Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Có 3 dự án Cao tốc Bắc-Nam sẽ bỏ barie đầu vào tại trạm thu phí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bộ Giao thông Vận tải đã chấp thuận về nguyên tắc đối với 3 Dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam phía Đông theo mô hình đầu vào không có barie, đầu ra có barie, không có làn thu phí hỗn hợp.
Dự án đường Cao tốc Nha Trang-Cam Lâm đã hoàn thành và sẽ thực hiện theo mô hình đầu vào không có barrie, đầu ra có barrie, không có làn thu phí hỗn hợp. Ảnh: PV/Vietnam+

Dự án đường Cao tốc Nha Trang-Cam Lâm đã hoàn thành và sẽ thực hiện theo mô hình đầu vào không có barrie, đầu ra có barrie, không có làn thu phí hỗn hợp. Ảnh: PV/Vietnam+

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy, bộ đã chấp thuận về nguyên tắc đối với 3 Dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm và Cam Lâm-Vĩnh Hảo theo mô hình đầu vào không có barie, đầu ra có barie, không có làn thu phí hỗn hợp.

Trong ba dự án cao tốc trên, hiện nay Cao tốc Nha Trang-Cam Lâm (Khánh Hòa) dài 49km đi qua tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành, còn hai đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt (Nghệ An, Hà Tĩnh), Cam Lâm-Vĩnh Hảo (Bình Thuận) vẫn đang thi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2024. Đây là các dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Cụ thể, Cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt dài 50km sẽ được triển cả phần trên tuyến và phần hầm, bao gồm toàn bộ hoạt động như khảo sát, thiết kế thi công; cung cấp lắp đặt thiết bị, tích hợp phần mềm và đào tạo, chuyển giao công nghệ.

Với hai Dự án thành phần Cao tốc Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Công ty cổ phần Công nghệ-Viễn thông Elcom được lựa chọn làm đơn vị triển khai hệ thống giao thông thông minh.

Cao tốc Nha Trang-Cam Lâm sẽ được đầu tư hệ thống giao thông thông minh tổng giá trị hợp đồng gần 350 tỷ đồng được trang bị hệ thống giao thông thông minh toàn diện, bao gồm cả hệ thống giám sát điều hành trên tuyến và hầm, hệ thống thu phí không dừng, hệ thống thông tin liên lạc, camera giao thông…

Cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt được triển khai hệ thống giao thông thông minh toàn diện gồm cả phần trên tuyến và phần hầm với tổng giá trị trên 200 tỷ đồng bao gồm tiến hành toàn bộ hoạt động như khảo sát, thiết kế thi công; cung cấp lắp đặt thiết bị, tích hợp phần mềm và đào tạo, chuyển giao công nghệ từ trung tâm quản lý điều hành, camera giám sát giao thông, phát hiện xe, biển báo điện tử, radio, tổng đài hay hệ thống truyền dẫn, cấp nguồn điện…

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra dự kiến lộ trình triển khai hệ thống thu phí không dừng (ETC) sẽ qua 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 được thực hiện từ năm 2016-2023, các trạm thu phí vẫn có barrier, tài khoản có đủ tiền, barie mới mở.

Giai đoạn 2 được thực hiện từ năm 2024-2025, không còn barie, phương tiện lưu thông đơn làn tự do qua trạm thu phí.

Giai đoạn 3 từ năm 2026 trở đi, tại trạm thu phí chỉ còn duy trì giá long môn với thiết bị thu phí gắn bên trên. Các phương tiện lưu thông đa làn tự do qua trạm thu phí.

Nhiều tuyến cao tốc vẫn đang triển khai thu phí không dừng tại các trạm thu phí vẫn có barie, tài khoản có đủ tiền, barie mới mở. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+

Nhiều tuyến cao tốc vẫn đang triển khai thu phí không dừng tại các trạm thu phí vẫn có barie, tài khoản có đủ tiền, barie mới mở. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+

Đề cập đến vấn đề này, ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng về kỹ thuật hoàn toàn có thể đáp ứng bỏ barie, tuy vậy để thu phí không dừng chuyển sang giai đoạn không còn barie còn nhiều vướng mắc về pháp lý, nhất là chế tài cho việc trả tiền sau, đặc biệt là khi thu phí liên tuyến với các Dự án thành phần khác trên Cao tốc Bắc-Nam.

Theo ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thu phí tự động ETC, vấn đề phức tạp nhất khi thu phí liên tuyến là thu hồi nợ, bởi do không có barie nên phương tiện không có tiền trong tài khoản vẫn lưu thông được qua nhiều dự án.

“Để chuyển được sang giai đoạn xe chạy đa làn tự do, bỏ barie cần có cơ chế thu hồi nợ đối với các trường hợp phương tiện không có hoặc không đủ tiền trong tài khoản giao thông. Chỉ cần có cơ chế thu hồi nợ sẽ bỏ được barie tại trạm thu phí," ông Vinh nói.

Đại diện Cục Đường Cao tốc Việt Nam cho biết qua thời gian vận hành thu phí không dừng, với các tuyến cao tốc liền kề nhau như Nha Trang-Cam Lâm và Cam Lâm-Vĩnh Hảo không nên lắp đặt trạm thu phí trên tuyến chính giữa hai tuyến cao tốc, tổ chức thu phí kín liên thông và phân chia doanh thu tương tự như đang áp dụng tại đoạn tuyến Cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam phải triển khai nghiên cứu xây dựng ngay Đề án thu phí bằng các công nghệ qua vệ tinh và GSP phục vụ cho thu phí đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông và các tuyến cao tốc khác.

Đây là giải pháp được nhiều quốc gia như Singapore và một số nước châu Âu áp dụng để hạn chế phương tiện vào nội đô. Khi không có barie thì giải pháp thu phí nội đô mới khả thi, tránh được ùn tắc giao thông.

Có thể bạn quan tâm