Bạn đọc

Chuyện lạ: Không dạy cũng viết sáng kiến kinh nghiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo một tiến sĩ trong ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), việc viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) là viết lại có hệ thống các ý tưởng, sáng kiến mới do tác giả đúc rút kinh nghiệm, sáng tạo từ thực tế của bản thân đối với công việc mình đảm trách đã mang lại hiệu quả thiết thực. Sáng kiến kinh nghiệm giúp mọi người áp dụng dễ dàng để đạt được kết quả, hiệu quả công việc như mong muốn.
Thế nhưng tại một trường tiểu học trên địa bàn TP. Pleiku, việc viết SKKN lại hết sức khôi hài. Tuy 10 năm liền phụ trách giảng dạy lớp 2 nhưng giáo viên nọ lại viết SKKN môn Lịch sử lớp 4 với đề tài: “Một số biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy… thông qua sử dụng trang-thiết bị dạy học” và đạt số điểm gần như tuyệt đối. Theo ý kiến của nhiều giáo viên, trường hợp này không dạy môn Lịch sử lớp 4 thì lấy đâu ra kinh nghiệm mà viết SKKN. Nếu không muốn nói là sao chép trên mạng, sau đó chỉnh sửa thành của mình.
Liên quan đến điều này, trao đổi với P.V, Hiệu trưởng trường này xác nhận: Đây là câu chuyện có thật và những điều giáo viên phản ánh đúng với thực tế. Tuy nhiên, ngành GD-ĐT không có quy định bắt buộc giáo viên phải viết SKKN theo khối lớp mình đang dạy nên mới có tình trạng như trên.          
Ảnh minh họa: INTERNET
Ảnh minh họa: INTERNET
Một giáo viên đang công tác tại một trường THCS trên địa bàn tỉnh (nhân vật yêu cầu giấu tên-N.V) cho biết: Trường hợp này không phải là ít. Thực tế hiện nay, một số giáo viên thường xin SKKN từ đồng nghiệp hoặc tải từ mạng internet xuống để chỉnh sửa. Mỗi năm, ngành GD-ĐT có hàng ngàn SKKN đạt giải nhưng thử hỏi sau khi đạt giải, trao thưởng, xét thi đua rồi thì những SKKN ấy đi về đâu, áp dụng vào việc gì, có thực sự hiệu quả như những lời hoa mĩ mà giáo viên thực hiện đề tài SKKN trình bày không thì ai cũng có thể hiểu. Theo đó, SKKN đa phần chỉ là hình thức, không thúc đẩy được chất lượng dạy và học mà lãng phí thời gian công sức.
Cũng theo giáo viên này, cô gặp khó khăn trong việc làm SKKN hàng năm. Một năm giảng dạy rất khó để thầy-cô giáo đúc kết kinh nghiệm viết ra được một sáng kiến đạt tiêu chuẩn. Nhiều thầy-cô giáo cũng cho rằng: Phải làm sáng kiến khi chưa đủ kinh nghiệm sẽ dẫn đến tình trạng sao chép, biến sản phẩm của người khác thành của mình, làm mất đi sự công bằng và trong sạch của cuộc thi.
Hiện nay, nhiều giáo viên không thiết tha với viết SKKN bởi họ không có gì để viết. Cô Nguyễn Thị Nhung-một giáo viên đã nghỉ hưu-cho hay: “Cả cuộc đời đi dạy tôi chỉ tích cóp được vài kinh nghiệm, trong khi đó, SKKN thì năm nào cũng phải viết. Vậy kinh nghiệm lấy đâu ra? Nên chăng ngành GD-ĐT hãy để những giáo viên thực sự chín muồi về ý tưởng, tích lũy được nhiều kinh nghiệm thì họ tự nguyện viết, tự nguyện chia sẻ kinh nghiệm của mình với đồng nghiệp, với ngành. Đừng coi trọng hư danh và tôn vinh những điều không đúng với thực tế”.  
LÂM ANH

Có thể bạn quan tâm