Phóng sự - Ký sự

Chuyện già Sự-người bảo tồn âm nhạc H'rê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cả đời ông gắn bó với chiêng, tiếng đàn và những điệu dân ca của dân tộc mình. Ông đã được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú vì đã góp phần xứng đáng trong việc bảo tồn âm nhạc của người H’rê.

Chiều xuống, những nếp nhà sàn nằm lưng chừng núi ở thôn Nước Lui, xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi tỏa khói lam bàng bạc. Trên con đường làng thấp thoáng những đàn trâu, những bóng người đi làm rẫy, làm đồng trở về.

Ngồi ở đầu hồi, già làng Phạm Văn Sự lại lấy sáo tà lía ra phía đầu tra thổi. Tiếng sáo du dương hòa quyện với khung cảnh làng quê, gợi lên cảm giác thật yên bình.

 

 

Mê tiếng đàn, điệu hát

Hỏi chuyện, già làng Sự hào hứng: "Đồng bào H'rê của mình có nhiều loại nhạc cụ lắm. Nào sáo tà lía, đàn brook, đàn rơ đoang, đàn krâu, nào chiêng ba và những điệu dân ca như ca choi, ta lêu nữa…".

Dù chỉ có một dây, nhưng mỗi khi đánh lên tiếng đàn rơ đoang nghe nhẹ nhàng, trong vắt. Đó là cách để người con trai bày tỏ tình cảm với người con gái mình thương.

Còn đàn krâu 8 dây thường sử dụng trong ngày tết, lễ hội. Để làm được cây đàn brook vừa đẹp, âm thanh hay phải chọn cây sơn huyết làm cần đàn và quả bầu khô trái thật đều làm vật liệu khi đánh lên mới tròn tiếng.

Rồi phải tìm cây gòn gai, chặt làm lấy nút rồi vào trong rú lấy sáp ong mới gắn được lên thân đàn. Còn dây đàn phải là dây đồng tiếng mới trong mà trước đây phải đi bộ qua tận Ba Đình (tức thị trấn Ba Tơ bây giờ) mới mua được.

Cũng chính mê tiếng đàn nên từ thuở còn thơ, ông thường theo cha, sau đó lớn lên lại cùng với đám thanh niên trong làng ngược đường lên núi Cao Muôn, nơi một thời đội du kích Ba Tơ chọn làm căn cứ, để tìm vật dụng làm đàn.

 

Con đường về thôn Nước Lui trong chiều quê yên bình.
Con đường về thôn Nước Lui trong chiều quê yên bình.

Làng vui nhất là vào dịp tháng 4 âm lịch, khi lúa ngoài đồng đã gặt. Trên con đường về bản hoa gạo nở đỏ rực cũng là lúc bà con chuẩn bị ăn tết ngã rạ mừng mùa lúa mới.

Khi đó, những cây đàn treo trên vách được so dây và những chiếc chiêng được lau sạch. Những người già vào rừng hái lá cây về làm men cho phụ nữ nấu xôi để ủ rượu cần.

Còn đám trai làng hú gọi nhau xuống suối bắt con cá niêng rồi kéo nhau vào rừng săn con chồn, con sóc, con chuột để cùng với con chua (con heo) chuẩn bị làm lễ vật cúng Giàng.

Ngày tết, đàn bà, con gái súng sính trong bộ thổ cẩm mới lo làm lễ vật. Đám trai làng lưng đóng khố, đôi tay trần khỏe mạnh lại bày biện cỗ rồi trang nghiêm làm lễ cúng Giàng, ra bến sông cúng thần nước.

Sau đó, những mâm cỗ đầy, những ché mùi rượu thơm lừng được mở ra để mời nhau.

Khi rượu đã ngấm, sự hưng phấn càng trào dâng, đám trai làng chẳng ai bảo ai, cầm lấy dùi trồng bắt đầu gõ túc chiêng, hát mừng mùa lúa mới, cầu mong cho đất trời bình yên, cho cuộc sống của người làng mỗi ngày thêm sung túc.

Ngày tết đến cũng là dịp để trai gái trong làng cảm phục tài nhau mà chọn lựa người thương.

 

Già Sự hát dân ca trong liên hoan âm nhạc dân tộc H'rê huyện Ba Tơ tháng 5-2018 và biểu diễn đàn brook tại liên hoan khu dân cư Nước Lui năm 2016.
Già Sự hát dân ca trong liên hoan âm nhạc dân tộc H'rê huyện Ba Tơ tháng 5-2018 và biểu diễn đàn brook tại liên hoan khu dân cư Nước Lui năm 2016.

Chàng trai H’rê ngoài thân hình lực lưỡng còn phải biết đánh đàn, thổi sáo, biết gõ chiêng ba. Con gái H’rê chăm chỉ làm đồng, nết na, hiền dịu còn phải biết dệt thổ cẩm thì mới mong được nhiều người để mắt.

Ông Sự chẳng bao giờ vắng mặt trong các ngày lễ hội của làng. Hết chơi đàn, ông chuyển sang gõ túc chiêng rồi cùng hát ka choi đối đáp với đám thanh nữ trong làng.

Theo tháng năm, trên bản Nước Lui bao mùa trăng, bao mùa rẫy đi qua, ông Sự đều mang đàn ra chơi. Tiếng đàn thay lời tự tình của ông đã làm cho nhiều cô gái trong làng xao xuyến.

Mang sáo trên lưng

Nhưng rồi năm 1963, chiến trường giục giã, chàng trai Sự vào bộ đội. Trong balô của người lính dân tộc thiểu số này luôn có chiếc sáo tà lía.

Những năm đó, vùng núi rừng Ba Tơ ngày ngày vọng tiếng bom rền. Nhưng rồi cũng có những phút giây bình yên, trên vùng căn cứ, ông mang chiếc sáo tà lía ra thổi.

"Thổi sáo, đánh đàn trong thời chiến lạ lắm, không có ai tán thưởng như đi biểu diễn đâu. Nhưng tiếng đàn tiếng sáo vang lên là thấy lòng bình yên mà tạm quên sự khắc nghiệt của chiến tranh" - già Sự bộc bạch.

Rồi chiến tranh kết thúc, bộ đội Sự như con chim phí bay về quê hương.

 

 

Ông cùng đám thanh niên vào núi chặt cây rừng, cắt tranh đánh thành tấm để làm nhà. Một đám cưới theo đúng phong tục người H’rê được tổ chức và bà Phạm Thị Êm, người con gái năm xưa từng mê tiếng đàn, câu hát của ông trở thành cô dâu.

Đôi vợ chồng cần mẫn trên rẫy, ngoài nương để nuôi bốn người con. Ông Sự nhớ lắm, những ngày mùa đông mưa lạnh, lúa trên rẫy đã tuốt về nhưng không phơi được nên vợ phải bắt chảo lên rang.

Rang thóc là công việc của phụ nữ nên ông phải thay vợ hát điệu talêu ru con. Tiếng ru êm đềm bên ánh lửa hồng trong ngày đông giá rét đưa con vào giấc ngủ sâu. Để rồi sau đó, bên cối gỗ, ông lại giã thóc cho vợ giần sàn lấy gạo nấu cơm.

Theo yêu cầu của cấp trên, ông tham gia chính quyền cơ sở, làm cán bộ kế hoạch xã, rồi sau đó làm cán bộ thông tin.

Thời hậu chiến khó khăn. Trên những làng quê xa, cái khó còn gấp bội phần. Nghe cấp trên bảo phải động viên bà con khắc phục khó khăn chung sức chung lòng xây quê hương tươi đẹp, ông Sự đêm từng đêm thao thức dựa trên điệu hát Ka choi mà sáng tác lời hát cho đội văn nghệ xã

"Ô! Những hôm biểu diễn văn nghệ ở xã , bà con đứng chật trong chật ngoài. Sau khi các tiết mục của Đội văn nghệ của huyện là đến các tiết mục của mình và thanh niên, thanh nữ trong làng biểu diễn. Bà con thích lắm. Có người còn mang rượu cần, thịt trâu nướng đến khao anh em", ông nhớ lại.

 

 

Bảo tồn âm nhạc H'rê

Rồi thời gian, cái khó dần lui nhường chỗ cho cuộc sống mới tươi đẹp hơn. Trên xã vùng xa Ba Vinh, Nhà nước đã làm cầu treo bắt qua suối Cao Muôn, làm đường bê tông nối từ quốc lộ 24 về xã.

Ở thôn Nước Lui và cả vùng dưới chân núi Cao Muôn, di tích của đội du kích Ba Tơ được xây dựng. Rồi điện cũng giăng dây đưa về thắp sáng cả làng và hệ thống nước sinh hoạt đưa con nước sạch từ núi Cao Muôn về cho dân tha hồ sử dụng.

Nơi đầu thôn, một trường mẫu giáo cũng đã xây dựng, ngày ngày rộn ràng tiếng cười nói trẻ thơ.

Nhưng cuộc sống khá dần lên, đám thanh niên lại không còn thích chơi những nhạc cụ dân tộc, không mê điệu ka lêu, ca choi như trước nữa. Già Sự và những người già trong làng đâm buồn.

Có những chiều hay những đêm trăng, sau khi chơi đàn, ông ngồi tư lự: Kiểu này rồi đám trẻ sẽ quay lưng với âm nhạc dân tộc mà thôi.

Nghĩ vậy, già Sự đã động viên con mình là Phạm Văn Dôn chơi đàn, gõ túc chiêng và hát những bài dân ca.

"Ban đầu mình tập là để cho cha mình vui. Nhưng rồi càng tập mình càng mê tiếng chiêng, điệu hát", anh Dôn kể.

Rồi theo chủ trương của tỉnh, của huyện về bảo tồn văn hóa dân tộc, những cán bộ của ngành tìm về ông.

Anh Lê Cao Đỉnh - phó trưởng Đài truyền thanh phát lại truyền hình, nguyên cán bộ Phòng Văn hóa thông tin huyện Ba Tơ - kể: "Lần đầu gặp, thấy ông sử dụng khá thuần thục chiêng, đàn và biết hát dân ca... anh em đều nhận ra ngay ông là "vốn quý".

Vậy là sau đó, trong những lần hội diễn văn nghệ các dân tộc của huyện, phòng đều mời ông tham gia và ông chẳng bao giờ từ chối".

Còn ông chỉ nói đơn giản: "Tui nay đã 79 tuổi rồi. Điều đáng mừng là bây giờ đám trai làng như thằng Dôn hay thằng Phong, thằng Hinh (dân trong thôn) đã sử dụng khá thuần thục các loại đàn, gõ túc chiêng và hát say sưa những điệu kalêu, kachoi. Có chúng, âm nhạc của người H’rê đã được lưu truyền trên quê hương An toàn khu này".

Võ Quý Cầu/Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm