Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Trường học hạnh phúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Sáng 20/11, tôi nhận qua email bài viết khá dài của một thầy giáo dạy học ở vùng sâu mà tôi quen trong một chuyến công tác cách đây khá lâu. Bài viết tương đối dài, tâm sự nhiều về niềm vui của nghề dạy học, những trăn trở, băn khoăn về sự nghiệp trồng người ở vùng sâu, vùng xa.

Cuối bài, anh chia sẻ rằng, trường anh đang nỗ lực xây dựng trường học hạnh phúc. Đang ở bước khởi đầu nên cũng vướng víu đủ thứ, từ nguồn lực đến tâm lý giáo viên.

Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình này chỉ phù hợp với vùng thuận lợi, đầy đủ cơ sở vật chất, học sinh có điều kiện sống tốt, chứ ở vùng sâu khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, sao có thể thực hiện.

Nhưng tôi thì cho rằng không phải như vậy. Trường học hạnh phúc có thể xây dựng ở bất kỳ đâu, bởi hạnh phúc, trước tiên lại phải bắt đầu từ việc tạo niềm vui khi giáo viên đi dạy và học sinh đi học mỗi ngày- anh viết.

Thú thật, đã nghe nhiều về mô hình “Trường học hạnh phúc” từ bạn bè công tác trong ngành Giáo dục, nhưng chỉ khi đọc bài của anh, tôi mới thực sự để ý tìm hiểu.

truong-hoc-hanh-phuc-dd.jpg
Giáo viên và học sinh hạnh phúc để có trường học hạnh phúc. Ảnh:T.H

Mô hình “Trường học hạnh phúc” được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai năm 2019, lấy cảm hứng từ mô hình "Happy School" của UNESCO.

Đây là một dự án được UNESCO khởi động từ năm 2014 nhằm mục đích thúc đẩy hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của người học, coi trọng và nuôi dưỡng các tài năng và thế mạnh đa dạng hơn là kết quả học tập.

Tiêu chí trường học hạnh phúc của UNESCO có đến 22 tiêu chí, chia làm 3 nhóm: Nhóm tiêu chí về Con người; Nhóm tiêu chí Quá trình giảng dạy và học tập và Nhóm tiêu chí Môi trường nhà trường.

Mô hình “Trường học hạnh phúc” của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh đến ba tiêu chí quan trọng, có tính cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Trong đó, về tiêu chí yêu thương, đó là sự quan tâm, chia sẻ, tin tưởng, hỗ trợ và bao trùm lên là bao dung.

Về tiêu chí an toàn, trường học phải an toàn về thể chất và tinh thần. Giáo viên, học sinh phải được bảo vệ, không có sự xúc phạm về thể xác và tinh thần để mỗi khi đến trường như là về nhà.

Đối với tiêu chí tôn trọng, cần tôn trọng sự khác biệt, trước hết là không áp đặt, đem giá trị của một vài cá nhân, áp đặt cho cái chung.

Sau đó, “Trường học hạnh phúc” nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước, dần trở thành mô hình quan trọng của ngành Giáo dục cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn đang có nhiều người mang suy nghĩ, để có trường học hạnh phúc, trước hết, phải có sự đầu tư thỏa đáng, từ hạ tầng (trường, lớp, các phòng chức năng) đến trang thiết bị phục vụ dạy và học hiện đại. Như vậy rất khó để các trường vùng nông thôn, vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa thực hiện.

2truonghoc.jpg
Trường học hạnh phúc khi học sinh vui và an toàn mỗi ngày. Ảnh: TH

Cũng có những ý kiến cho rằng, trường học hạnh phúc là học sinh được vui chơi thoải mái, không căng thẳng, không thi đua, không cần nỗ lực học tập và lao động. Mà như vậy là không đúng với mục tiêu giáo dục.

Nhưng nếu đến một số trường học vùng sâu vùng xa, nơi điều kiện rất khó khăn, ta sẽ hiểu được, một “trường học hạnh phúc” không chỉ cần trường lớp khang trang, thiết bị hiện đại.

Ở những ngôi trường ấy, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên vẫn cố gắng để học sinh vui vẻ khi đến lớp. Giáo viên tự tay trồng cây xanh, tự làm dụng cụ dạy học. Ban giám hiệu chú ý quan tâm cảm xúc, hạn chế phê bình giáo viên để họ cảm thấy vui vẻ và tạo ra những giờ học không áp lực.

Phòng học có thể chưa khang trang mấy, chưa có các phòng chức năng, thiếu trang thiết bị, nhưng cảnh quan được chăm chút, rất thân thiện, an toàn, được sắp xếp, bố trí phù hợp với độ tuổi và sự phát triển của trẻ.

Thầy cô giáo có phương pháp dạy và học phù hợp; mỗi học trò, bất kể hoàn cảnh thế nào, đều vui vẻ đến trường mỗi ngày. Phụ huynh đều yên tâm khi con đến trường vì biết ở đó, con mình được chăm sóc, thương yêu, chở che, dạy bảo và tiến bộ mỗi ngày.

Hiện nay, việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” đang được ngành Giáo dục tỉnh quan tâm đẩy mạnh. Đây là động lực để thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện.

Thiết nghĩ, trường học hạnh phúc phải bắt đầu từ hai yếu tố: Giáo viên hạnh phúc khi đến trường giảng dạy và trẻ em được chăm sóc đầy đủ, khỏe mạnh khi ở trường.

Trước tiên phải bắt đầu từ việc tạo niềm vui đi học mỗi ngày cho trẻ. Tức là học sinh phải là đối tượng cảm thấy hạnh phúc đầu tiên. Khi đến trường được học hành, vui chơi, không chịu áp lực về mặt điểm số và kiến thức; không cảm thấy hoang mang, lo lắng khi bị điểm kém.

Vì thế, nhiệm vụ của thầy cô giáo không chỉ đơn giản là lên lớp với những bài giảng trong sách vở và những vận dụng thực tế, mà còn là làm thế nào để học sinh thấy được ngôi trường của mình trở thành một nơi thú vị.

Nghĩa là giáo viên phải thiết kế nội dung phù hợp với học sinh hơn, sắp xếp cách dạy của mình để học sinh thỏa mãn nhu cầu tiếp cận kiến thức, đồng thời có kiến thức, có kinh nghiệm trong ứng xử với học trò.

Mặt khác, giáo viên cũng cần được quan tâm, hỗ trợ vượt qua áp lực nặng nề từ nhiệm vụ chuyên môn, sổ sách, từ chính dư luận và phụ huynh. Trên thực tế, không ít giáo viên cảm thấy vô cùng mệt mỏi và áp lực mỗi khi đến trường.

Đơn cử như một giáo viên tiểu học, ngoài xây dựng kế hoạch bài dạy hàng trăm trang/tuần, còn phải làm đủ thứ việc của chủ nhiệm lớp; theo dõi học sinh yếu kém và học sinh nổi trội; chưa kể các hoạt động dự giờ; kiểm tra, đánh giá thi đua; họp tổ, họp hội đồng, họp chuyên môn trường, tập huấn, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

Một khi giáo viên “bước vào cổng trường là thấy mệt, thấy lo” thì khó có thể có một tiết học hạnh phúc, càng khó nói về trường học hạnh phúc.

Theo Thành Hưng (baokontum.com.vn)

Có thể bạn quan tâm