Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Chuyện trò cùng hai “phù thủy” cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Là tôi đang muốn nói đến Nghệ sĩ Ưu tú, nghệ nhân Phạm Chí Khánh (SN 1962, nhà ở phố cổ Hàng Nón, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (SN 1966), người đã quen thuộc với cồng chiêng Tây Nguyên từ khi xây dựng hồ sơ di sản trình UNESCO, hiện làm việc tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. Những ngày vừa qua, họ đã có mặt tại Gia Lai để dạy người Bahnar, Jrai chỉnh chiêng.

Cồng chiêng là một giá trị đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên. Có lẽ sẽ ít ai tưởng tượng được vùng đất giàu bản sắc này như thế nào nếu không còn cồng chiêng. Nhưng Tây Nguyên cũng có nhiều chiêng sai âm, lạc tiếng. Và, nhiều người vẫn thường băn khoăn rằng, khi những người già chỉnh chiêng tài hoa mất đi, ai thay họ làm công việc ấy?

Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Chí Khánh. Ảnh: N.Q.T

Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Chí Khánh. Ảnh: N.Q.T

Khoan nói về không gian, về nhà rông, bến nước, về các lễ nghi truyền thống… nơi cồng chiêng từ xưa vẫn chọn làm chốn “dung thân”, người viết bài này vừa có cuộc trò chuyện cùng 2 người đàn ông “đang yên đang lành” ở Hà Nội, lại khăn gói, lặn lội vào Gia Lai dạy người Bahnar, Jrai chỉnh chiêng mấy ngày qua. Đó là Nghệ sĩ Ưu tú, nghệ nhân Phạm Chí Khánh và nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền.

Điểm chung của 2 con người này là đều được đào tạo bài bản về âm nhạc dân tộc. Hơn thế, từ rất sớm, mỗi người một cách, họ đã liên tục đắm mình trong nghiên cứu, chế tác, chỉnh sửa và thực hành vốn cổ này. Cho đến một ngày cách nay đã lâu, gặp nhau rồi kết thành đôi và bây giờ Gia Lai là hướng lựa chọn của 2 con người mà tôi gọi là “phù thủy” này.

Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, chỉnh chiêng là việc đương nhiên, giống như chơi guitar thì lâu lâu phải lên dây đàn vậy. Âm nhạc của các tộc người Tây Nguyên có một số điểm chung, nhưng sự khác nhau cũng nhiều. Chính sự khác biệt này làm nên cái riêng, tính đặc trưng của âm nhạc cồng chiêng. Chỉnh chiêng bao gồm cả việc giữ lấy những thang âm gốc, vốn thuộc về mỗi tộc người. Và, lớp học chỉnh chiêng được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch mở ngày 21-8 vừa qua với sự tham gia của gần 20 nghệ nhân Bahnar hướng tới mục đích này.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền. Ảnh: N.Q.T

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền. Ảnh: N.Q.T

Là người có gần 50 năm “đánh đu” cùng đủ loại nhạc cụ của các dân tộc ở Việt Nam, từng đến nhiều quốc gia “nghiêng ngó” bộ môn mình theo đuổi, ông Phạm Chí Khánh cho rằng không ở đâu âm nhạc cổ truyền lại phong phú như nước ta. Nỗi lo của ông là khi các cụ già tài hoa xưa mất đi, lớp trẻ không biết chỉnh thì chiêng dù có quý đến mấy cũng trở nên vô dụng. Chiêng sai thì nhạc sai, nhạc sai thì không còn hấp dẫn được ai nữa. Từ đó, người ta sẽ lãng quên vốn quý ông bà tổ tiên cũng là điều đương nhiên.

Trao đổi với người viết bài này, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho rằng, Tây Nguyên không chỉ có nhiều bộ chiêng bị sai tiếng, mất giọng mà hàng trăm bộ chiêng đã và đang được các tỉnh mua về cấp cho các buôn làng cũng có vấn đề. Theo ông Hiền, phần lớn các bộ chiêng loại này được dập theo khuôn, thay vì đúc như xưa. Do đó, chiêng thường mỏng và khi đánh thì phát ra một thứ âm thanh “oẳng” hoặc “xoảng” không dễ nghe, nếu không chỉnh sửa đúng cách, chắc chắn không sử dụng được.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cũng cho rằng, Tây Nguyên hiện có một số người biết chỉnh chiêng theo kinh nghiệm. Vì gần như không bị cạnh tranh, họ thường đưa ra mức tiền công khá cao so với thu nhập của bà con (3 đến 5 triệu đồng/bộ) trong cộng đồng. Do đó, nếu Gia Lai ngày càng có nhiều người biết chỉnh chiêng thì không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy được giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng mà còn có thể khiến giảm giá chiêng, vốn hiện đang không rẻ trên thị trường.

Các “phù thủy” đều khẳng định, chỉnh chiêng không dễ nhưng cũng không quá khó như nhiều người nghĩ. Vào Gia Lai lần này, các ông mang theo phương pháp “lên dây” chiêng đã được nghiên cứu và thử nghiệm thành công để truyền dạy công khai một cách khoa học nhưng gần gũi, dễ hiểu. Trước nay, chỉnh chiêng được mô tả truyền khẩu khá... kỳ bí mà đằng sau nó có thể là sự giấu nghề hoặc bất lực trong diễn giải. Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Chí Khánh, chúng ta có trách nhiệm mở tung chúng ra giúp các học viên hiểu rõ bản chất của vấn đề, từ đó nắm vững lý thuyết và nhuần nhuyễn trong thực hành để có thể chỉnh chiêng thành thục khi trở lại buôn làng.

Nhóm nghệ nhân Bahnar học lý thuyết trong lớp chỉnh chiêng kéo dài 10 ngày, từ 21-8 đến 1-9-2023. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Nhóm nghệ nhân Bahnar học lý thuyết trong lớp chỉnh chiêng kéo dài 10 ngày, từ 21-8 đến 1-9-2023. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Theo một cán bộ quản lý lớp học, trong năm nay, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch mở 2 lớp chỉnh chiêng cho khoảng 40 học viên là người Bahnar, Jrai, mỗi lớp kéo dài 10 ngày. Các học viên được đài thọ nơi ăn ở (tại một homestay), được hỗ trợ tiền công lao động, được cấp tiền đi lại, cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, mỗi người còn được tặng một bộ đồ nghề mới do chính tay Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Chí Khánh giàu kinh nghiệm thiết kế.

Hy vọng đội ngũ nghệ nhân chỉnh chiêng được đào tạo cơ bản này sẽ trở thành lực lượng đồng hành, thay thế các “đồng nghiệp” đáng kính cao tuổi ở các buôn làng trong tỉnh, đồng thời hướng dẫn những người có khả năng chung tay cùng lấy lại giọng điệu đúng cho cồng chiêng địa phương.

Có thể bạn quan tâm