Thời sự - Bình luận

Có công khai mới minh bạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại phiên họp 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2023, dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhắc nhở Kiểm toán Nhà nước 'có vẻ ngày càng giảm nhiệt đi'.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhiều lần nhấn mạnh đến tầm quan trọng việc công khai, minh bạch các báo cáo kiểm toán, không chỉ để khẳng định sức mạnh của kiểm toán, mà còn để dư luận giám sát hoạt động kiểm toán.

Là người từng đảm nhận vị trí Tổng kiểm toán Nhà nước (KTNN), Chủ tịch Quốc hội hiểu rõ vai trò quan trọng của kiểm toán trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Thời kỳ đó, sự sôi nổi không chỉ ở số lượng các chuyên đề, tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước... được kiểm toán; tỷ lệ cao các kiến nghị kiểm toán được thực hiện, mà còn ở các cuộc họp báo công khai, nơi kiểm toán viên "toát mồ hôi" chuẩn bị cho việc truy vấn của báo chí.

"Bao giờ cho đến ngày xưa", câu cảm thán của Chủ tịch Quốc hội phần nào cho thấy sự giảm nhiệt vai trò của KTNN cũng như việc báo chí hay người dân hiện không có nhiều cơ hội tiếp cận, không thể giám sát các đơn vị được kiểm toán vi phạm, sai phạm đến đâu, khắc phục ra sao.

Đáng buồn là câu chuyện không công khai kịp thời báo cáo kiểm toán không hề mới. Thời điểm khi xây dựng luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nhắc nhở và đề nghị bổ sung thời hạn công khai. Lý do trước đó luật dù đã có quy định về công khai, nhưng lại không quy định rõ thời hạn, dẫn đến việc chậm công khai, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của kiểm toán.

Không chỉ vậy, tỷ lệ thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán những năm qua đạt ở mức thấp càng làm giảm vai trò vốn có của KTNN. Ủy ban Tư pháp cũng từng đặt vấn đề "vì sao số chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm lại ít"?

Mặt khác, nhiều báo cáo kiểm toán liên quan đến quản lý sử dụng ngân sách, tài sản công của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cũng không hoặc chậm được công bố. Thậm chí, nhiều báo cáo được gắn dấu mật nên càng không phải công khai. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần tránh lạm dụng "mật", có như vậy mới phát huy được vai trò giám sát hậu kiểm toán.

Đặc biệt, với đối tượng kiểm toán rất nhạy cảm (quản lý sử dụng tài sản công - PV), trong trường hợp báo cáo kiểm toán công bố không chi tiết, chung chung; hoặc chưa làm rõ sai phạm, không kiến nghị cụ thể việc xử lý; hoặc kiến nghị nhưng thiếu giám sát khiến tỷ lệ thực hiện kết luận kiểm toán thấp - đều dễ có nguy cơ bị lợi dụng, thậm chí có sự thỏa thuận với đối tượng kiểm toán.

Có công khai mới minh bạch. Để không bị giảm sút vai trò quan trọng như một thiết chế độc lập của Quốc hội, thì KTNN phải tự thay đổi, không chỉ xác định mục tiêu kiểm toán cụ thể, tập trung vào các vấn đề nóng, thời sự, mà phải công khai, minh bạch từ kế hoạch, hoạt động đến kết luận kiểm toán. Kiểm toán giám sát, kiểm tra đối tượng kiểm toán và người dân phải được quyền giám sát lại hoạt động kiểm toán.

Có thể bạn quan tâm