Phóng sự - Ký sự

Chuyện người đánh sân bay Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày nay, những người dân Pleiku tầm trên dưới 80 tuổi có lẽ vẫn còn nhớ đêm 6-2-1965 với trận tập kích sân bay Pleiku gây chấn động.

Sân bay Pleiku bấy giờ còn gọi là “Trại Hô-lô-uây” (Holloway). Trại được rào quanh 10 lớp kẽm gai, 7 cứ điểm, 8 lô cốt và 10 pháo đài cao từ 8 đến 10 m. Giữa các lớp rào kẽm gai là mìn chiếu sáng và mìn sát thương. Để làm vành đai trắng tránh vướng đường quét của 12 chiếc đèn pha hàng đêm canh phòng, dân cư quanh vùng bị dời xa đến 5 km. Một tiểu đoàn biệt động Sài Gòn, một đại đội biệt kích Mỹ và 14 xe tăng luân phiên tuần gác ngày đêm.

 

Anh hùng Thanh Minh Tám ( ben phai) trong một lần trò chuyện với pv báo Gia Lai năm 1996.
Anh hùng Thanh Minh Tám ( bên phai) trong một lần trò chuyện với pv báo Gia Lai năm 1996.

Phòng thủ kiên cố là thế, nhưng đêm 6-2-1965, một đơn vị đặc công Quân khu 5 phối hợp với Tỉnh đội Gia Lai đã lọt qua hết 6 vòng rào, tiến sát khu nhà 54 cố vấn Mỹ và nhà viên Đại tá Sư trưởng Sư đoàn 6 Không quân Sài Gòn! Lúc ấy, tất cả đều im ỉm ngủ say.

Đúng 2 giờ ngày 7-2, tiếng bộc phá, tiếng súng nổ ran giữa sân bay và Quân đoàn 2. Quá bất ngờ, quân tướng hốt hoảng, tán loạn. Chỉ sau 30 phút, 40 máy bay các loại bị phá hủy với khoảng 300 lính thương vong, cả lính Mỹ lẫn lính Việt Nam Cộng hòa.

Ngay sáng hôm ấy, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ là Bundy, Đại tướng Westmoreland-Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng Quốc trưởng tự xưng Nguyễn Khánh từ Sài Gòn ra thị sát. Trước cảnh tan nát của sân bay, Bundy không nói được lời nào, chỉ Westmoreland luôn mồm lẩm bẩm: “Thật tệ hại!”. Cũng trong ngày hôm ấy, Hãng thông tấn AFP bình luận: “Vùng quanh thị xã Pleiku là một vùng bằng phẳng trống trải, du kích không có một nơi ẩn nấp thiên nhiên nào. Vậy mà họ vẫn đến sát vị trí không bị lộ”!

Một trong những chiến sĩ đặc công tham gia cuộc tập kích ấy sau đó đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đó là Thanh Minh Tám. Ông vừa mất ngày 22-11-2016 trong niềm thương nỗi nhớ của bao người.

Anh hùng Thanh Minh Tám tên thật là A Núk, người con ưu tú dân tộc Mơ-nâm, sinh năm 1936 tại làng Kon Plông (xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), giáp ranh với huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Năm 14 tuổi, A Núk được tuyển vào đội thiếu niên bảo vệ cán bộ cơ sở người Kinh ở dưới xuôi lên hoạt động. Hai năm sau, A Núk vào bộ đội địa phương, chiến đấu tại chỗ, trong đó có trận diệt đồn Kon Plông năm 1951, sau đó là trận tiêu diệt đồn Măng Đen đêm 27, rạng ngày 28-1-1954 để “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ.

Cũng năm 1954, sau Hiệp định Genève, A Núk tập kết ra Bắc theo đội hình Trung đoàn 120 Tây Nguyên, đóng quân ở Nghệ An. Ngày 25-8-1958, A Núk tham dự khóa đặc công trường Đội Dung ở Thanh Chương-Nghệ An. Một năm sau đó, kết thúc khóa học, A Núk được đưa về Nam tham gia thành lập đơn vị đặc công Tỉnh đội Gia Lai. Trước khi lên đường, A Núk được ông Nguyễn Đôn (sau này là Trung tướng) đặt cho bí danh là Thanh Minh Tám. A Núk bảo: Tám là gọi theo số thứ tự trong 8 người của nhóm về Nam lúc ấy, Thanh và Minh là tên 2 cô gái cấp dưỡng ở trường đặc công mà A Núk rất có cảm tình và… hình như cả 2 cô cũng rất quyến luyến A Núk nữa! Ông Nguyễn Đôn đã nhạy cảm nhận ra điều này nên ghép lại và đặt cho cái bí danh ấy để ghi dấu kỷ niệm tình cảm Bắc Nam, tình cảm quân dân, mong sau này A Núk nhớ mãi!

Về đến chiến trường Tây Nguyên, Thanh Minh Tám được phiên về Tỉnh đội Gia Lai, có ngay chiến tích mở đầu. Ấy là trận tăng cường cho Tỉnh đội Phú Yên tập kích Chi khu Củng Sơn giải cứu luật sư Nguyễn Hữu Thọ đêm 18, rạng ngày 19-6-1961. Trận tập kích táo bạo này là cả một kỷ niệm đối với Thanh Minh Tám mà sau này được kể lại như là… huyền thoại! Tuy nhiên, trận đánh mà A Núk nhớ nhất là trận tham gia tập kích sân bay Pleiku mùa xuân năm 1965-trận đánh góp phần tạo nên chiến tích một anh hùng.

Đêm ngày 6, rạng ngày 7-2, Đại đội 30 của Tiểu đoàn Đặc công 409 Quân khu 5 phối hợp cùng một tiểu đội đặc công thị xã Pleiku âm thầm vượt vành đai phòng thủ, cắt rào vào sân bay. Mũi của Thanh Minh Tám (và một chiến sĩ tên Mậu) thọc thẳng vào nơi ở của viên Đại tá Sư trưởng Sư đoàn 6 Không quân, cho nổ tung nhà ở và chiếc trực thăng công vụ ứng trực. Sau đó,  2 người chạy dạt ra bãi đậu máy bay. Với cách đánh dùng bộc phá cho nổ 1 chiếc, bỏ 1 chiếc, lại cho nổ 1 chiếc… Như vậy những chiếc kế cận ảnh hưởng mà hư hỏng theo. Thanh Minh Tám ném được 8 khối bộc phá, phá hủy 16 chiếc thì bị thương ở chân, lết ra đồng cỏ tranh nằm im trốn xe tăng quần xéo như bầy trâu điên. Chừng 5 giờ sáng, Thanh Minh Tám lần về được vùng Chư Á, gặp đồng chí Tham mưu Đặc công Quân khu 5, cả 2 cùng cắt đường về căn cứ. Lúc này, biệt kích từ An Khê phản kích lên với chừng 30 trực thăng quần đảo tìm diệt. Thanh Minh Tám chạy về đến căn cứ thì cạn sức, phải nhập viện với mỗi chiếc quần xà lỏn trên người!

Anh hùng Thanh Minh Tám nghỉ hưu năm 1981, sau đó về lại quê nhà làm một già làng uy tín, là niềm tự hào, là biểu tượng của vùng đất Kon Plông hùng vĩ. Tên ông luôn được nhắc đến trong niềm kính trọng của mọi người.

Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm