TN - Đất & Người

Chuyện một nghề... ít ai biết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dẫu công việc nhọc nhằn, dẫu nghề họ làm đôi lúc chẳng ai buồn nhắc đến, nhiều lúc nghĩ cũng tủi phận… nhưng đây là nghề lương thiện và giúp họ sống được với nghề.       

 Bác sĩ Dương Thành Hổ. Ảnh: Ngọc Linh
Bác sĩ Dương Thành Hổ. Ảnh: Ngọc Linh

Mơ ước trở thành bác sĩ đã được bác sĩ Dương Thành Hổ-Giám định viên tư pháp, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh ấp ủ từ thời học sinh nhưng trong thâm tâm thì chưa bao giờ bác sĩ Hổ nghĩ mình sẽ trở thành một bác sĩ… giải phẫu tử thi. Nhưng, có lẽ cũng là cái duyên, cái nghiệp và cũng tại cái nghề… đã chọn mình. Ngẫm lại, đã hơn 20 năm gắn bó với nghề, từng mổ hơn 10.000 xác chết; ở cái tuổi 57, sắp về “vườn”, bác sĩ Hổ đã có nhiều thăng trầm, kỷ niệm với nghề. Vui có, buồn có nhưng với ông thì có một điều chắc chắn rằng nghề này không dành cho người… yếu tim.

Cùng là bác sĩ, nhưng khi nhắc tới bác sĩ giải phẫu tử thi không hiểu sao người ta vẫn cảm thấy có gì đó… hơi trái khoáy. Ngay cả những người trong cuộc cũng tự dưng thấy mặc cảm sao sao ấy. Cũng có lẽ vì thế, mà số bác sĩ làm công việc này tại Gia Lai đếm không quá đầu ngón tay.  Công việc phải liên tục tiếp xúc với các tử thi, phải mổ xẻ, phân tích tử thi để làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết… đôi lúc ám ảnh tâm trí. “Thời gian đầu, tâm lý chưa vững, thường xuyên đối diện với tử thi, ngửi mùi tử khí khiến tôi bị ám ảnh. Giờ thì đỡ hơn nhưng đôi lúc cảm giác ấy cũng quay lại khi gặp những tử thi bị sát hại một cách man rợ… Nhưng ghê sợ hơn chính là động cơ gây án của hung thủ, cách thức giết người quá kinh khủng, tàn độc”-bác sĩ Hổ chia sẻ.

Nghề vốn đã nhọc nhằn, nguy hiểm thì luôn bủa vây, nguy cơ lây nhiễm bệnh luôn rình rập bởi các tử thi bị bệnh HIV, giang mai, những bệnh dễ lây nhiễm khác… Nghe tin báo có vụ chết người, bất kể mưa hay nắng, ngày hay đêm là các bác sĩ giải phẫu tử thi lật đật khăn gói lên đường, đến hiện trường là bắt tay ngay vào công việc, thời gian đâu mà làm xét nghiệm này nọ. Chính vì vậy, chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể bị lây nhiễm.

Hơn 20 năm làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mãi đến năm 2005, nhiều người mới biết đến bác sĩ Hổ là… bác sĩ bởi trước đây khi chưa có phòng làm việc bác sĩ Hổ phải thường xuyên làm việc trong… nhà xác. Nhiều người không biết cứ tưởng ông là quản lý nhà xác. Theo bác sĩ Hổ, dẫu có hơi tủi phận nhưng rồi cũng tự an ủi mình và hoàn thành các công việc được giao.

Như Ý-Ngọc Linh

Có thể bạn quan tâm