Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Chuyện ít biết về cây đa làng Ghè

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tồn tại hàng trăm năm và bền bỉ tỏa bóng mát nơi giọt nước đầu làng, cây đa di sản ở làng Ghè (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, Gia Lai) đã trở thành vốn quý của người dân nơi đây.
Gốc tích cây đa trăm tuổi
Người làng Ghè không thể nhớ chính xác thời điểm cây đa được trồng nên họ chỉ lấy cái mốc đời người để tính tuổi cho cây đa. “Theo người làng ghi nhớ và truyền lại thì cây đa có tuổi bằng 4 đời người rồi!”-già làng Kpuih Ố nói.
Theo các bậc cao niên, cây đa do một người đàn ông tên Chơng trồng. Cụ Chơng trồng cây đa với mục đích để lấy bóng mát và làm điểm tựa cho những thân mây leo. Dần dần, cây đa cứ thế lớn lên và trở thành tài sản chung của làng lúc nào không hay. Con cháu của cụ Chơng cũng đã sinh sôi đến thế hệ thứ 5 và chứng kiến cây đa cụ trồng trở thành cây di sản.
Bao quanh cây đa di sản làng Ghè là khu vườn rẫy sản xuất của 2 người cháu đời thứ 4 của cụ Chơng, chính là phần đất cũ cụ Chơng chia lại cho con cháu và được họ gìn giữ cho đến hôm nay. Đó là khu vườn cà phê rộng 1,2 ha của gia đình chị Kpuih San và một khu vườn cà phê của gia đình chị Kpuih HNok. Cả 2 hiện lập gia đình và sinh sống ở làng Ghè. “Cây đa do cụ cố mình để lại nay đã thành cây di sản, trở thành tài sản chung của người dân làng Ghè. Dòng họ, gia đình mình tự hào lắm!”-chị Kpuih San nói.
 Già làng Kpuih Ố và Trưởng thôn Ghè-Kpuih Vinh bên gốc cây đa di sản làng Ghè. Ảnh: L.H
Già làng Kpuih Ố và Trưởng thôn Ghè-Kpuih Vinh bên gốc cây đa di sản làng Ghè. Ảnh: L.H
Từ khi được công nhận là “Cây di sản Việt Nam” vào năm 2016, cây đa làng Ghè được nhiều người biết đến hơn. Quả thực, tại Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung, hiếm còn nơi nào gìn giữ được cây đa lớn như cây đa làng Ghè. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn thì cây đa có chiều cao khoảng 45 m, tán rộng che phủ gần 300 m2, chu vi gốc thân chính là 12,5 m và có 8 thân phụ. Cây đa di sản làng Ghè hiện đã được các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đưa vào bản đồ du lịch của huyện biên giới Đức Cơ.
Cây di sản-cây thiêng
Không phải tự nhiên mà cây đa làng Ghè lại “yên bình” tồn tại qua hàng trăm năm. Bởi được trồng trong khu vườn sản xuất, với việc chiếm lĩnh mất một phần không gian không hề nhỏ trong diện tích vườn rẫy thì theo lẽ thông thường, cây đa sẽ khó lòng được thỏa sức tồn tại và vươn bóng lớn đến như vậy.
Theo già làng Kpuih Ố, đó là bởi cây đa làng Ghè rất linh thiêng. “Trước đây, có người do không biết đã xâm phạm đến cây đa và đêm về nằm ngủ gặp ác mộng. Nhiều trường hợp tương tự nối tiếp xảy ra khiến dân làng tin là cây đa linh thiêng, là nơi trú ngụ của thần linh và các linh hồn; từ đó không ai dám làm tổn hại đến cây”-già Ố nói. Cũng từ niềm tin này mà các lễ hội của người làng Ghè thay vì làm ở nhà rông đặt ở giữa làng, bà con quyết định đưa ra gốc đa-nơi gần giọt nước của làng để tổ chức. Nhờ bóng mát của cây, nước ở giọt nước làng Ghè rất ngọt mát, trong lành và không khi nào khô cạn.
Làng Ghè xưa kia chỉ là một ngôi làng nhỏ với mươi nóc nhà bao quanh giọt nước, gần cây đa. Tuy nhiên, hiện nay, nơi này hầu như không có nhà ở, người làng đã dời lên cao, cách xa giọt nước chừng 300 m về phía đỉnh đồi. Từ cây đa và giọt nước phải đi qua một khu vườn rẫy sản xuất và khu nhà mồ khá lớn mới tới nơi ở của dân làng. Lý giải cho sự thay đổi này, già Ố cho rằng, trước đây khu vực làng Ghè và một số làng khác thuộc xã Ia Dơk là chiến địa ác liệt. Từ năm 1965 trở đi, người làng Ghè đã phải sơ tán, lập làng tạm tại khu vực Bàu Cạn thuộc huyện Chư Prông ngày nay để tránh bom đạn của kẻ thù. Hầu như làng chỉ còn lại rất ít người và phần lớn là những gia đình theo cách mạng. Năm 1975, khi chiến tranh chấm dứt, người làng Ghè quay lại quê cũ, làm lại nhà rông và trồng cây gạo mới ngay chính giữa đỉnh đồi và lấy đây là trung tâm, tạo lập nên làng Ghè ở vị trí hiện tại ngày nay.
“Khi làng sơ tán, tôi vẫn ở lại và được vận động tham gia làm giao liên, đưa cán bộ và bộ đội của ta mỗi khi tiếp cận hoặc lui quân từ hướng Chư Pah đánh về Chư Ty. Dưới bóng đa làng Ghè, cũng có lúc từng tốp địch trên đường ngăn chặn hướng tiến quân của quân ta đã dừng lại nghỉ ngơi, lập lán trại. Những khi ấy, tôi lại báo về cho cán bộ để biết đường đổi hướng, tránh vấp phải quân địch”-ông Kpuih HLinh (SN 1930, nhà ở cách cây đa tầm 300 m) kể lại.
…Kể từ khi cây đa trở thành di sản, thanh niên, phụ nữ trong làng thi thoảng phát động dọn dẹp, giữ cho không gian quanh gốc đa luôn sạch đẹp để người lạ ghé thăm thấy ưng lòng. “Làng Ghè hôm nay đã có tới 196 hộ với 852 nhân khẩu. Tuy chưa giàu có nhưng cuộc sống bình yên, no ấm, mọi người đùm bọc và bảo ban nhau làm ăn để cuộc sống tương lai khấm khá hơn. Làng sẽ bảo vệ, gìn giữ cây đa tới cùng, đúng như giá trị của nó: cây đa di sản”-Trưởng thôn Kpuih Vinh tự hào.
Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm