Điểm đến Gia Lai

Khúc hát sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Người ta đã viết nhiều về sông Ba và họ đã hát những khúc hát về dòng sông này. Bây giờ, tôi xem lại, nghe lại sao vẫn thấy buồn buồn. Ngày trước, tôi thường đi lại trên cầu sông Ba; cùng bạn bè tôi đi bắt cá đá, loài đặc sản của con nước sông Ba và có khi bắt được cả cua đinh, loài vật giống ba ba ở dòng sông này. Dòng sông xinh đẹp và giàu có một thời.

Người An Khê, người Bahnar Kông Chro rất tự hào về dòng sông quê hương của mình. Họ hát rằng: “Quê hương tôi, chiều chiều sông Ba êm trôi/Mang bao yêu thương, sức sống dâng lên cho đời/Sông Ba ơi, nuôi tôi từng ngày khôn lớn/Bao năm qua tuổi ấu thơ/Vẫn gần bên sông Ba” (Sông Ba yêu thương).

Từ ngày phong trào xây dựng thủy điện phát triển trên khắp cả nước thì những dòng sông ở Tây Nguyên đã trở thành nguồn thủy năng giàu có mà ai cũng để mắt tới. Sông Ba cũng không ngoại lệ. Người ta ngăn sông Ba từ thượng nguồn (Ka Nak) cho đến hạ nguồn (sông Ba Hạ) và uốn dòng chảy tự nhiên thành nhiều đoạn. Cuộc chinh phục dòng sông Ba đã cơ bản hoàn thành vào những năm đầu của thế kỷ XXI.

Đặc biệt, khi xây dựng Thủy điện An Khê (nhà máy nằm dưới chân đèo An Khê, thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), người ta đã chẻ dòng sông Ba bằng con kênh đào dẫn nước từ thị xã An Khê qua nhà máy dưới chân đèo rồi trả nước về sông Côn. Sông Ba đến mùa khô cạn trơ đáy. Những buôn làng sống ven sông Ba như cá thiếu nước. Bao bến thuyền, làng chài sống dựa vào nguồn thủy sản của dòng sông quê đành “gác mái”…

Xưa nay, một quy luật bất thành văn là khi xây dựng đập thủy điện trên dòng sông nào thì phải trả nước trở về dòng sông đó. Ở đây, trên sông Ba, người ta lấy nước đầu nguồn của dòng sông này rồi xả nước về sông Côn, chẳng khác nào chúng ta đánh đổi sự sống và môi trường ở nơi này cho một nơi khác, làm thay đổi hệ sinh thái tự nhiên.

Nhiều năm qua, mỗi lần tôi có dịp trở lại những vùng đất có dòng sông Ba chảy qua, từ thị xã An Khê đến Kông Chro, về Ayun Pa, Krông Pa…, nhất là vào mùa khô, nhiều khúc sông gần như tê liệt, môi trường sống bị hủy hoại. Nếu như trước đây, thị xã An Khê xinh đẹp, bình an nhờ dòng sông Ba bao quanh, ôm ấp vỗ về thì nay nó chỉ còn là con suối nhỏ, người dân chỉ còn hoài niệm về một dòng sông trong ký ức.

Ai có dịp về Kông Chro, nơi sông Ba đi qua hàng chục km cũng đang khô khát. Cách trung tâm thị trấn huyện khoảng 3 km, trước đây có thác Ia Rung xinh xắn, là thắng cảnh tự nhiên của dòng sông Ba, nơi mà truyền thuyết về thời Tây Sơn dấy binh có “sa khổng lồ, hồ ông Nhạc”. Ở đó, dân gian cho rằng, anh em Tây Sơn dùng làm bãi tắm cho voi, ngựa và cũng là khúc sông để đánh cá nuôi quân. Khi xây đập thủy điện thì thác nước xưa không còn nữa và di tích lịch sử này cũng dần bị lãng quên.

Sông Ba-đoạn qua địa phận thị xã Ayun Pa. Ảnh: Đức Thụy

Sông Ba-đoạn qua địa phận thị xã Ayun Pa. Ảnh: Đức Thụy

Và điều đặc biệt hơn nữa là vừa qua các nhà khảo cổ phát hiện di tích đá cũ ở Gò Đá-Rộc Tưng thuộc vùng thượng lưu sông Ba, nơi được ghi dấu vào bản đồ thế giới về dấu tích văn hóa của tổ tiên loài người cách nay khoảng trên 800 ngàn năm. Mới đây, di tích khảo cổ Gò Đá-Rộc Tưng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Cùng với đó, bộ rìu tay của cổ nhân cũng được công nhận là bảo vật quốc gia.

Như vậy, vùng thượng nguồn sông Ba đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh dấu là nơi tổ tiên loài người-người đứng thẳng (Homo erectus) từng tồn tại. Giá trị văn hóa-lịch sử của dòng sông Ba từ cổ đến kim đã được minh chứng. Do đó, sông Ba và những vùng đất, cư dân bên con sông ấy cần được bảo tồn và phát huy nó một cách hữu hiệu nhất trong đời sống hiện tại và tương lai. Không vì một lợi ích nào được nhân danh để xâm hại đến dòng sông chứa đầy trầm tích ấy.

Có thể bạn quan tâm