Kinh tế

Giá cả thị trường

Cơ chế giá FiT cho điện mặt trời đã bộc lộ hạn chế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), mặc dù cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, song, chính sách giá FiT có một số hạn chế như các dự án tập trung phát triển tại khu vực có tiềm năng bức xạ mặt trời tốt dẫn đến quá tải lưới điện tại một số khu vực.

Đấu giá ngược giá điện là phù hợp với xu hướng trên thế giới

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo vừa có văn bản trả lời Hiệp hội Năng lượng Việt Nam về kiến nghị "kéo dài cơ chế giá FiT cho điện gió, điện mặt trời".

Theo cục này, mặc dù cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển điện mặt trời, phù hợp với thị trường mới như ở Việt Nam.

Tuy nhiên, chính sách giá FiT có một số hạn chế, như các dự án tập trung phát triển tại khu vực có tiềm năng bức xạ mặt trời tốt dẫn đến quá tải lưới điện tại một số khu vực, ảnh hưởng đến ổn định lưới điện, gia tăng cạnh tranh về đất đai.

Ngoài ra, cơ chế quyết định giá có hạn chế trong kiểm soát quy mô và kế hoạch phát triển nguồn và hệ thống. Mức giá mua bán điện mặt trời khó có thể phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi giá công nghệ của thị trường.


 

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, hiện nay, cơ chế giá FiT cho điện mặt trời đã bộc lộ một số hạn chế.
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, hiện nay, cơ chế giá FiT cho điện mặt trời đã bộc lộ một số hạn chế.


Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, chính sách và quy định về phát triển điện mặt trời cần được xem xét, nghiên cứu điều chỉnh hướng tới tiệm cận thị trường cạnh tranh. Đồng thời đảm bảo tăng cường hiệu quả quản lý, đầu tư và vận hành hệ thống ổn định, chất lượng.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đánh giá việc nghiên cứu, hoàn chỉnh cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá ngược giá điện là "cần thiết, phù hợp với xu hướng trên thế giới".

Tạm dừng giải quyết đấu nối, ký hợp đồng

Sau ngày 31.12.2020, Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam sẽ hết hiệu lực và đến nay chưa có Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn thực hiện tiếp theo của Bộ Công Thương, chính vì vậy, thời điểm này, nhiều nhà đầu tư điện mặt trời áp mái đang "ngóng" cơ chế giá mới để đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Theo lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, thời điểm này, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ cho cơ chế áp dụng thí điểm đối với các dự án điện mặt trời sau năm 2020. Hiện nay, giá thành các tấm quang điện mặt trời đã "hạ nhiệt", cho nên, sau ngày 31.12.2020, Bộ Công Thương sẽ đề xuất giảm giá mua điện mặt trời áp mái.

Trước đó, ông Bùi Quốc Hùng - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định: "Sẽ không có giá FiT cho điện mặt trời sau năm 2020".

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong thời gian chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, các tổng công ty điện lực, công ty điện lực thuộc EVN sẽ thực hiện chốt danh sách các hệ thống điện mặt trời áp mái (đã hoàn thành lắp đặt toàn phần hoặc một phần hệ thống) vào vận hành thương mại đến thời điểm 24h00 ngày 31.12.2020.

Đối với các hệ thống điện mặt trời áp mái vào vận hành một phần hệ thống đến thời điểm 24h00 ngày 31.12.2020, các công ty điện lực sẽ lập biên bản xác nhận với chủ đầu tư về quy mô công suất của phần hệ thống đã vào vận hành.

Các công ty điện lực sẽ dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống điện mặt trời áp mái phát triển sau ngày 31.12.2020 cho đến khi có hướng dẫn mới của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với các công trình điện mặt trời áp mái phát triển sau ngày 31.12.2020, các đơn vị điện lực sẽ không ghi nhận điện năng phát lên lưới và không mua điện khi chưa có Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ.

 

https://laodong.vn/kinh-te/co-che-gia-fit-cho-dien-mat-troi-da-boc-lo-han-che-868432.ldo

Theo Cường Ngô (LĐO)

Có thể bạn quan tâm