡ liên tục trong nhiều năm qua mà vẫn chưa thể chấm dứt. Đó là giải phóng mặt bằng, đền bù, giao đất; quy hoạch sử dụng đất; nguồn cung ứng nguyên vật liệu; cơ chế chính sách (thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa; thiếu các định mức chi phí đối với các dự án không có cấu phần xây dựng; rắc rối các quy định về cơ chế đấu thầu, quản lý đầu tư công...); bất cập ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư công tác lập, phân bổ kế hoạch, quy trình giải ngân của các dự án ODA…

Bên trên được cho là những nguyên nhân khách quan, nói cách khác là… do cơ chế! Nhưng suy cho cùng, mọi cơ chế là do con người xây dựng và vận hành. Vậy tức là tự lấy đá ghè chân mình hay sao?

Phải thẳng thắn chỉ ra thực tế là khâu tổ chức thực hiện có vấn đề. Con người quyết định tất cả. Nhưng đã có cá nhân nào phụ trách/ chịu trách nhiệm các dự án/ công trình đầu tư công mà giải ngân ì ạch, chậm trễ hết năm này qua năm khác bị xử lý trách nhiệm thích đáng hay chưa? Phải có hình thức chế tài nghiêm khắc liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu từng dự án/ công trình thì mới mong có chuyển biến, bứt phá.

Về "bài toán" cơ chế, cần sớm sửa đổi các luật, văn bản dưới luật đang gây tắc nghẽn giải ngân vốn đầu tư công. Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang thảo luận, cho ý kiến về Luật Đầu tư công (sửa đổi); ngoài ra còn một số luật liên quan khác cũng cần điều chỉnh những quy định bất cập, như: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước...

Chậm giải ngân vốn đầu tư công chính là một dạng lãng phí nguồn lực, rất lớn.

Theo Y Qua (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm