Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Ia Pếch bảo tồn, phát huy giá trị cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, xã Ia Pếch (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) còn quan tâm bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng và nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Theo chân cán bộ địa phương, chúng tôi đến thăm gia đình ông Siu Tăn-người lưu nhiều bộ cồng chiêng nhất làng O Gia. Những năm qua, ông thường xuyên tham gia cùng người có uy tín, già làng vận động, nhắc nhở bà con không bán cồng chiêng, đồng thời, tích cực truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho thanh-thiếu niên. Hiểu được giá trị truyền thống, người dân vừa gìn giữ, vừa mua thêm cồng chiêng. Đến nay, làng O Gia còn lưu giữ 6 bộ cồng chiêng.

“Năm 10 tuổi, mình được người già chỉ dạy cách diễn tấu cồng chiêng. Theo thời gian, khả năng diễn tấu cồng chiêng của mình ngày một điêu luyện, sau đó thì tham gia vào đội cồng chiêng của làng. Bây giờ, do tuổi cao, sức khỏe suy giảm nên mình đưa các bộ cồng chiêng cho các nghệ nhân trong làng mượn để luyện tập và truyền dạy cho lớp trẻ”-ông Tăn bộc bạch.

Ông Siu Tăn bên bộ cồng chiêng của mình. Ảnh: R.H

Ông Siu Tăn bên bộ cồng chiêng của mình. Ảnh: R.H

Anh Rmah Brêl (làng De Chí, con trai của ông Rơ Châm Blêh) chỉ cho tôi xem những bộ cồng chiêng mà cha anh để lại. Theo lời anh Brêl, khi còn sống, cha anh là người đánh chiêng giỏi trong làng. Khoảng 30 năm trước, chứng kiến cảnh những bộ cồng chiêng bị một số gia đình đem bán đi, cha của anh đã phải bán mấy con bò để đổi lấy 4 bộ cồng chiêng. Năm 2022, sau khi cha qua đời, gia đình anh đã bảo quản, trông coi 4 bộ cồng chiêng cẩn thận.

“Trước khi qua đời, cha tôi căn dặn bằng mọi cách phải giữ lại số cồng chiêng cho con cháu để tiếp nối truyền thống của gia đình trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc. Người ta đến hỏi mua với giá cao nhưng gia đình nhất quyết không bán. Chúng tôi xem những bộ cồng chiêng này là kỷ vật và là tài sản vô giá của gia đình, dòng tộc để lại”-anh Brêl bày tỏ.

Theo ông Rmah Roi-Trưởng thôn De Chí: Làng hiện có 5 bộ cồng chiêng, riêng gia đình ông Rơ Châm Blêh sở hữu 4 bộ. Từ tháng 10-2022 đến nay, làng đã mượn các bộ cồng chiêng của gia đình ông Blêh để truyền dạy cho lớp trẻ. “Lớp học được tổ chức vào buổi tối thứ bảy, chủ nhật hàng tuần với 20 người tham gia. Được các nghệ nhân truyền dạy, nhiều người đã nắm vững kỹ thuật, diễn tấu các bài chiêng truyền thống của người Jrai”-ông Roi cho biết thêm.

Bà Rơ Lan Than-công chức Văn hóa-xã hội xã Ia Pếch trao đổi với người dân về việc lưu giữ, bảo tồn văn hóa cồng chiêng trên. Ảnh: R'Ô HOK

Bà Rơ Lan Than-công chức Văn hóa-xã hội xã Ia Pếch trao đổi với người dân về việc lưu giữ, bảo tồn văn hóa cồng chiêng trên. Ảnh: R'Ô HOK

Xã Ia Pếch hiện có 27 bộ cồng chiêng, tất cả 7 làng đều có cồng chiêng. Trong đó, hộ ông Rơ Châm Blêh và Siu Tăn đang sở hữu nhiều bộ cồng chiêng nhất xã. Hiện mỗi làng cũng có 3 nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng, múa xoang.

Trao đổi với P.V, bà Phạm Thị Kim Tuyến-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pếch-thông tin: Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa được địa phương quan tâm. Năm 2018, UBND xã đã tổ chức Liên hoan văn hóa cồng chiêng lần thứ nhất. Tiếp đó, ngày 14-10-2020, Đảng ủy xã Ia Pếch đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/ĐU về việc xây dựng và phát triển văn hóa cồng chiêng đối với thanh-thiếu niên, giai đoạn 2020-2025. Từ năm 2020 đến nay, UBND xã đã thành lập các đội cồng chiêng tại 7 làng; đồng thời kết hợp tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho giới trẻ.

“Cuối năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức Liên hoan văn hóa cồng chiêng lần thứ II. Đây là dịp để các đội cồng chiêng gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”-bà Tuyến nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm