Xã hội

Đời sống

Chuyện về người cán bộ cơ yếu năm xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tôi vừa đến thăm anh Nguyễn Văn Diệp-cán bộ thuộc tổ cơ yếu của Tỉnh ủy năm xưa. Trong căn nhà thoáng mát ở tổ 3 (phường Diên Hồng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), chúng tôi cùng nhau ôn lại chuyện xưa. Anh Diệp kể: Cuối năm 1959, anh xung phong vào bộ đội, chia tay với gia đình, quê hương Phú Xuyên (Hà Nội) với ước mơ được vào Nam chiến đấu.

Những năm đó, qua đài báo và nhà trường, thanh niên ngoài Bắc biết được, thay vì thực hiện Hiệp định Genève thì Mỹ dựng lên chính quyền gia đình trị họ Ngô, chúng ra sức đàn áp những người tham gia cách mạng, gia đình tập kết và những người yêu nước một cách đẫm máu, nhà tù, trại giam, ấp chiến lược chúng dựng lên cùng với lê máy chém theo Luật 10/59 khắp miền Nam. Lòng căm thù giặc với ý chí quyết tâm góp phần xương máu, sức lực của mình để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là lý tưởng của thanh niên bấy giờ.

Khi vào trường đào tạo quân nhân cơ yếu để nhận nhiệm vụ vào miền Nam phục vụ chiến đấu, anh Diệp đã là một trong những người vượt qua nhiều vòng tuyển chọn khắt khe, từ lý lịch gia đình, đạo đức, tư cách, tác phong, công việc..., đặc biệt là tư tưởng, chính trị, đạo đức phải hoàn hảo. Ngày trước, khi chưa có Pháp lệnh, rồi sau này là Luật Cơ yếu, chỉ có văn bản quy định của Đảng về ngành Cơ yếu, nhưng về tiêu chuẩn của người làm việc trong ngành cũng rất chặt chẽ. Sau khi lọt vào “vòng trong”, anh được gọi về trường học. Anh nhập ngũ từ năm 1959, được phiên chế về Trung đoàn 88, Sư đoàn 308. Đến đầu năm 1963, anh được cấp trên chọn cử đi học, khi đó Trường Hạ sĩ quan Cơ yếu ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Sau 1 năm học tập, ra trường, anh được điều đi Nam. Trước khi đi học cái ngành đặc biệt này, mấy ngày phép về nhà, gia đình đã kịp cưới vợ cho anh.

Ông Nguyễn Văn Diệp cùng vợ ôn lại truyền thống cách mạng. Ảnh: Phan Lài

Ông Nguyễn Văn Diệp cùng vợ ôn lại truyền thống cách mạng. Ảnh: Phan Lài

Nơi anh Diệp vào Nam nhận công tác là Quân khu 5. Anh kể, từ trường vào đến Bộ Tư lệnh Quân khu 5 mất hết 3 tháng, 2 ngày. Lúc bấy giờ, những con đường vào Nam dọc Trường Sơn còn rất gian nan. Khi mới đặt chân đến căn cứ của Quân khu, gặp một... cụ già, thì ra là bác Võ Chí Công. Nghe có đoàn Cơ yếu về nhận công tác, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu tiếp và giao cho hậu cần lo bố trí nơi ăn nghỉ, làm việc. 8 người trong đoàn (gồm 3 quân nhân cơ yếu, 5 bảo vệ kiêm gùi cõng tài liệu) được bố trí nghỉ ngơi, cơm nước đầy đủ, bù cho những ngày vượt Trường Sơn gian nan, đói rét. Ở Bộ Tư lệnh Quân khu chưa được bao lâu, anh về công tác tại Tỉnh đội Gia Lai. Sau một thời gian, anh Diệp được biệt phái sang Tỉnh ủy. Khi sang bên Tỉnh ủy, trong tổ cơ yếu, ngoài anh Diệp còn có các anh: Lê Hồng Nam, Nguyễn Bá Mịch, Đặng Xuân Trị quê Thái Bình; mấy anh em nhanh chóng hòa đồng, cùng nhau chia sẻ công việc. Sau thời gian, tổ cơ yếu được tăng cường thêm người như anh Nguyễn Hoài An, Nguyễn Văn Nhâm. Do yêu cầu nhiệm vụ phục vụ cấp ủy Đảng và các lực lượng vũ trang tăng lên, một số anh chị em từ Trường Cơ yếu Khu 5 về và các đơn vị khác được biệt phái sang, tổ cơ yếu Tỉnh ủy bấy giờ đã hơn 10 người, trong đó có cả phụ nữ như các chị: Mến, Lan, Mùi.

Ở Gia Lai lúc ấy có các tổ cơ yếu “cố định”: Tỉnh ủy, Tỉnh đội, Ban An ninh và 1 tổ ở K9 (thị xã Pleiku). Năm 1969, có thêm 1 tổ ở K8 (huyện An Khê). Thời gian này, anh Diệp được điều ra phía trước, là K9 (thị xã Pleiku). Chiến trường K9 rất ác liệt, địch thường xuyên càn quét, nống lấn ra vùng ven, phục kích các ngả đường mà chúng nghi có quân ta qua lại, đã có 1 đồng chí cơ yếu hy sinh ở khu vực xã Gào, đó là anh Đặng Phùng. Bên trong nội thị, chúng ra sức lùng sục tìm kiếm manh mối cơ sở hoạt động bí mật của ta, nhất là sau Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Anh Diệp nhớ lại: Có một hôm, vào buổi sáng, từ Pleiku, một tốp trực thăng có gắn thiết bị quạt gió và vũ trang ào ào kéo đến đúng vị trí đứng chân của K9 (xã Gào), chúng sà thấp xuống sát ngọn cây, quạt tung cây cối, những tên Mỹ trên trực thăng thò đầu ra từ cửa máy bay, lăm lăm khẩu đại liên gắn trên trực thăng, láo liên nhìn ngó. Tưởng đã bị lộ, một số anh em chuẩn bị nổ súng nhưng Bí thư Lê Tiên yêu cầu giữ bí mật. Quả đúng là chúng nghi ngờ vu vơ, chỉ quần đảo một lúc rồi chuồn thẳng.

Sau Hiệp định Paris, anh Diệp được điều về lại Văn phòng Tỉnh ủy. Gặp lại “người xưa, chốn cũ”, anh vui lắm. Nhưng có một nỗi buồn in mãi trong lòng, đó là khi Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình (Đẳng) bị ốm nặng. Bác Đẳng là người yêu thương, chăm sóc, chia sẻ, động viên cấp dưới, những người phục vụ quanh mình hết mực; anh chị em cán bộ, nhân viên ai cũng thương yêu, quý mến như anh em, chú cháu ruột thịt. Khi thấy cơ thể mình không thể chịu đựng nổi với căn bệnh hiểm nghèo nữa, bác Đẳng dặn dò anh chị em cố gắng giữ gìn sức khỏe, phục vụ cách mạng lâu dài, tích cực hoàn thành nhiệm vụ. “Tưởng đến khi thống nhất nước nhà mà còn sống thì chú sẽ về quê các cháu thăm gia đình, quê hương, nhưng giờ thì không thể được nữa rồi...”-Bí thư Trần Văn Bình nói. Nhớ lại lời bác Đẳng, anh Diệp không cầm được nước mắt.

Hiện anh Diệp mang trong mình những căn bệnh khá nguy hiểm, di chứng vết thương chiến tranh, hậu quả của chất độc da cam. Cái tuổi 83 cùng với căn bệnh gout làm cho sức khỏe anh ngày một giảm sút, nhưng khi chia tay tôi, anh vẫn lạc quan mà rằng: “Anh em mình được như ngày nay là hạnh phúc lắm; bao đồng đội, đồng chí đã vì bệnh tật, vì đạn bom của giặc mà không còn được chứng kiến ngày vui thống nhất non sông”.

Có thể bạn quan tâm