Hàng trăm chủ nợ đã nhiều lần kéo đến nhà các con nợ dùng nhiều sức ép đòi lại số tiền đã cho vay nhưng không thành.
Theo tìm hiểu của người viết, thời gian qua, nhiều người dân ở đây đã cho một nhóm người ở xã Quỳnh Long (là anh em họ hàng) vay hàng chục tỉ đồng với lãi suất từ 1,5 - 2%/tháng.
Ban đầu, những người vay tỏ ra rất sòng phẳng, trả lãi đều đặn. Do tin tưởng, nhiều người dân đã dùng toàn bộ tiền tích cóp được mang đến cho vay để lấy lãi suất cao, thậm chí nhiều người còn vay tiền của người khác để cho những đầu mối này vay lại nhằm hưởng lãi suất chênh lệch. Thấy những người đứng ra vay tiền luôn tỏ ra làm ăn thành đạt, hay làm từ thiện, nên người dân đã không mảy may nghi ngờ. Nhiều người làm nghề cào nghêu, làm muối tích cóp được dăm bảy chục triệu cũng mang đến gửi để hưởng lãi suất và số tiền ướp đầy mồ hôi, nước mắt này đang có nguy cơ không thể thu hồi được.
Điều đáng nói, đây không phải là vụ huy động tiền vay theo kiểu "tín dụng đen" lãi suất cao bị tuyên bố vỡ nợ đầu tiên. Trước đó, 2 vụ vỡ nợ khác với số tiền hàng chục tỉ đồng của nhiều nạn nhân đã xảy ra tại Nghệ An khiến rất nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay.
Thực tế, nếu biết đặt nghi vấn, người dân có thể rất dễ nhận ra sự vô lý khi tại sao những người này không tiếp cận ngân hàng để vay vốn với lãi suất thấp hơn nhiều, mà lại đi vay hàng chục, hàng trăm tỉ đồng của người dân với lãi suất cao như thế, và họ đang kinh doanh cái gì để có lợi nhuận đủ trả lãi suất tiền vay cao như vậy?
Khi người vay tuyên bố vỡ nợ, những chủ nợ trở nên điêu đứng vì việc đòi nợ là vô cùng khó khăn. Dân gian có câu "đừng thả gà ra đuổi" là lời khuyên rất phù hợp với trường hợp này.
Khánh Hoan (TNO)