Kinh tế

Giá cả thị trường

Cơ chế đặc thù cho Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 8-5, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Gia Lai phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Gia Lai tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Đề án Cơ chế đặc thù cho Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh với sự tham dự của các đại biểu đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Ban Quản lý Khu Kinh tế các tỉnh: Tây Ninh, Kon Tum, Hà Tĩnh. Tại đây, nhiều ý kiến xác đáng đã được đại biểu đưa ra nhằm hoàn thiện đề án.
Còn nhiều hạn chế
Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh có vị trí quan trọng về kinh tế, quốc phòng-an ninh không chỉ riêng đối với tỉnh Gia Lai mà còn với cả khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Nằm trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam  nên KKT Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh được Chính phủ 3 nước đặc biệt quan tâm. Hiện tại, khu vực này rất có tiềm năng để phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, xuất nhập khẩu nông sản; phát triển các ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ. Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển du lịch tại đây cũng đang mở ra với những kỳ vọng lớn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Khoa-Phó Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh: Thực trạng KKT Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh vẫn còn nhiều khó khăn như ở xa các vùng kinh tế trọng điểm, không có cảng biển, không có đường sắt, giao thông duy nhất là đường bộ, nhưng các tuyến quốc lộ 19, 25 kết nối KKT này nói riêng và Gia Lai nói chung với các tỉnh Duyên hải miền Trung (Bình Định, Phú Yên) đang dần xuống cấp, giao thông nội bộ KKT chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải hàng hóa. Bên cạnh đó, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào vốn ngân sách trung ương, quá trình đầu tư dàn trải, kéo dài nên chưa mang lại hiệu quả tích cực. Các chính sách thu hút và quảng bá cho các hoạt động đầu tư còn hạn chế, chưa có những doanh nghiệp mạnh vào đầu tư nên chưa tạo ra được các “cú hích” cần thiết cho phát triển khu vực.
 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: K.L
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: K.L
Tại hội thảo, PGS-TS. Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh-đánh giá: “Các cơ chế, chính sách hiện đang áp dụng vẫn chưa đủ mạnh để đạt được mục tiêu đưa KKT Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh trở thành một KKT phát triển toàn diện và năng động theo hướng kinh tế mở; chưa khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa lý trong khu vực Tam giác phát triển, tạo thành trung tâm liên kết kinh tế trên hành lang kinh tế Đông-Tây để thúc đẩy phát triển kinh tế, phát huy tác dụng lan tỏa của KKT cửa khẩu đối với các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển và các tỉnh Duyên hải miền Trung trong quá trình hội nhập”.
Xác định đặc thù để đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp
Nhằm xây dựng KKT Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh trở thành khu đô thị biên giới với chức năng là trung tâm giao lưu kinh tế của khu vực Tam giác phát triển, dự thảo Đề án Cơ chế đặc thù cho KKT Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã đưa ra một số đề nghị như: bổ sung KKT này vào danh sách các KKT cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020; phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách trung ương để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội KKT đảm bảo các tiêu chí và xứng tầm cửa khẩu quốc tế thuộc trung tâm Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam; các bộ, ngành trung ương cần có thông tư hướng dẫn, cho cơ chế thu hút vốn đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau như: PPP, BT, BOT, phát hành trái phiếu công trình, khai thác quỹ đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
 Gian hàng miễn thuế tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: K.L
Gian hàng miễn thuế tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: K.L
Một số cơ chế, chính sách hỗ trợ khác về đầu tư hạ tầng cho KKT Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh cũng được nêu trong dự thảo đề án. Trong đó, đáng chú ý là đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí vốn để đầu tư xây dựng các tuyến đường ngang đến các đồn biên phòng, tiếp tục nâng cấp tuyến vành đai biên giới, xây dựng hệ thống đường xương cá, đường dân sinh dẫn tới các vùng sâu, vùng xa, đường tới các điểm dân cư tập trung; được ưu tiên huy động, bố trí nguồn vốn ODA để đầu tư hệ thống cấp thoát nước, xử lý rác thải, nước thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục... cho toàn KKT và được ngân sách trung ương hỗ trợ 100% vốn đối ứng cho dự án ODA do tỉnh quản lý. Ngoài ra, dự thảo đề án còn đề nghị Chính phủ phân cấp cho UBND tỉnh được ban hành danh mục ngành, lĩnh vực khuyến khích đầu tư và đặc biệt khuyến khích đầu tư mà KKT Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh có lợi thế như: xây dựng kết cấu hạ tầng KKT, xây dựng các kho ngoại quan, khu bảo thuế, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch...
Ông Trần Quốc Trung-Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, để đề án hoàn thiện hơn, tỉnh cần có số liệu cụ thể hơn nữa về tình hình phát triển hạ tầng, quy hoạch qua các năm, đóng góp kinh tế-xã hội, các mặt hàng xuất nhập chủ yếu..., bổ sung thêm danh mục các ngành nghề phù hợp với tiềm năng, lợi thế của KKT cửa khẩu, từ đó xác định lĩnh vực cần thúc đẩy. Tỉnh cũng nên đề xuất thêm những chính sách liên quan tới vấn đề bán hàng miễn thuế, chính sách cho khách tham quan du lịch, chính sách về xuất nhập cảnh... Riêng đối với đề xuất miễn tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, ông Trung nêu quan điểm: “Đất đai là tài nguyên có hạn, là nguồn thu lớn, nên phân loại ra các dự án đặc biệt thì mới có ưu đãi miễn tiền thuê đất; những dự án thông thường thì nên miễn tiền thuê đất có thời gian nhất định”.
Là đại diện đơn vị “đi trước”, ông Phan Thăng Long-Phó Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh cũng góp ý: “Tỉnh Gia Lai nên xác định mục tiêu và định hướng phát triển rõ ràng, như mô hình thế nào, là thương mại dịch vụ, công nghiệp hay du lịch sinh thái. Đó chính là định hướng chiến lược. Gia Lai cần có sự ưu tiên đầu tư nhất định thì từ đó mới đề ra chính sách đặc thù phù hợp”.
KIM LINH

Có thể bạn quan tâm