Kinh tế

Nông nghiệp

Chuyện môi trường với người nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Môi trường là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cũng là tiêu chí Lâm Đồng cần phấn đấu lâu dài để giữ gìn. Địa phương đang có nhiều nỗ lực để xây dựng một nông thôn bền vững, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những người nông dân, người chủ đích thực của nông thôn.

Ủ phân hữu cơ từ phế thải nông nghiệp tại Xuân Thọ, Đà Lạt
Ủ phân hữu cơ từ phế thải nông nghiệp tại Xuân Thọ, Đà Lạt


 Bảo vệ môi trường là chuyện lâu dài
 

Nông dân xã Xuân Thọ, xã vùng ven của Đà Lạt nay giảm hẳn tình trạng vứt phụ phẩm nông nghiệp bừa bãi. Thay vào đó, họ gom rau, cà chua, bắp sú bị hỏng... vào các bể chứa, sản xuất ra một loại phân hữu cơ từ chính phế phẩm nông nghiệp và các loại men vi sinh. Đây là một dự án của Hội Nông dân (HND) nhằm giúp nông dân tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp sản xuất phân xanh. Đồng thời, việc sản xuất phân hữu cơ này cũng giúp giảm thiểu tình trạng vứt rác thải ra phía ngoài vườn, thậm chí vứt đầy trên đường đi.
 
Không chỉ có nông dân Xuân Thọ, nông dân làng hoa Thái Phiên cũng đã quen với việc thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào các bể chứa riêng, không để vương vãi ra vườn, ra ruộng hay vứt xuống suối. Thái Phiên, nơi con suối Cam Ly chảy ngang hòa vào hồ Xuân Hương từ lâu đã không còn cảnh chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trôi lềnh bềnh, vừa mất mỹ quan, vừa gây ô nhiễm môi trường nước.
 
Ông Nguyễn Đức Công, Chủ tịch HND thành phố Đà Lạt chia sẻ, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ được Hội đặt ra thường xuyên, là hoạt động lâu dài và liên tục. Ông cho rằng, nông dân Nhật Bản còn mất 20 năm để hình thành ý thức thu gom rác thải. Vì vậy, việc vận động nông dân bảo vệ môi trường nông thôn sẽ là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, tính bằng hàng chục năm chứ không phải chuyện ngày một ngày hai.
 
Không chỉ ở Đà Lạt, có thể nói khắp toàn tỉnh, ý thức của nông dân về bảo vệ môi trường tăng lên không ngừng. Toàn tỉnh đều có mô hình bảo vệ môi trường nông thôn, từ mô hình được Nhà nước hỗ trợ kinh phí như nuôi heo trên nệm sinh học ở Tân Hội (Đức Trọng), chế biến phế phẩm nông nghiệp thành phân bón ở Xuân Thọ (Đà Lạt), làm nhà vệ sinh hợp chuẩn ở Đạ Chais (Lạc Dương)... cho tới những phong trào do các hội cấp dưới gầy dựng như “thu gom rác thành tiền”, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ở vùng lúa của huyện Đạ Tẻh. Ở tất cả các huyện, thành trên toàn tỉnh, việc thu gom rác thải độc hại, bao bì thuốc BVTV đều đi vào quy củ, bể chứa được xây dựng, việc thu gom tiêu hủy được chấp hành nghiêm túc.
 
Thay đổi thói quen canh tác
 
Ông Đa Cát Vinh, Chủ tịch HND tỉnh Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh đã tổ chức xây dựng xấp xỉ 600 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn, vượt chỉ tiêu do Trung ương Hội giao rất cao. Từ trồng cây ven đường giao thông, đoạn đường không rác thải, phân loại rác tại nguồn..., các mô hình đang phát huy tác dụng, giúp bộ mặt nông thôn ngày càng sạch đẹp. Ngay cả các vùng có đông hội viên người dân tộc thiểu số, việc vận động nông dân không chăn nuôi trong sân nhà, dưới sàn cũng đạt kết quả rất tốt, gần như không còn hộ chăn nuôi ở sân nhà, giúp môi trường sạch và an toàn cho con người. Đồng thời, các chính sách tín dụng giúp nông dân tiếp cận với nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn đã nâng cao chất lượng sống của người nông dân, giúp tiêu chí môi trường trong nông thôn mới được giữ gìn.
 
Tuy nhiên, HND tỉnh xác định, không chỉ xây dựng mô hình bảo vệ môi trường, nội dung quan trọng là tác động để nông dân ý thức được việc canh tác đúng sẽ giúp bảo vệ môi trường. Như trồng rau hoa theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi theo hướng sinh học bền vững, trồng cà phê theo các bộ tiêu chuẩn đều có các yêu cầu rất nghiêm ngặt về môi trường. Khi sản xuất ra nông sản theo các bộ tiêu chuẩn, chất lượng nông sản tăng cao, bán có giá hơn, đồng thời nông dân phải tuân thủ nghiêm các đòi hỏi về giữ gìn môi trường. Để giúp nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tài chính thay đổi máy móc, thay đổi quy mô canh tác được hỗ trợ tới hầu hết nông dân.
 
Với Lâm Đồng, vùng canh tác cà phê, vùng lúa, vùng rau hoa hiện đang mở rộng áp dụng các quy trình kỹ thuật nông nghiệp an toàn. Việc áp dụng “4 đúng” trong bón phân và dùng thuốc BVTV giúp đất đai được giữ gìn, phục hồi hệ vi sinh vật có ích, tạo lập lại sự cân bằng của hệ đất. Và sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn hiện đại cũng là xu thế tất yếu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vừa nâng cao chất lượng nông sản, vừa đảm bảo một môi trường bền vững cho cuộc sống của con người.


 
http://www.baolamdong.vn/toasoan-bandoc/202104/chuyen-moi-truong-voi-nguoi-nong-dan-3051968/

Theo DIỆP QUỲNH (LĐ online)

Có thể bạn quan tâm