Bạn đọc

Chuyện làm giàu của thương binh Phạm Hữu Đương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 19 năm gắn bó với vùng đất Ia Phìn (huyện Chư Prông, Gia Lai), cựu chiến binh, thương binh Phạm Hữu Đương đã có 8 ha cà phê trồng xen mắc ca, bình quân mỗi năm thu nhập trên 600 triệu đồng.
Ông Đương kể: “Năm 1979, sau 13 năm ở trong quân ngũ, tôi phục viên trở về quê hương Quỳnh Xá (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) với thương tật 4/4. Thời gian đầu, tôi mở một cơ sở chụp ảnh tại nhà nhưng không hiệu quả nên quay trở lại với cây lúa”. Rồi trong một lần vào tỉnh Đak Lak thăm người cháu, thấy cây cà phê phát triển tốt, cho thu nhập cao, ông quyết định một mình vào đây lập nghiệp. Do còn lạ lẫm với vùng đất mới nên ông nhờ người cháu đứng ra nhận khoán 5 ha cà phê của Nông trường 2 (Xí nghiệp Cà phê Krông Ana) để mình chăm sóc. Khi vườn cây phát triển tốt, cho năng suất ổn định, ông về quê đưa vợ con vào và tiếp tục nhận khoán thêm diện tích để chăm sóc.
 Ông Đương bên vườn cà phê của gia đình. Ảnh: P.D
Ông Đương bên vườn cà phê của gia đình. Ảnh: P.D
Cuộc sống đang ổn định, năm 1999, ông lại quyết định giao hết diện tích cà phê nhận khoán cho các cháu chăm sóc rồi đưa gia đình sang xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) mua đất để phát triển nông nghiệp. Đơn giản là vì ông muốn có mảnh đất riêng để được thỏa sức làm những điều mình muốn. Với 200 triệu đồng mang theo, ông đầu tư mua 2 ha cà phê và 6 ha đất trống. Vừa chăm sóc diện tích cà phê sẵn có, ông vừa thử nghiệm trồng dâu nuôi tằm. Nhưng do thiếu kinh nghiệm lại không nghiên cứu kỹ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên việc trồng dâu nuôi tằm thất bại. Tiếp theo, ông chuyển sang trồng chuối. Hàng trăm gốc chuối nhanh chóng phát triển xanh tốt, trổ buồng trĩu quả. Tuy nhiên, hy vọng của ông nhanh chóng tan biến vì chuối chín đầy vườn nhưng gọi chẳng ai mua. “Thời điểm ấy, chuối chưa được ưa chuộng, nhà nào cũng trồng vài cây để ăn, thương lái cũng không tìm đến tận vườn thu mua như bây giờ”-ông Đương chia sẻ. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã thiệt hại gần 100 triệu đồng. Vậy nên, cuối năm 2008, ông quyết định phủ kín diện tích đất trống bằng cây cà phê.
Trong một lần xem ti vi, thấy người ta nói nhiều về nhu cầu, giá trị dinh dưỡng mà hạt mắc ca mang lại, ông tập trung tìm hiểu, nghiên cứu loại cây này. Năm 2010, ông bắt tay trồng thử nghiệm 200 cây mắc ca. Thấy cây phát triển tốt, ông quyết định sang Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên mua hạt giống về tự ươm để trồng. Sau 5 năm, cây mắc ca đã cho thu hoạch với năng suất đạt 20 kg hạt/cây, cá biệt có cây cho thu tới 30 kg. Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại trước đó, lần này, ông tính toán rất kỹ về đầu ra cho sản phẩm trước khi trồng. Ông Đương cho biết, hạt mắc ca tươi có giá 80 ngàn đồng/kg, còn sau khi rang sấy có giá 300 ngàn đồng/kg. Thị trường tiêu thụ hạt mắc ca của gia đình ông là TP. Hồ Chí Minh. Ông bảo, trong đó, gia đình có cơ sở rang sấy và tiêu thụ hạt mắc ca nên không lo đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, ông Đương cũng chính là người tiên phong trồng cây mắc ca xen cà phê tại xã Ia Phìn. Hiện nay, một số hộ trong xã cũng đã mạnh dạn áp dụng mô hình này.
Theo ông Đương, bình quân mỗi năm, 2.000 cây mắc ca và 5 ha cà phê của gia đình ông cho thu khoảng 1,2-1,4 tỷ đồng. Trừ chi phí, gia đình ông còn thu lãi trên 600 triệu đồng. Nhận xét về mô hình phát triển kinh tế của ông Phạm Hữu Đương, ông Bùi Văn Nhậm-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Phìn-cho hay: “Thương binh, cựu chiến binh Phạm Hữu Đương là người tiên phong trồng mắc ca xen cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong 2 năm (2017-2018), ông Đương đều đạt danh hiệu cựu chiến binh sản xuất-kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Hiện tại, ông là thành viên Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất-kinh doanh giỏi. Ông còn là người rất tích cực, gương mẫu trong các phong trào, công tác Hội tại địa phương”.
Phương Dung

Có thể bạn quan tâm