Phóng sự - Ký sự

Chuyện "Ông Trọn Vẹn" cứu người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Về làng An Mô, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nhắc đến thương binh Phạm Văn Tiếp, dân làng đều dành cho ông sự quí trọng.
Ông Ngô Ty (áo đỏ) xem ông Tiếp là ân nhân cứu mạng.
Ông Ngô Ty (áo đỏ) xem ông Tiếp là ân nhân cứu mạng.
 
Họ gọi ông Tiếp là “Ông Trọn Vẹn” bởi việc khó đến mấy, ông đều giải quyết trọn vẹn đôi đường. Ông là ân nhân cứu mạng của nhiều người trong cơn hoạn nạn, ốm đau, bão lụt... Hơn 50 năm tham gia nhiều công việc ở xã, thôn, nay đã qua tuổi 80 nhưng ông Tiếp vẫn nhiệt tình trong công việc xã hội.
Ngôi nhà của ông Phạm Văn Tiếp nhìn ra dòng sông Thạch Hãn lúc nào cũng đông người lui tới. Sáng sớm, ông Tiếp đã mang hộp đựng dụng cụ y tế đi thăm khám cho bệnh nhân. Nhiều năm nay, ông Tiếp chữa bệnh miễn phí cho nhiều người, dân làng mang ơn.
Ở làng An Mô ai cũng nhớ về ông Ngô Ty mắc bệnh viêm cơ lan toả. Ông Ngô Ty kể, trong một lần đi làm trên rừng, ông bị thương ở chân rồi nhiễm trùng. Ông Ty nằm liệt giường suốt 3 tháng, sức khỏe, tinh thần suy sụp vì bệnh ngày một nặng. Hàng xóm báo tin, ông Tiếp đến khám, sơ cứu rồi kêu người chở anh đi bệnh viện. Bác sỹ ở bệnh viện cho biết, nếu để chậm, ông Ty có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ông Ngô Ty xem ông Tiếp như là ân nhân cứu mạng: “Tôi nằm ở nhà liệt 3 tháng, viêm cả bắp cơ. Khi đó ông Tiếp lấy kim hút cả máu và mủ. Ông ấy như sinh ra tôi lấn thứ 2”.

Ông Phạm Văn Tiếp và bà Nguyễn Thị Hoa kể lại chuyện thoát chết trong lũ dữ.
Ông Phạm Văn Tiếp và bà Nguyễn Thị Hoa kể lại chuyện thoát chết trong lũ dữ.
Nhiều năm làm nhân viên y tế thôn, ông Tiếp đã khám, chữa bệnh cho nhiều người. Những lúc 2, 3 giờ sáng, có người ở làng chài bên kia sông Thạch Hãn bị bệnh đột ngột đến gõ cửa kêu cứu, ông cũng không ngại khó tìm đến giúp đỡ.
Hình ảnh người thương binh một mình chèo đò đi cứu người trong các đợt lũ luôn in đậm trong ký ức dân làng An Mô. Còn nhớ, cơn lũ lịch sử xảy ra năm 1999, cả làng An Mô chìm trong biển nước. Nhiều ngôi nhà ngập đến tận nóc, người dân kêu gào thảm thiết. Ông Tiếp chèo thuyền đến từng nhà cứu người. Trong đợt lũ đó, nhiều gia đình đứt bữa được ông Tiếp nấu cơm, chèo thuyền mang đến từng nhà.
Bà Nguyễn Thị Hoa ở thôn An Mô nhớ lại: “Lúc lặng gió thì kêu họ mới nghe được, rồi ông tới cứu. Nhà nào thấp lụt là ông tới cứu, cơm nước ông có là ông cho ăn”.
Từ lâu, dân làng An Mô, xã Triệu Long rất cảm kích trước nghĩa cử “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của ông Phạm Văn Tiếp.
Thấy đường ổ gà, ổ trâu, nước đọng là ông lấy đá lấp lại để người đi đường khỏi bị té ngã.
Bà con dùng thuốc trừ sâu vứt bừa bãi chai lọ, bao ni lông giữa đồng, ông nhặt gom về chôn lấp. Đường ra đồng ruộng chật hẹp, không có mương thuỷ lợi, cống thoát nước, ông vận động bà con hiến đất đào mương, đắp đường, làm cống. Nhớ công ông, bà con đặt tên “đường ông Tiếp”, “mương ông Tiếp’, “cống ông Tiếp”... Dân làng An Mô rất thích kiểu nói chuyện dí dỏm của ông Tiếp. Những lần tổ chức hội họp, phổ biến chủ trương chính sách, ông Tiếp không nhắc đến những khẩu hiệu sáo rỗng mà lồng ghép nội dung vận động bằng những câu chuyện tiếu lâm, nhấn nhá hò vè.

Tuổi cao sức yếu, mù một mắt nhưng thương binh Phạm Văn Tiếp vẫn chịu khó nghiên cứu tài liệu, sách báo.
Tuổi cao sức yếu, mù một mắt nhưng thương binh Phạm Văn Tiếp vẫn chịu khó nghiên cứu tài liệu, sách báo.
Bà Nguyễn Thị Hợi, ở thôn An Mô, xã Triệu Long cho biết, mỗi lần nghe ông tuyên truyền việc gì đó, bà con ai cũng vỗ tay rần rần: “Ông làm việc thiện nhiều, ông có tâm lắm. Ai đau ốm, khó khăn kêu ông là ông đi liền, nửa đêm ông cũng đi, bất cứ khi nào. Ông đi giữa đường thấy cục đá, ông cũng lượm dọn lại. Ông làm bất cứ việc gì, ông làm được là làm”.
Ông Phạm Văn Tiếp sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng. Bố ông tham gia tiền khởi nghĩa bị giặc Pháp bắt tù đày rồi bắn chết. Ông Tiếp cũng là du kích đầu tiên của xã trong chiến dịch Mận Thân năm 1968 dẫn đường cho bộ đội chủ lực lập nhiều chiến công. Trong một lần dẫn đường cho bộ đội đánh địch, ông bị trọng thương, mất hẳn một con mắt.
Hoà bình lập lại, thương binh Phạm Văn Tiếp tham gia nhiều công việc ở thôn, xã, hợp tác xã. Năm nay, đã ngoài tuổi 80, mang thương tật trong người nhưng ông Phạm Văn Tiếp vẫn nhiệt tình với công việc xã hội.
Thương binh Phạm Văn Tiếp bộc bạch: “Tôi có nhiều bài truyền thông lắm, truyền thông về môi trường, ngôi nhà an toàn, thu gom rác thải, đi quanh làng truyền thông về sức khoẻ cộng đồng. Tôi đi giữa đường thấy ổ gà tôi ban lấp lại cho dân đi; thấy bao ni lông, chai thuốc bơm vứt dọc đường là thu lượm chôn lấp hết, vì thấy ô nhiễm, ảnh hưởng sức khoẻ và mất văn hóa”.
Đinh Thiệu (VOV)

Có thể bạn quan tâm