Phóng sự - Ký sự

Chuyện xóa mù chữ nơi suối Khôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Khi nắng chiều vừa tắt, tiếng chuông điện thoại của cán bộ Đội Công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông) lại reo vang. “Thầy ơi, tối nay lớp mình học không?”. “Có chứ em, không học sẽ quên mặt chữ đấy”. Cuộc hỏi-đáp qua điện thoại giữa những “thầy giáo quân hàm xanh” và người dân ở khu dân cư suối Khôn vẫn tiếp nối từ ngày này sang ngày khác, để lớp xóa mù chữ cho bà con được duy trì đều đặn.

Lớp học đặc biệt

Tháng 9, những cơn mưa rừng vẫn như trút nước. Con đường đất từ trụ sở UBND xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) dẫn về khu dân cư suối Khôn dài hơn 20 km trở nên trắc trở hơn. Những ổ voi, ổ gà ngập nước cùng với bùn đất lầy lội khiến chiếc xe của chúng tôi phải di chuyển với tốc độ thấp nhất. Gần 1 giờ đồng hồ vật lộn với bùn đất, chúng tôi cũng có mặt tại tổ công tác địa bàn của Đồn Biên phòng Ia Lốp.

Từ bao đời nay, 2 dòng suối Khôn và Ji vẫn âm thầm chảy, mang theo dòng nước từ đại ngàn Tây Nguyên rồi hòa vào suối Ia Lốp (nơi chia cách giữa xã Ia Mơr và xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đak Lak) sau đó theo sông đổ về biển lớn. Những người dân từ xã Ia Piơr và một số nơi khác đến khu vực gần suối này để lập nghiệp và hình thành khu dân cư với 103 hộ/561 khẩu. Về địa giới hành chính thì khu dân cư thuộc xã Ia Mơr, nhưng dân số lại do xã Ia Piơr quản lý. Chính vì thế, người dân vẫn bảo đây là ngôi làng chưa có tên và lấy tên suối Khôn đặt tạm. Ở đây, vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều người còn chưa biết chữ. Và, hành trình đi tìm con chữ của họ cũng có nhiều chuyện để kể.

Đại úy Nguyễn Văn Luân-Đội trưởng Đội Vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Ia Lốp) trong 1 tiết dậy môn Tiếng Việt cho người dân khu dân cư suối Khôn. Ảnh: V.H

Đại úy Nguyễn Văn Luân-Đội trưởng Đội Vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Ia Lốp) trong 1 tiết dậy môn Tiếng Việt cho người dân khu dân cư suối Khôn. Ảnh: V.H

Trung tá Nguyễn Văn Thành-Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Lốp-chia sẻ: “Khu dân cư suối Khôn có 71 người dân tộc Jrai bị mù chữ, trong đó có 44 nữ và 27 nam. Sau khi chúng tôi tổ chức tuyên truyền, vận động thì có 45 người dân mong muốn được xóa mù chữ. Chính vì thế, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã xây dựng kế hoạch, báo cáo lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và được đồng ý để mở lớp xóa mù. Lớp học đầu tiên có 15 học viên, bắt đầu từ ngày 24-4, mỗi tuần 3 buổi với 2 môn chính là Toán và Tiếng Việt. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị mọi điều kiện để khai giảng lớp thứ 2”.

Tham gia dạy chữ cho bà con là Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Hoằng (môn Toán) và Đại úy Nguyễn Văn Luân-Đội trưởng Đội Vận động quần chúng (môn Tiếng Việt). Đại úy Nguyễn Văn Luân kể: “Cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Để bà con đến lớp, chúng tôi đến từng nhà động viên, trò chuyện, nói rõ lợi ích của việc biết chữ. Tôi vẫn nói với người dân rằng, đất nước mình, Gia Lai mình nay phát triển rồi, bà con rất cần biết chữ, đi khám-chữa bệnh hay mua bán cũng phải biết chữ, làm giấy khai sinh cho con cũng vậy. Lũ trẻ được đi học con chữ, mình cũng phải biết để dạy lại chúng và nói chúng mới nghe. Đi học do bộ đội Biên phòng dạy không mất tiền, lại được cấp sách vở. Lúc đầu, nhiều người e ngại, nhưng dần dần bà con cũng hiểu ra và đến lớp học”.

Để người dân đến học đã khó, nhưng duy trì được lớp học lại càng khó hơn. Trung tá Vũ Văn Hoằng góp vào câu chuyện: “Buổi chiều, chúng tôi thường gọi điện nhắc bà con. Có khi gần đến giờ vào lớp, thấy thiếu vắng ai thì chúng tôi cử anh em đến nhà tìm. Nhiều lúc, có người bảo đang bận việc. Lúc đó, anh em trong đội ở lại làm giúp, để bà con yên tâm đến lớp. Rồi những khi trời mưa, chúng tôi phải chia nhau chạy xe máy đến nhà để đón. Học viên của lớp ở độ tuổi khác nhau, có người gần 50, người nhỏ nhất là 15 tuổi. Vì thế, cách dạy cũng khác nhau, nhưng chủ yếu là vừa dạy vừa nói chuyện, động viên. Phải nắm bắt tâm lý, thực sự chân thành thì bà con mới chịu học”.

Biết chữ để cuộc sống tốt đẹp hơn

Vừa xong bữa cơm tối, ông Kpah Choan lại chở con trai Kpah Vớt đến lớp. Ngồi phía ngoài phòng học nhìn con đánh vần từng con chữ, rồi làm phép toán, ông Choan không giấu được xúc động: “Nhà mình có 8 người con, Vớt là đứa nhỏ nhất. Ngày trước, nó không chịu đi học. Bây giờ, bộ đội Biên phòng mở lớp xóa mù chữ, mình động viên mãi nó mới chịu đi. Cũng lạ lắm, bố chở đến lớp nó mới chịu đi, còn không nó ở nhà.Vì thế, đúng lịch học là mình phải chở nó đi, dù bận gì cũng phải cho nó đi tìm con chữ để sau này khỏi thiệt thòi. Mình chỉ học xong lớp 4 mà nhiều lúc tính toán cũng không đúng huống gì con không biết chữ”. Còn Vớt thì tâm sự: “Nhờ lớp học này mà em đã biết đọc, biết viết, biết làm toán nữa. Sau này có đi đâu, em cũng không sợ bạn bè cười chê. Em sẽ cố gắng học, rồi đọc sách báo, tìm hiểu cách làm ăn để có cuộc sống ấm no hơn”.

Sau bao ngày cố gắng, chị Siu Nghinh đã đọc thành thạo từng bài trong cuốn sách lớp 1. Chị chia sẻ: “Trước đây, mình không biết chữ nên làm gì chồng cũng chê. Khi mua bán hàng, người ta đưa cái giấy, mình điểm chỉ nên đôi khi bị họ lừa, về nhà bị chồng nói hoài nên buồn lắm. Nhà mình có 4 anh em, mọi người đều đi học chăm chỉ, riêng mình vì lười quá nên bỏ sớm. Mình muốn học cái chữ để không bị người ta lừa khi mua bán nữa. Lúc đầu, mình cũng ngại. Nhưng tới lớp rồi, được các thầy giáo chỉ bảo tận tình nên mình học được”.

Tranh thủ giờ giải lao, ông Kpah Choan cùng con trai Kpah Vớt học bài. Ảnh: V.H

Tranh thủ giờ giải lao, ông Kpah Choan cùng con trai Kpah Vớt học bài. Ảnh: V.H

Dòng suối Khôn khi hiền hòa, lúc cuồn cuộn chảy. Nhưng những “thầy giáo quân hàm xanh” vẫn luôn điềm tĩnh, gần gũi và nhẹ nhàng thì con chữ mới thấm dần vào những người dân nghèo nơi biên viễn này. Có một điều khến chúng tôi khá bất ngờ là trước khi vào lớp, thầy giáo đều chuẩn bị một ít bánh kẹo để đón những vị khách đặc biệt. Đó là những em nhỏ được mẹ địu trên lưng đến lớp. Ngồi trong lớp, vừa học bài vừa chỉ cho con từng hình vẽ, dạy cho con biết tiếng Việt, chị Siu HNghen chia sẻ: “Con mình mới được 4 tuổi. Lúc đầu, chồng mình không muốn cho đi học vì phải ở nhà trông con. Nhưng mình nói sẽ đưa con đi học theo thì chồng đồng ý. Đến lớp vừa biết chữ, vừa biết làm toán, con lại được các chú bộ đội Biên phòng cho bánh kẹo. Nhiều lúc, con quấy khóc trong giờ học, thầy lại thay mình dỗ dành con nên mình cũng yên tâm theo học”.

Chiếc đồng hồ treo tường điểm chuông báo kết thúc buổi học. Những tiếng chào thầy, chúc thầy ngủ ngon, cảm ơn thầy vang lên rộn ràng. Không gian trở nên thật ấm áp. Phía ngoài sân, một học viên chợt gọi vọng vào: “Xe em hết xăng rồi thầy ơi”. Tôi còn đang chưa hết thắc mắc thì đã nghe tiếng đáp lại: “Để thầy chia sẻ cho ít xăng mà về”. Khi bóng các học viên khuất dần, cơn mưa vẫn nặng hạt, các anh ngồi lại để bàn giao nhiệm vụ của ngày mai.

Vì đường xa nên chúng tôi ở lại đơn vị. Cơn mưa đêm ào ào đổ xuống. Trong tiết trời se lạnh, giữa vẻ tịch mịch nơi miền biên viễn, tôi không thể chợp mắt, lòng không thôi nghĩ về những việc vừa diễn ra. Ở chiếc giường cá nhân bên kia, Đại úy Nguyễn Văn Luân cũng chưa chợp mắt. Anh nói vọng qua tôi: “Anh biết đó, trong một khu dân cư mà có đến hơn 70 người mù chữ, cuộc sống của bà con còn quá nhiều thiệt thòi hơn chúng ta. Chính vì thế, làm được gì cho bà con thì chúng tôi đều sẵn lòng”.

Có thể bạn quan tâm