Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

"Chuyện trên núi cao" của Tạ Ngọc Điệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Ở nơi ấy, tôi đã thấy trên đỉnh núi cao có hai người, có hai người yêu nhau”. Đó là lời mở đầu cho một câu chuyện kể bằng giai điệu nhạc của Trần Tiến từ gần 30 năm trước. Còn giờ đây, có một câu chuyện trên núi cao khác mà tôi cũng muốn được chia sẻ cùng mọi người ấy là tập truyện ngắn “Chuyện trên núi cao” của Tạ Ngọc Điệp.

Là 1 trong 5 cây bút trẻ của Gia Lai được mời tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, lại là giảng viên của một trường cao đẳng trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ nên Tạ Ngọc Điệp chọn chủ đề chuyện trên núi cao để chia sẻ cùng mọi người, có lẽ đó là sự lựa chọn sáng suốt.

Không chỉ với du khách thập phương mà ngay cả với những người bản địa thì đất rừng Tây Nguyên vẫn luôn đem đến cho con người cảm giác huyền bí, tinh khôi, mới mẻ. Những cái tên như: Chư Đang Ya, đỉnh Hàm Rồng, dòng Sê San… đã không còn quá xa lạ với mọi người. Thế nhưng, khi đến với những câu chuyện trên núi cao của nữ văn sĩ Tạ Ngọc Điệp, ngoài sự huyền bí của núi rừng, mỗi người đọc lại có dịp nhận ra rằng: Thì ra đất và người Tây Nguyên còn nhiều điều để nói và để kể lắm!

 Bìa tập truyện ngắn “Chuyện trên núi cao” của Tạ Ngọc Điệp. Ảnh: Xuân Trường
Bìa tập truyện ngắn “Chuyện trên núi cao” của Tạ Ngọc Điệp. Ảnh: Xuân Trường


“Nước mắt của rừng” là câu chuyện đầu tiên trong tập truyện ngắn của Tạ Ngọc Điệp. Cứ chầm chậm như chất giọng của già làng lúc kể khan, cách dẫn chuyện của nữ văn sĩ vừa đủ để mỗi độc giả cảm nhận được nỗi đau về việc rừng đã và đang bị “xẻ thịt” như thế nào. Đau lắm nhưng rừng núi không thể gầm lên như tiếng kêu giận dữ của muông thú mà chỉ thầm cảnh báo rằng “gieo gió thì sẽ phải gặt bão”. Hậu quả tất yếu của việc chặt phá rừng bừa bãi ấy là thiên nhiên bị tàn phá, phải bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc. Nhẹ hơn thì trở thành kẻ tàn tật vĩnh viễn như ông Phong-một nhân vật trong truyện.

Dù không trực tiếp lên tiếng phản kháng, nhưng qua cách dẫn dắt của tác giả, dường như mỗi người đọc đều cảm nhận được nỗi đau “Mưa tháng mười vẫn còn rả rích, dòng suối Ayun đục ngầu cuồn cuộn chảy như gầm thét, như nước mắt tuôn chảy thành dòng, như muốn cuốn phăng tất cả những gì đáng lẽ phải thuộc về rừng”.

Nhưng “Chuyện trên núi cao” của Tạ Ngọc Điệp không chỉ có những nỗi đau của rừng. Hòa bình được lập lại thì cũng là lúc rất nhiều tầng lớp người từ khắp mọi miền Tổ quốc cùng tìm đến miền đất bazan màu mỡ. “Đi về phía giấc mơ” hay nói cách khác là đi để tự giải thoát những bí bách, tù túng tích tụ từ rất lâu trong lòng người. Có giấc mơ rất đẹp như “Nụ cười trên sông” của đôi vợ chồng Sơn-Hằng, những người làm nghề chèo đò, đánh bắt cá trên dòng Sê San. Song cũng có những giấc mơ trần trụi đến độ cô gái ấy như một kẻ đang trốn chạy đưa tay che nắng rồi “vấp vào hòn đá, không, gốc cây đã đốn còn sót lại bên đường”.

16 câu chuyện là chừng ấy cách cảm nhận, 16 “bức phác họa” của Tạ Ngọc Điệp về Tây Nguyên. Dù đa số câu chuyện của nữ tác giả chia sẻ là đất và người Tây Nguyên, mang phong cách của người dân tộc thiểu số nơi đây: “Con gà trống sáng nay gáy sớm, HNhan thấy hai cái mí mắt nó thích nhau lắm” (Mưa đầu mùa), nhưng vì đã có gần nửa thế kỷ giao thoa (chỉ tính từ ngày giải phóng) nên “Chuyện trên núi cao” của Tạ Ngọc Điệp vẫn phảng phất đâu đó lối sống, cách ứng xử của người đến từ phố thị. Ganh đua có, bon chen có, những cuộc tình tay ba dang dở và tiếc nuối… cũng được hiện diện.

Lâu nay, một số độc giả chưa thật am hiểu về người vùng cao thường gán cho người dân tộc thiểu số vẻ chân chất ngây thơ, nhưng khi đến với “Chuyện trên núi cao” của Tạ Ngọc Điệp hẳn sẽ thảng thốt giật mình. Đúng là nét chân chất, nhưng sự ngây thơ khờ dại thì chỉ còn nằm trong sách vở. Ai cũng nghĩ học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số nơi đây nếu đã bỏ học thì thường về gắn cuộc đời mình với nương rẫy, ruộng vườn. Song qua lời kể của nữ tác giả, không ít sinh viên người dân tộc đã biết bứt phá. Những mô hình du lịch sinh thái, những nông trại… lần lượt ra đời.

Đến với tập truyện, mỗi độc giả sẽ được tác giả kể cho nghe về những cái chết được tạo bởi “cơn thịnh nộ” của thiên nhiên, nhưng “Chuyện trên núi cao” không chỉ có vậy. Vẫn còn đâu đó cái chết bởi thiếu hiểu biết, để rồi chính những con người ấy chợt nhận ra rằng con đường duy nhất và gần nhất để thay đổi cuộc đời ấy là đi học trở lại (“Mưa đầu mùa”).

Sẽ chỉ mang một sắc màu nếu những câu chuyện của Tạ Ngọc Điệp đơn thuần là chuyện của núi, của rừng. Vẫn biết cuộc sống luôn có sự giao thoa nhưng đến với “Chuyện trên núi cao” mỗi người đọc sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi thấy không ít kẻ thực dụng, mưu mô, xảo trá trong “Đám tang đầu ngõ” hay đỏng đảnh già néo để rồi đứt dây như người đàn bà trong “Đối tác” ở phần cuối tập truyện.

Chỉ dày 179 trang nhưng “Chuyện trên núi cao” của Tạ Ngọc Điệp lại chứa đựng khá nhiều “gam màu” của rừng núi. Có thể mới chỉ là những nét chấm phá, song nữ tác giả trẻ đã đem đến cho người đọc một cách cảm nhận rất khác lạ về đất và người Tây Nguyên.

Tây Nguyên vốn hoang sơ và huyền bí từ bao đời nay nên chắc chắn không thể chỉ bằng một tập truyện ngắn mà có thể phác họa hết được những sắc thái vốn có của nơi đây nên Tạ Ngọc Điệp đã khéo chọn “Đối tác” để thay cho lời kết của tập truyện-”Một hồi chuông đổ dài rồi tắt” không biết bởi tại “già néo đứt dây” hay là bởi vì những lý do nào khác nữa đang cần có câu trả lời.

Câu chuyện kể của Tạ Ngọc Điệp tưởng như đã kết thúc nhưng thực ra nó lại mở ra rất nhiều hướng suy nghĩ dành cho độc giả.

 

XUÂN TRƯỜNG
 

Có thể bạn quan tâm