Bạn đọc

Chuyện thường ngày: Tiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tiện, dừng xe bên đường mua bó rau, con cá. Tiện, đổ nước bẩn, hất rác ra đường, cống rãnh. Tiện, đỗ xe dưới lòng đường dắt con vào lớp học. Tiện, xịt nước rửa xe vô người đang đi đông đúc... Vô vàn “hành xử” kiểu tiện thể như thế trong cuộc sống mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể chứng kiến mỗi ngày.

 

Cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT-TT Công an TP. Pleiku kiểm tra việc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông tại cổng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn. Ảnh: L.H
Cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT-TT Công an TP. Pleiku kiểm tra việc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông tại cổng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn. Ảnh: L.H

Con tôi đang học một trường THCS. Trường học quy định phụ huynh đưa đón học sinh đỗ xe rời xa cổng trường, dạt ra hai bên cổng để dành lối đi chung. Trường THCS Nguyễn Du, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP. Pleiku) và nhiều cơ sở giáo dục khác còn kỹ lưỡng kẻ vẽ lằn ranh hoặc đặt biển thông báo giới hạn cụ thể. Nhưng vì… tiện, nhiều phụ huynh xem nó chẳng mấy ý nghĩa. Nghĩ cũng lạ, như Trường THCS Nguyễn Du nói trên, vạch kẻ lề đường hai bên cổng rõ ràng, đậm nét, dễ thấy như vậy nhưng gần như xe máy, ô tô đưa đón học sinh đều vi phạm: hoặc đậu đỗ dưới lòng đường, hoặc đỗ tràn lên không gian giới hạn dành cho thầy cô, học sinh ra vào trường. Lạ là phần diện tích lề đường dành đậu đỗ xe máy rộng rãi nhưng nhiều người vì tiện cứ đỗ ngay sát vạch giới hạn cho con em xuống, xe người đi sau trờ tới không còn chỗ đành phải đỗ ở nơi bị cấm. Nhiều em cờ đỏ thấy sai, ghi lỗi, phê bình các em vi phạm (mà thật ra là phụ huynh vi phạm), thông báo cả trong buổi chào cờ đầu tuần khiến các em bức xúc trách cha trách mẹ. Con cháu bị oan, nhưng phụ huynh cũng không thể thanh minh, giải thích. Nhiều cuộc họp dịp đầu, cuối năm, nhà trường, phụ huynh đều nêu biện pháp khắc phục, kêu gọi sự tự giác, nêu gương của người lớn nhưng tình hình đâu lại vào đấy. Lỗi vẫn lỗi, vẫn lấn lối đi chung, vẫn đậu đỗ xe không đúng quy định, vẫn tràn xuống lòng đường, mà gần như cơ sở giáo dục nào ở Pleiku này cũng gặp phải, cũng xảy ra.

Người lớn là tấm gương cho trẻ soi vào, cả tốt lẫn xấu, cả hay lẫn dở. Tôi đã từng xấu hổ khi có lần vì… tiện: thấy tín hiệu giao thông đèn vàng mà còn cố tình băng qua đường. Cuộc sống xô bồ, bận rộn, vội vã, gấp gáp nên có trăm ngàn lý do để người ta tranh thủ, tìm sự tiện lợi, bất chấp quy tắc ứng xử chung. Họ ý thức cái sự tiện với người này có khi là bất tiện, bất lợi cho người khác. Họ cũng ý thức đôi khi vì sự tiện lợi, tranh thủ không đáng, có thể phải trả bằng giá đắt. Nhưng rồi vẫn tranh thủ, vẫn bất chấp vì… tiện, dẫu chỉ vài phút, vài giây.

Trẻ cứ trông người lớn mà làm theo, xưa nay vẫn vậy. Hành vi ứng xử của người lớn tác động và ảnh hưởng nhiều mặt đến con trẻ. Khi chúng ta lo lắng, phàn nàn rằng bây giờ lắm trẻ hư thì cũng nên biết nguyên nhân do đâu. Nhà trường, gia đình, xã hội, thôi đừng chung chung, đổ vấy. Nguyên nhân chủ yếu, xin nói ra ngay đó là do cách hành xử của những “tấm gương mờ” của người lớn trong cuộc sống thường ngày từ những việc tưởng chừng nhỏ nhặt khi chỉ nghĩ cái lợi trước mắt, tiện gì làm nấy, bất chấp quy tắc, quy định, những điều chỉnh chung của cộng đồng xã hội.

THẤT SƠN
 

Có thể bạn quan tâm