Điểm đến Gia Lai

Chuyện thần núi ở vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thập niên 80 của thế kỷ trước, do đặc thù công việc, tôi thường xuyên có những chuyến về các buôn làng ở bên kia Bến Mộng, lúc đó thuộc xã Ia Tul, huyện Ayun Pa. Một lần, tôi nghe lời “dụ” ngọt tai của cô amí Thúy: “Ngày mốt, bên làng chồng cô có cái lễ cúng, Vân đi không?”.

Sau khi hỏi về thời gian, địa điểm, dù hơi xa, nhưng tôi cũng quyết định lên đường. Không thể ngờ chuyến đi này lại làm tôi mê mẩn một vùng đất mới, nơi có vị thủ lĩnh người Jrai làm chủ con đường muối cùng những câu chuyện về người Jrai “nuôi” thần núi... khiến tôi như quên cả đường về.

Vượt đèo Tô Na đi về phía Đông Nam là địa bàn của huyện Krông Pa. Qua cầu Lệ Bắc (trên quốc lộ 25), cô amí Thúy nói: Phải đi thêm 7 km nữa (về hướng Bắc) mới tới buôn của chồng cô-buôn Puh (xã Ia Rsai). Hơn 20 năm trước, con đường từ quốc lộ 25 vào buôn Puh chẳng những khó đi mà còn phải lội qua suối Ia Rsai khá lớn. Vì vậy, 2 cô cháu cố đi nhanh vì sợ trời sụp tối dọc đường.

Cầu Lệ Bắc (huyện Krông Pa). Ảnh: Lê Hòa
Cầu Lệ Bắc (huyện Krông Pa). Ảnh: Lê Hòa

Chuyến đi không có mục đích rõ ràng này không ngờ lại đem đến cho tôi nhiều điều bất ngờ thú vị. Tôi đã đến được ngôi làng của một vị thủ lĩnh mà bản thân đã cất công đi tìm hàng chục năm mà chưa có kết quả. Đó là làng của thủ lĩnh Rơlan Sa Gâm (Ơi Sa), người đứng đầu tơring/tring Lon Sa Gâm-một người rất giàu và có ảnh hưởng lớn ở phía Đông đèo Tô Na, do khống chế được con đường muối từ Phú Yên qua Krông Pa-Cheo Reo, lên cao nguyên Pleiku vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Những tư liệu tìm được từ chuyến đi này đã giúp tôi hoàn thiện bài viết về cấu trúc tơring của người Jrai phục vụ Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 3 (năm 2008).

Biết tôi quan tâm đến Ơi Sa, già làng Rơlan Hai (lúc đó khoảng 60 tuổi) say sưa kể những câu chuyện về ông, chỉ cho tôi dấu vết 3 cây gòng rất lớn trước nhà Ơi Sa-nơi 7 bà vợ của ông thường ngồi dệt vải, đồng thời cũng là vật chứng đánh dấu những cuộc hiến sinh trâu, do ông thực hiện sau mỗi khi được “thần linh phù hộ”. Khi tôi đến, những gốc gòng (blang) rất to trước trường học ở buôn Puh kia đã bị đánh bật gốc, cháy nham nhở, may là tôi còn kịp chụp lại mấy tấm hình.

Từ buôn Puh, chúng tôi ngược ra buôn Du (xã Chư Rcăm). Đây là ngôi làng nằm ngay phía Đông Bắc cầu Lệ Bắc. Câu chuyện về các Yàng chư (thần núi) và những người “nuôi” thần núi ở vùng này đến với tôi ngay bên bếp lửa bập bùng, trong ngôi nhà sàn dài, cao cẳng điển hình ở vùng Krông Pa của ama Cao (tức Thiếu tá Rơlan Trương-nguyên Huyện đội trưởng huyện Ayun Pa, về hưu năm 1983).

Đầu tiên là chuyện về thần núi Rơung (vùng Ia Rsai) trong lốt một con cọp dữ, là vị thần linh thiêng nhất trong số các thần núi ở phía Đông đèo Tô Na. Còn thần núi Chmen thì thường xuất hiện trong lốt một ông già có râu tóc bạc trắng…

Người Jrai ở phía Đông sông Ba tin rằng các thần núi thường ở trong lốt cọp và đều có vợ, có cuộc sống gần giống như con người. Ở trên núi cũng có nhà cửa của thần và thần dân. Họ cũng chăn nuôi heo, bò, trâu… nhưng không phải người bình thường nào cũng được thần cho thấy những gì thần có.

Nhiều người Jrai ở các làng trong xã Ia Rsai khẳng định, họ đã từng nghe ở trên núi có tiếng gọi heo để cho ăn, đã nhìn thấy những ngôi nhà, những hồ nước với rất nhiều cá… ở núi Mriah, núi Rơung, núi Chmen…

Có khi những người đi săn bị lạc trong rừng, không có gì ăn, họ cầu xin và được thần núi cho thức ăn, có khi thần còn cho cả củ khoai nướng còn nóng. Nhưng đồng bào cũng tin rằng, nếu người ta cố công đi tìm những tài sản của thần núi thì không bao giờ được thần cho thấy.

Nét đặc biệt là ở vùng này là có nhiều gia đình kết thân và “nuôi” một vị thần núi để được các thần phù hộ về sức khỏe, kinh tế… Ví dụ, ở thời điểm tôi có mặt tại đây, theo lời kể của ama Cao và một số người già trong vùng thì gia đình Ơi Rung (Kpă Mơng) có vợ là Rơlan Đơng ở buôn Du đã “nuôi” Yàng chư Chmen và cúng cho thần này đến trâu, theo thứ tự: sau 3 năm liên tục cúng gà, đến 3 năm cúng heo thiến, rồi năm thứ 7 mới được cúng trâu.

Gia đình ama Cao cũng “nuôi” Yàng chư Mriah cúng đến trâu. Gia đình Rơ Ô HTat ở buôn Puh nuôi Yàng chư Rơung và đã cúng thần từ gà đến trâu 3 lần (khoảng 21 năm)…

Nối đôi bờ Đông Tây sông Ba trên quốc lộ 25 là cầu Lệ Bắc. Nhưng dường như ngoài chức năng giao thông, cầu Lệ Bắc không xóa nhòa được những nét rất riêng trong văn hóa của người Jrai ở hai bờ. Một trong những minh chứng cho điều thú vị này là những câu chuyện về thần núi có rất nhiều ở vùng người Jrai phía Đông sông Ba, nhưng khó “thấy” trong các làng ở bờ Tây hoặc có thì “hình hài” cũng không rõ nét.

Cùng với đó, nếu như ở phía Tây đèo Tô Na, người Jrai chỉ cúng các thần núi khi họ bị hơpố (vướng thần), tức là bị một thần núi nào đó làm cho đau ốm thì ở phía Đông đèo, ngoài những người cúng thần núi do bị “vướng thần” như ở phía Tây, người ta còn “nuôi” các thần núi.

Phải chăng ngoài yếu tố địa hình, địa vật, những sự khác về văn hóa cũng là nét riêng nên trước năm 1975, tỉnh Đak Lak lấy sông Ba làm ranh giới, chia đôi bên thành 2 huyện Đông Sông Ba (H2) và Tây Sông Ba (H3).

Đã vài chục năm tôi chưa quay lại để hỏi về những điều này nên không biết việc “nuôi” các vị thần núi có còn hay đã trở thành “miền nhớ”.

Có thể bạn quan tâm