Một trong những cách hiệu quả nhất để kiểm tra sức khỏe là thông qua xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu có thể giúp phát hiện sớm các bệnh tiềm ẩn, theo Step To Health.
Ảnh: ShutterStock |
Vậy tốt nhất là nên đi xét nghiệm khi nào, bao lâu một lần?
Tại sao xét nghiệm máu lại quan trọng đối với sức khỏe?
Xét nghiệm máu rất quan trọng để theo dõi, phòng ngừa và phát hiện sớm và chẩn đoán bệnh. Một số thành phần máu có thể thay đổi trước khi các triệu chứng biểu hiện, từ đó có thể phát hiện ra các bệnh như ung thư, HIV hoặc các bệnh đe dọa đến tính mạng khác.
Mặt khác, xét nghiệm máu cho phép các chuyên gia theo dõi tiến trình bệnh và hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
Mặc dù có rất nhiều loại xét nghiệm máu, chỉ cần một vài xét nghiệm chính yếu là đã đủ để biết được sơ bộ về sức khỏe, theo Step To Health.
Các xét nghiệm máu quan trọng nhất
Sau đây là một số xét nghiệm mà bác sĩ có thể sẽ chỉ định:
• Xét nghiệm công thức máu
Xét nghiệm này giúp phát hiện các bất thường về máu, như nhiễm trùng máu, ung thư máu. Xét nghiệm này đo số lượng tế bào hồng cầu và bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương xem có ở mức bình thường hay không, chỉ ra bạn có bị nhiễm trùng hoặc thiếu máu không, theo Step To Health.
• Xét nghiệm chức năng gan
Xét nghiệm này đo các men trong gan xem có cao hay không. Nếu cao hơn gấp đôi bình thường sẽ chỉ ra tổn thương tế bào gan. Bác sĩ sẽ giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân tổn thương tế bào gan và điều trị kịp thời.
• Xét nghiệm chức năng thận
Thận có nhiệm vụ điều hòa và bài tiết các chất thải.
Xét nghiệm này đo hàm lượng các chất natri, kali, canxi, nitơ urê, creatinine, carbon dioxide, clorua, glucose và phốt phát.
Nếu nồng độ các chất này trong máu, đặc biệt là urê và creatinin tăng cao, là dấu chỉ chức năng bài tiết của thận đang suy giảm. Từ đó, bác sĩ có phương án điều trị kịp thời.
• Xét nghiệm mỡ máu
Xét nghiệm này kiểm tra xem bạn có bị mỡ máu cao hay không. Nếu mỡ máu cao nghĩa là bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch như xơ vữa mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Từ đó, bác sĩ sẽ có hướng điều trị và giúp bạn điều chỉnh thói quen sống để ngăn ngừa, theo Step To Health.
• Xét nghiệm đường huyết
Xét nghiệm này kiểm tra lượng đường trong máu có vượt mức bình thường không, xác định xem bạn có bị tiểu đường không. Từ đó, ngăn ngừa hoặc điều trị kịp thời.
Khi nào nên bắt đầu xét nghiệm
Người khỏe mạnh chỉ cần xét nghiệm máu hằng năm. Nhưng bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính cần phải xét nghiệm thường xuyên.
Sau đây là các xét nghiệm máu thông thường cho từng giai đoạn của cuộc sống, do các chuyên gia y tế xây dựng trên toàn cầu, dựa trên các độ tuổi phổ biến nhất cho từng bệnh.
Các xét nghiệm này cho phép phát hiện hầu hết các bệnh gây tử vong ở từng lứa tuổi.
• Tuổi 20 - 35
Theo các chuyên gia, mọi người cần bắt đầu xét nghiệm máu hằng năm từ tuổi 20.
Các xét nghiệm cho nhóm tuổi này bao gồm công thức máu, chức năng thận, chức năng gan, lượng đường trong máu và mỡ máu, chẩn đoán thiếu hụt vitamin và khoáng chất phổ biến, theo Step To Health.
Đến tuổi 30, cần xét nghiệm thêm chức năng tuyến giáp để xác định số lượng hoóc môn do tuyến giáp sản xuất.
• Tuổi 35 - 55
Vì tỷ lệ mắc các bệnh mạn tính tăng sau tuổi 40, xét nghiệm máu cần kết hợp thêm các xét nghiệm hình ảnh.
Giai đoạn này cần thêm xét nghiệm về mất cân bằng nội tiết tố ở phụ nữ mãn kinh.
Ở tuổi 40, cần tăng cường xét nghiệm máu chuyên về đo nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.
• Tuổi 50
Đến tuổi 50 cần xét nghiệm thêm về mức vitamin D xem clos thieeusd hay không, để bổ sung kịp thời.
• Sau tuổi 60
Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nhiều ở người cao niên. Nhiều người trên 60 tuổi đã mắc các bệnh mạn tính, nên cần phải xét nghiệm máu thường xuyên hơn, theo Step To Health.
Theo Thiên Lan (thanhnien)