Bạn đọc

Chuyện giữ gìn vệ sinh nơi công cộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một sáng, có việc đi ngang qua đường Lê Duẩn (TP. Pleiku), đoạn gần lối rẽ vào Bến xe Đức Long Gia Lai, mới hơn 9 giờ đã bắt gặp một bác mặt mũi đỏ tưng bừng, dừng xe ngay sát dải phân cách rồi thản nhiên đứng làm cái việc mà lẽ ra phải làm trong nhà vệ sinh. Chẳng cứ tôi, tất cả những người chứng kiến cảnh đó đều tỏ rõ sự bất bình, khó chịu. Thậm chí có một chị còn la: “Ôi trời, cái ông đó hình như không có dây thần kinh xấu hổ thì phải, muốn đi vệ sinh thì phải về nhà hoặc tìm nơi kín đáo chứ”.

Thực ra, lâu lâu dạo phố, tôi vẫn gặp cảnh đi vệ sinh một cách bừa bãi của một số người, kém tế nhị thì như người đàn ông vừa nói đến, người có ý thức hơn một chút thì vẫn còn nhớ để mà quay mặt vào tường rào, quay lưng ra phố trước khi “hành xử” và hầu như ở tuyến phố nào cũng gặp cảnh tượng ấy. Việc này, cũng chẳng phải là mới mẻ gì hay chỉ diễn ra ở Pleiku mà đã là tình trạng phổ biến ở hầu hết các đô thị trên cả nước.

 

Rác thải từ một bữa tiệc đã tàn trên đường vào danh thắng Biển Hồ. Ảnh: Hoàng Ngọc
Rác thải từ một bữa tiệc đã tàn trên đường vào danh thắng Biển Hồ giờ đã được hạn chế. Ảnh: Hoàng Ngọc

Cùng với việc đi vệ sinh theo kiểu “mình thích thì mình làm thôi” là chuyện khạc nhổ bừa bãi. Tôi đã từng rơi vào “cảnh ngộ” khi đang lưu thông trên đường thì được “hưởng” ngay một bãi nước bọt to tướng của người đi trước mình một bánh xe, chỉ với duy nhất một cú tạt ngang đầu, khiến tôi quá bất ngờ, không kịp cả đưa tay lên ngang mặt theo phản xạ tự nhiên! Tôi đã từng chứng kiến hai người cãi cọ nhau ngay ngã tư Hùng Vương-Nguyễn Thái Học (TP. Pleiku) cũng chỉ vì bãi nước bọt “bỗng dưng” bay ra từ một người vô ý. Vụ cãi cọ đó sẽ còn kéo dài nếu không có người can gián và những người tham gia giao thông phía sau hối thúc di chuyển.

Một chuyện khác, cắm rễ lâu hơn trong tư tưởng của không ít người dân, ấy là việc rác nhà đem ra đường bỏ, vào bất cứ thời gian nào, với muôn vàn kiểu quăng, vứt, ném. Chắc chắn, ta sẽ không còn quá ngạc nhiên khi xuống phố mà lâu lâu mắt lại chạm phải những chướng ngại vật là những bì ni-lon to đùng chứa đầy rác được vứt ngang ngửa vỉa hè. Chắc chắn, khi tham gia giao thông, ta cũng không còn quá ngạc nhiên khi thấy một người đang đi phía trước đột nhiên đi chậm rồi dùng chân đá vèo bì rác xuống đường, sau đó rồ ga chạy. Nhiều người (trong đó có tôi) không ít lần lầm tưởng họ bị rơi đồ, thậm chí có người còn cố phóng xe theo kịp chỉ để thông báo “Cô/chị/em/anh ơi, có một túi đồ vừa rơi đó!”. Chắc chắn, ta cũng không còn quá ngạc nhiên khi đang ngang phố A, phố Z, bất ngờ có một túi ni-lon bay xuống từ tầng 2, tầng 3 của một nhà mặt phố, hên thì nó rơi ngay trước mặt hay sau lưng, xui thì nó rơi trúng ngay lên người mình và lúc ấy cũng chỉ biết kêu trời mà thôi.  

Không phải bỗng dưng tôi nhắc lại những hành vi làm vấy bẩn nơi công cộng này. Cũng bởi, chỉ còn hơn nửa tháng nữa, bắt đầu từ ngày 1-2 (nhằm ngày mùng 5 Tết Đinh Dậu), hành vi làm bẩn nơi công cộng sẽ bị tăng mức phạt lên nhiều lần theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, có những mức phạt tăng gấp hàng chục lần; đơn cử như: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (quy định cũ 50.000 đồng-100.000 đồng) với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng; phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng (quy định cũ 200.000-300.000 đồng) với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng; phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng (quy định cũ 300.000-400.000 đồng) với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị…

Có thể thấy, theo quy định mới, tất cả các hành vi xả rác nơi công cộng dù nhỏ nhất cũng đều bị tăng mức phạt, tất cả hướng tới mục đích nhằm ngăn chặn, phòng ngừa việc xả rác bừa bãi nơi công cộng đã và đang diễn ra, ở bất cứ đâu trên mọi miền đất nước. Việc vứt rác thải bừa bãi dường như từ lâu đã trở thành thói quen xấu của nhiều người. Tuy nhiên, tôi cho rằng, để những quy phạm này đi vào thực tiễn cuộc sống, bên cạnh công tác tuyên truyền, việc xử lý vi phạm… của các ngành chức năng thì yếu tố đầu tiên và tiên quyết, lại chính là ý thức tự giác của mỗi người dân. Giả như, nếu mỗi chúng ta, ai cũng thấy việc vứt rác bừa bãi, thấy hành vi làm bẩn nơi công cộng là việc làm xấu hổ, đáng lên án, từ đó tự giác không làm, nhắc nhở gia đình, người thân… không thực hiện hành vi này thì chắc chắn trên mỗi vỉa hè, góc phố ta qua, mỗi bệnh viện, bến xe ta đến, mỗi khu chợ, mỗi trung tâm vui chơi giải trí ta đi mua sắm, vui chơi… đều được khoác trên mình chiếc áo sạch-đẹp; trong đó có phần góp sức của mỗi người.

Thái Bình

Có thể bạn quan tâm