Phóng sự - Ký sự

Chuyện ghi ở "cổng trời" Ea Rớt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đường lên “cổng trời” Ea Rớt mùa này được ví như một cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Con đường như chiếc xương cá khổng lồ trườn qua các quả núi trập trùng với những “ổ voi, ổ trâu” đã trở thành ao sâu.
 

Phía sau “cổng trời” là những cuộc đời sống bám rừng bám đất, dẫu nghèo đói nhưng nhất quyết không kêu than.

"Bơi" lên "cổng trời"

Gọi là “cổng trời” vì con đường gấp khúc, thăm thẳm, có đoạn dốc cao chạm mây trắng, khi gần đến Ea Rớt chỉ có một nút thắt nhỏ giống như cái cổng nằm ngang dãy núi Ea Lang. Tổng hành trình tới thôn Ea Rớt phải trải qua 5 con dốc cao với 25km đường trơn đất trượt từ trung tâm xã Cư Pui (Krông Bông, Đắk Lắk), trong đó đường dốc xuyên rừng dài hơn 12km.

Ở đây, có trên 170 hộ dân chủ yếu là dân tộc Mông di cư từ phía Bắc vào. Bao năm qua, họ không có sự lựa chọn sướng khổ, mà mặc nhiên là như thế. Nhưng nếu hỏi bất cứ ai về mức độ khổ ải ở “cổng trời” này thì họ sẽ trả lời là rất vất vả vào mùa mưa.

Mưa ở dãy núi Ea Lang là khủng khiếp và dai dẳng nhất rồi, không ai bàn cãi nữa. Mưa dầm dề, dai dẳng, thối đất thối cát và thối cả móng chân móng tay con người. Mưa biến trục đường độc đạo lên “cổng trời” thành cung đường với những “ao cá, ruộng lúa” nhan nhản. Xe máy buộc xích vào bánh, nhiều đoạn phải khiêng. Máy cày chở hàng hóa nghiêng ngả như người say rượu, chỗ lún sâu phải dùng đến dây tời.


 

Đường lên “cổng trời” mùa mưa.
Đường lên “cổng trời” mùa mưa.



Hầu hết nương rẫy nằm bên kia con suối Đất, muốn sang phải dùng bè hoặc đu ròng rọc. Mùa cao điểm thu hoạch hoa màu, nông sản, người dân ùn ùn vượt suối như trẩy hội. Cả người và đồ dùng treo lơ lửng như khỉ, thoắt cái đã chạm vào bờ bên này suối nhưng cũng thoắt cái có thể rơi tủm xuống dòng nước đục ngầu.

Con suối Đất mùa mưa nước dâng cao, nới rộng khoảng cách hai bờ gần 60 mét nên dây cáp không đủ, người dân kêu gọi nhau kết bè. Vì nhu cầu đi lại cao, một con bè không đủ vận chuyển, bà con đánh liệu túm nhau lại mà lên. Bè nhỏ, không chịu được trọng lượng lớn nên lật.

May là nước suối không chảy xiết, trên bè ai cũng biết bơi nên không xảy ra tai nạn thương tâm. Chị Hầu Thị Dua cho biết, vào tháng 3 năm 2018 vừa qua, chị địu đứa con một tuổi cùng vài người nữa lên bè qua rẫy.

Chiếc bè trôi đến nửa suối thì đảo nghiêng, hất cả đoàn người rớt xuống nước. Chị bỏ hết đồ dùng, ôm chặt lấy con kêu gào cứu giúp. Rất may chồng chị ở gần đó đã lao xuống vớt hai mẹ con. Sau lần suýt mất mạng, chị Dua rất sợ nhưng vẫn phải cắn răng qua suối vì bên đó chính là nguồn sống duy nhất của gia đình.

Nói rồi, chị Dua tặc lưỡi xuýt xoa: “Nếu không qua suối bằng cách đó thì đi đường khác cũng phải bơi, bởi khi mùa mưa về, mọi tuyến đường vào Ea Rớt đều bị ngập sâu dưới lòng nước. Điểm ngập sâu nhất có thể lên tới 8 mét, thấp nhất cũng là 4 mét. Ea Rớt bị nước bao vây và núi chia cắt, cô lập hoàn toàn.

Thậm chí đi từ nhà này qua nhà kia cũng phải dùng bè. Học sinh ngày nào đến trường cũng ngồi bồng bềnh trên bè, thích thú vung nước cười đùa. Thương nhất là thầy cô giáo, “cõng chữ” lên “cổng trời” đã muôn vàn khó khăn nay lại phải “bơi chữ” bằng bè.

 

Song bận rộn với các con.
Song bận rộn với các con.



Trưởng thôn Ea Rớt, Vàng Seo Măng bảo rằng, từ nhiều năm nay vùng này là như thế, biết là qua suối bằng bè thì nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác. Trưởng thôn chỉ biết, sở dĩ một số đoạn đường lên “cổng trời” ngập sâu là do hồ chứa nước Krông Pắc Thượng tích nước cộng với lượng mưa lớn gây nên sự ứ đọng ở các vùng trũng.

Cách đây một tháng, xã Cư Pui phối hợp với chương trình “Sát cánh cùng gia đình Việt - Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (VOH) khởi công xây dựng chiếc cầu bằng bê tông tại thôn Ea Rớt. Thời gian chờ cầu thông xe, bà con vẫn phải “bơi” dài dài.

Phía sau “cổng trời”, cuộc sống của cư dân thôn Ea Rớt ngày qua ngày lầm lũi với nương rẫy. Sau hơn 20 năm lập làng, chỉ mới năm ngoái, người dân mới lần đầu tiên biết được hình hài ánh sáng của điện và uống ngụm nước sạch. Niềm vui sướng lấp lánh trên khuôn mặt của người già và trẻ nhỏ. Người dân đã tự nguyện hiến đất để lắp đặt hệ thống cung cấp điện và nước sạch sử dụng năng lượng mặt trời.

Sẽ cho con xuống núi học chữ

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Thào Chư Lèo đã cùng gia đình từ bỏ quê Hà Giang vào định cư tại Đắk Lắk. Hỏi tại sao lại chọn “cổng trời” Ea Rớt để xây dựng cuộc đời, trong khi thời điểm đó đất đai ở Tây Nguyên bạt ngàn, nhiều vùng đất màu mỡ nằm ở vị trí bằng phẳng?

Thào Chư Lèo gãi đầu, cười rõ to rồi nói: “Quê mình ngoài kia chỉ có đá và núi, hạt đất được xem là thứ quý giá nhất. Khi vào trong này bố mẹ thấy có cái chỗ vừa cao ráo lại nhiều cây nhiều đất mà không va chạm với nhiều người thì thích quá. Dân mình chỉ thích ở với rừng thôi, bây giờ cho chọn lại vẫn chọn ở đây, không đi đâu cả”.

Với triết lý sinh tồn ấy, gia đình Thào Chư Lèo cần mẫn khai phá đất đai rồi trồng tỉa. Chỉ cần nhìn thấy cây ngô mọc xanh tốt là sướng cái bụng rồi, ăn mèn mén cả đời cũng được. Anh em nhà Lèo gắn bó cả tuổi thơ trên “cổng trời”. Trai lớn lấy vợ, gái lớn “bắt chồng” vẫn quần tụ cùng nhau. Với họ, cái “cổng trời” ở đây có nhiều nét giống với “cổng trời” Hà Giang nên nỗi nhớ quê hương phần nào được khỏa lấp.  


 

 Bà con quây quần bên căn nhà của Thào Chư Lèo để uống nước sạch.
Bà con quây quần bên căn nhà của Thào Chư Lèo để uống nước sạch.



Đời Thào Chư Lèo đã mặc định trong cánh rừng này, nhưng đời con cái thì không thể cho chúng giống cha mẹ được. Vợ chồng Lèo định bụng sau này con lớn sẽ cho xuống núi học lấy thật nhiều chữ. Thấy đứa con đầu nói thích làm giáo viên về dạy cho trẻ em ở trên “cổng trời” khiến Lèo mừng rơi nước mắt.  
Chúng tôi đến thăm vợ chồng Lào Seo Sám và Lý Thị Sua khi cơn mưa đang rập rình tràn qua dãy Ea Lang. Sám vừa đi rẫy về, khuôn mặt đẫm mồ hôi. Trong nhà, Sua đang cặm cụi nấu nồi cơm với củi ướt, khói bay nghi ngút, nước mắt giàn giụa. Sám (24 tuổi), Sua (22 tuổi) cưới nhau khi Sám 17 tuổi và Sua 14 tuổi. Sua vừa chớm tuổi dậy thì thì cũng là lúc phát hiện mình mang thai. Năm sau, Sua hạ sinh một bé trai.

Sua và Sám không muốn nói chuyện với người lạ mà cũng chẳng biết nói gì với cái gia cảnh non nớt, thiếu thốn đủ điều này. Từ ngày cha sinh mẹ đẻ, Sám chỉ quanh quẩn ở cái “cổng trời”, con chữ cũng vừa đủ đánh vần tên mình trên mặt giấy.

Lớn lên, Sám còn chưa biết phố xá ở dưới con dốc “cổng trời” kia tấp nập ra sao thì đã bị gán cho trách nhiệm làm chồng. Và làm cha có lẽ là cái bản năng con người của Sám. Ngày mới về sống chung hai đứa cứ lạ lẫm ngượng ngùng làm sao, bởi vì không quen ăn chung mâm, ngủ chung giường.

Từ ngày có đứa con thì cuộc sống gia đình bắt đầu vào nếp. Sua ra dáng đàn bà có tuổi với làn da đồi mồi, mái tóc bù xù, thân hình nhàu nhĩ mặc dù lúc ấy chưa bước qua tuổi 20. Sua phân bua rằng, do sinh con nó tàn phá nhan sắc.   


 

Đường dốc nhiều đoạn “ổ voi” lầy lội.
Đường dốc nhiều đoạn “ổ voi” lầy lội.



Lời ru buồn không chỉ thăm thẳm trong căn nhà của Sua mà còn tràn ra những căn nhà khác, khi nạn tảo hôn ở nơi này chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Ngôi nhà lụp xụp của vợ chồng Lò Văn Dũng (28 tuổi) và Vũ Thị Song (26 tuổi) nằm lọt thỏm giữa những quả đồi xanh thẳm vắt ngang dãy Ea Lang.

Song năm nay 26 tuổi nhưng có “thâm niên” làm vợ 11 năm. Song cho biết, ở đây con gái nghỉ học mà không kiếm được tấm chồng “lận lưng” thì sẽ bị gọi là ế, sẽ xấu hổ với bạn bè. Vợ chồng Song hiện có hai mặt con, cái đói bủa vây quanh năm nên cũng biết sợ không dám sinh thêm con nữa.

Mấy năm nay được cán bộ y tế vào tận thôn tuyên truyền và dạy cho cách phòng tránh thai nên các cặp vợ chồng son bắt đầu “hãm” sinh nở. Song tâm sự, mỗi lần có dịp xuống thị trấn, thấy những đứa trẻ bằng tuổi con mình trắng nõn nà, chơi đùa ở các công viên mà thương con mình.

Chung quy lại cũng bởi ở tách biệt và thiếu tiền nên trẻ con không được béo trắng như con người ta. Song tự nhủ thầm, hai đứa con sau này sẽ cho chúng học hết cái chữ trên “cổng trời” rồi cho xuống núi học tiếp chứ không thì mãi tăm tối, mịt mù như cha mẹ.

Ngọc Hoa -Đan Nguyên (cand)

Có thể bạn quan tâm