(GLO)- Hiện nay, sâu keo mùa thu hại bắp đã xuất hiện tại 11 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh với diện tích bắp nhiễm bệnh hơn 4.280 ha. Trao đổi với Báo Gia Lai Điện tử về tình hình sâu bệnh, những tác hại cũng như biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu, ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết:
Sâu keo mùa thu có tên khoa học là Spodoptera frugiperda có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới châu Mỹ. Đây là loại sâu đa thực, có thể gây hại trên 300 loại thực vật. Tại Việt Nam, theo Cục Bảo vệ thực vật, loại sâu này có thể gây hại trên 80 loại cây trồng. Thức ăn ưa thích nhất của chúng là cây bắp, bông, đậu tương, lúa, mía, rau. Ở tỉnh ta, sâu keo xuất hiện đầu tiên tại huyện Kbang trên cây bắp vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5. Tính đến ngày 12-7, sâu keo mùa thu đã xuất hiện ở 11 huyện, thị xã với diện tích bị nhiễm hơn 4.280 ha (trong đó: nhẹ 1.549 ha, trung bình hơn 1.293 ha, nặng hơn 1.437 ha). Địa phương bị nhiễm nặng nhất là huyện Kông Chro với hơn 1.837 ha, Chư Pưh hơn 1.638 ha, Ia Pa 282,6 ha, Kbang 249 ha, Chư Prông 115 ha, Đak Pơ hơn 95 ha. Các giống bị nhiễm chủ yếu là NK67, NK66, NK7328, Bioseed 9698 và các loại bắp nếp.
* P.V:Ông có thể cho biết con đường xâm nhập, lây lan của sâu và cách nhận biết loại sâu này?
- Ông HÀ NGỌC UYỂN: Sâu có thể xâm nhập qua các con đường chính như: sâu non di chuyển ở khoảng cách gần (cây này qua cây khác, ruộng này qua ruộng khác); sâu non, nhộng, trứng có thể di chuyển theo sản phẩm, phế phụ phẩm của cây ký chủ (bắp, cỏ thức ăn chăn nuôi) trong quá trình vận chuyển cây ký chủ từ nơi này qua nơi khác; con trưởng thành tự bay tìm nơi đẻ trứng ở khoảng cách vài trăm mét đến vài chục ki lô mét hoặc con trưởng thành di trú có thể bay theo gió xa hàng trăm ki lô mét. Chúng lây lan nhanh và gây hại nghiêm trọng tại các vùng bị xâm nhiễm. Tuy nhiên, chỉ có sâu non mới gây hại trên cây trồng. Trong đó, sâu non 1-2 ngày tuổi ăn biểu bì ở mặt dưới của lá non và sâu non tuổi lớn thì ăn lá, bẹ thành các lỗ lớn. Đặc điểm nhận dạng sâu non có màu xanh nhạt-vàng nhạt là phổ biến, khi lớn có màu nâu xám-nâu sẫm với các sọc dọc thân. Trên mặt lưng đốt bụng cuối có 4 đốm đen được sắp xếp theo hình vuông.
* P.V: Để phòng trừ sâu keo mùa thu, người dân cần áp dụng các biện pháp nào, thưa ông?
- Ông HÀ NGỌC UYỂN:Ngay sau khi xuất hiện sâu keo mùa thu hại bắp, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tìm hiểu thực tế tại các địa phương có diện tích bị nhiễm bệnh, đồng thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cách phòng-chống. Đến nay, các địa phương đã tiến hành phun thuốc phòng trừ được hơn 4.180 ha và đã diệt trừ hiệu quả được 70-80%. Trước mắt, các địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại và cách nhận biết loại sâu này cũng như biện pháp phòng trừ. Các cơ quan chuyên môn của huyện và người dân cần tiến hành kiểm kê, phân loại tuổi của sâu để có biện pháp xử lý phù hợp. Phải kiểm tra thường xuyên đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn bắp 3-6 cặp lá để khi có xuất hiện sâu hại thì tiến hành phun thuốc xử lý kịp thời.
Về lâu dài, Chi cục khuyến cáo bà con nông dân cần thực hiện các biện pháp tổng hợp như: làm sạch cỏ dại quanh ruộng bắp để hạn chế nơi trú ẩn; làm đất rồi phơi khô để ấu trùng, nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt; luân canh cây bắp với cây trồng khác; chọn giống sạch bệnh và có thể kháng sâu keo mùa thu; xuống giống tập trung. Khi phát hiện sâu keo, người nông dân có thể áp dụng các biện pháp bẫy bả, bẫy đèn hoặc bẫy cây trồng bằng cách trên cánh đồng bắp cần trồng xen một số diện tích cỏ voi, ngô nếp sớm hơn thời vụ chung để hút sâu keo đến gây hại, sau đó tập trung tiêu diệt…
Trong trường hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cơ quan chuyên môn khuyến cáo nên sử dụng các loại thuốc sinh học như chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, vi rút NPV để phun trừ sâu tuổi nhỏ; phải phun kép 2-3 lần khi cây bắp 3-6 cặp lá và tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng kỹ thuật) thì mới đạt hiệu quả. Hiện Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn các địa phương tạm thời sử dụng các loại thuốc Bacillus thuringiensis, Spinetoram, Indoxacard, Lufenuron để phòng trừ sâu keo.
* P.V: Xin cảm ơn ông.
LÊ NAM (thực hiện)