Bạn đọc

Chuyện thường ngày: Phiền phức vì… karaoke

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Karaoke tại gia ngày càng phổ biến trong mỗi cuộc vui hay thời gian rảnh rỗi. Thế nhưng, khi lạm dụng nó thì niềm vui của người này lại trở thành sự “tra tấn” đối với người khác.
Cách đây chừng 15 năm, ba mẹ tôi đã đầu tư một dàn karaoke kỹ thuật số hơn chục triệu đồng, thuộc vào hàng “đỉnh” trong vùng. Dàn máy lỉnh kỉnh với một cái đầu đĩa, âm ly, cặp loa và 2 cái micro. Danh sách bài hát chỉ giới hạn vài trăm bài; vài tháng lại phải mua đĩa mới với giá gần cả triệu đồng để cập nhật bài hát. Nhưng hiện nay, khi công nghệ điện tử ngày càng phát triển, chỉ cần đầu tư 1 chiếc loa di động giá chỉ vài triệu đồng, có kết nối bluetooth với smartphone và 1 chiếc micro không dây là đủ để ca hát thỏa thích. Cũng từ đó mà nảy sinh lắm chuyện phiền nhiễu.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ở khu tôi sống có một số gia đình rất thích hát karaoke. Mỗi lần họ có tiệc tùng, tụ tập là chiếc loa di động được sử dụng hết công suất. Họ hát bất kể giờ giấc mà không màng đó là 12 giờ hay 21 giờ và xung quanh không chỉ có hàng xóm mà còn có cả trường học. Không kể hát hay, hát dở, mặc cho mọi người cảm thấy khó chịu, họ vẫn say sưa với “Duyên phận”, “Đắp mộ cuộc tình”, “Áo mới Cà Mau”… từ trưa đến tối mịt. Cuộc vui kéo dài đồng nghĩa với sự khó chịu của những người hàng xóm càng tăng vì tai bị “tra tấn” quá lâu. Thỉnh thoảng mới hát còn có thể chấp nhận mà bỏ qua, nhưng ngày nào họ cũng kéo loa ra giải trí thì đó thực sự là nỗi “ám ảnh” đối với láng giềng. Trường hợp thích hát karaoke tại gia như thế không hề ít, kéo theo số lượng người phải chịu đựng tiếng ồn cũng tăng lên.
Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn (thông số vượt chuẩn quy định nêu rất rõ) sẽ bị phạt 1-160 triệu đồng. Người bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn karaoke của hàng xóm có quyền phản ánh sự việc đến UBND xã, phường hoặc Công an nơi cư trú. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm tiếng ồn vẫn chưa được thực hiện triệt để. Cũng rất ít người mạnh dạn góp ý, phản ánh, phần vì ngại phiền phức, phần khác sợ mất tình làng xóm. Cũng đã có nhiều trường hợp xóm giềng xích mích, đánh nhau, thậm chí đâm chết người vì bị nhắc nhở khi hát karaoke tại gia. Thôi thì đành “một sự nhịn chín sự lành”, phần lớn mọi người đều ngậm ngùi im lặng “chịu trận”, mong cuộc vui sớm kết thúc hoặc lên mạng xã hội than vãn. Hầu như ngày nào, tôi cũng đọc được một vài dòng trạng thái than phiền vì tiếng ồn karaoke và những bình luận cùng cảnh ngộ của bạn bè trên Facebook.
Khi mà việc xử lý hành vi gây tiếng ồn của các cơ quan chức năng còn chưa mạnh tay, người ta chỉ còn biết trông chờ vào ý thức của mọi người. Thiết nghĩ, chỉ cần vặn nhỏ loa một chút, chọn thời gian giải trí phù hợp và rút ngắn cuộc vui một chút thì sẽ vừa lòng cả đôi bên.
KHÔI NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm