Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào thực thi đã giúp rau quả Việt Nam có lợi thế rất lớn tại thị trường châu Âu. Tuy nhiên, không có nghĩa ai cũng đằng thẳng bước chân vào. Để đến được “miền đất hứa”, các DN xuất khẩu rau quả phải nỗ lực vượt qua nhiều hàng rào khắt khe.
Chỉ dựa vào EVFTA là chưa đủ
Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu được lô trái cây sang EU bằng đường tàu biển và đường hàng không, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho hay, để xuất được hàng sang EU, các sản phẩm dừa tươi, thanh long và bưởi của Công ty đều đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn Global GAP.
Dù EVFTA mang lại nhiều thuận lợi nhưng rau quả Việt Nam muốn xuất khẩu phải đảm bảo VSATTP. Ảnh: IT |
Cùng với đó, các nhà máy chế biến, đóng gói trái cây áp dụng tiêu chuẩn như ISO, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP), phát triển các sản phẩm chế biến sâu đáp ứng quy định của thị trường EU. Sau lô hàng này, sắp tới, trung bình mỗi tuần, Công ty sẽ xuất khoảng 20 tấn trái cây các loại sang thị trường EU.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định: "Dù EVFTA có ưu đãi với những quy định SPS (các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm) linh hoạt, nhưng EU là thị trường rất khó tính với các quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm… rất khắt khe. Nếu vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị trả hàng, gây thiệt hại không chỉ đối với riêng doanh nghiệp, mà với cả ngành nông nghiệp Việt Nam. Do đó, việc sản xuất an toàn theo hướng GAP là yêu cầu bắt buộc".
Trước đó, Việt Nam đã liên tiếp đón nhận tin vui khi lần lượt các sản phẩm gạo, tôm, cà phê, chanh leo, trái cây được xuất sang châu Âu với thuế suất ưu đãi chưa từng có.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, dù mới đi vào thực thi EVFTA chưa đầy 2 tháng, song kim ngạch xuất khẩu nhiều loại nông sản sang EU đã tăng đột biến. Hiện, EU là thị trường xuất khẩu thứ 4 của rau, quả Việt Nam.
Với nền tảng sẵn có này, cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với trái cây các nước khác như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia… Đáng chú ý, chỉ tính riêng trong tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang EU đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước.
Lượng rau quả an toàn của Việt Nam còn quá ít
Hiệp định EVFTA đã mở rộng cơ hội cho các mặt hàng rau, quả Việt Nam vào thị trường EU. Tuy nhiên, thị trường khó tính này cũng đòi hỏi các DN phải vượt qua hàng rào kỹ thuật, quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc...
Đóng gói dừa trước khi xuất khẩu. Ảnh IT |
Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, rau, quả nào cũng có thể xuất sang EU nhưng quan trọng phải bảo đảm tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất thấp, thậm chí gần như không có. Nếu vi phạm, DN sẽ bị trả hàng, ảnh hưởng đến chính DN và cả ngành rau, quả Việt Nam.
Đối với các nhà nhập khẩu rau, quả tươi, việc truy xuất nguồn gốc là bắt buộc, do đó DN EU sẽ yêu cầu cung cấp bằng chứng về nguồn gốc cho tất cả các loại trái cây.
Đại diện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Jacques Poulain khuyến nghị, để tận dụng cơ hội, ngành nông nghiệp Việt Nam cần nỗ lực và nhanh chóng đạt được các tiêu chuẩn của châu Âu trong bối cảnh thuốc bảo vệ thực vật vẫn được dùng rất phổ biến tại Việt Nam. Nếu giải quyết được các vấn đề sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững, Việt Nam sẽ có tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu trái cây và nông sản vào EU thời gian tới.
Dám tem chuối trước khi xuất khẩu. Ảnh IT |
Ông Đặng Phúc Nguyên cũng thừa nhận: Hiện, khối lượng rau quả đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của Việt Nam còn thấp, nên không đủ hàng để doanh nghiệp cung ứng cho thị trường châu Âu. Hiệp định đã mở, thuế cũng đã giảm, nhưng có đủ nguyên liệu để xuất khẩu hay không lại là câu chuyện khác. Hiện tại, diện tích cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP chỉ khoảng 7,2%. Con số này khá khiêm tốn.
Trong khi đó, EU chỉ chấp nhận rau quả có chứng nhận GlobalGAP, nên lượng rau quả đủ tiêu chuẩn để xuất sang thị trường này càng ít hơn.
Do vậy, để phát triển bền vững, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và đưa nông sản Việt tới được với các thị trường "khó tính", đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt, người sản xuất bất kể ở quy mô lớn hay nhỏ đều phải tham gia vào chuỗi giá trị nông sản, trong đó, chất lượng và an toàn thực phẩm là yếu tố tiên quyết.
Theo DANH HÙNG (Dân Việt)