Vượt qua bệnh tật và vô vàn khó khăn khi dáng hình không được bình thường như bao thiếu nữ khác, cô sinh viên Phạm Thị Kim Anh ở Thừa Thiên - Huế vẫn không ngừng vươn lên.
Kim Anh vui tươi bên bạn bè. Ảnh: TGCC |
Kim Anh vừa đi qua được một nửa chặng đường trên ghế giảng đường đại học với kết quả 2 năm học xếp loại xuất sắc.
Đi qua giông bão tuổi thơ
Cô gái tí hon Phạm Thị Kim Anh có một tuổi thơ đau buồn. Em sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đúng tuổi, Kim Anh đến trường như bao bạn khác, chỉ có điều chiều cao của em vô cùng khiêm tốn, không phát triển bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa. Thương con, dù cơm không đủ ăn, bố mẹ Kim Anh vẫn vay mượn khắp nơi đưa con gái vào bệnh viện với mong muốn cải thiện phần nào chiều cao cho con. Bác sĩ chẩn đoán Kim Anh bị biến dạng thân đốt sống L.2. Nếu phẫu thuật thì rủi ro rất cao nên gia đình quyết định trở về. Vậy là khát vọng được cao hơn chút nữa của Kim Anh không thể thành hiện thực.
Ngoài học tập, cô gái tí hon đam mê các hoạt động xã hội. Ảnh: TGCC |
Lớn lên trong dáng hình bé nhỏ, vừa trải qua nỗi đau bệnh tật khi trái gió trở trời, vừa phải đối mặt với lời trêu chọc của bạn bè…, cô bé chỉ biết tủi thân và khóc thút thít. Có nhiều lần vì mặc cảm, em có ý định nghỉ học. Dần dà bạn bè thấu hiểu, mọi người không còn nhìn cô bé với ánh mắt tò mò. Thương cha mẹ, nghĩ về tương lai, Kim Anh quyết tâm đứng lên và dồn sức vào việc học.
Tỏa hương giữa đời
Kim Anh là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh chị em. Ở quê nghèo thuộc vùng rốn lũ Quảng Điền, đời sống chật vật, khó khăn. Bố Kim Anh bị bệnh xương khớp ở chân, nhưng ngày ngày phải đi phụ hồ để có tiền nuôi các con ăn học. Thương mẹ tảo tần sớm hôm, thương ba ốm đau vất vả, cô gái tí hon càng chăm chỉ và khát vọng được học hành đến nơi đến chốn để có công việc ổn định, vừa đóng góp cho xã hội không ngừng thôi thúc.
12 năm phổ thông dù gặp không ít khó khăn, song cô nữ sinh ấy vẫn rất giàu nghị lực, học đều các môn, quyết không thua kém bạn bè. Thầy Nguyễn Văn Tân, giáo viên dạy môn Ngữ văn, rất xúc động khi nói về cô học trò của mình: “Nghị lực vượt lên nghịch cảnh, niềm lạc quan, tình yêu cuộc sống của Kim Anh đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong bạn bè, thầy cô và mọi người ở vùng quê còn lắm khó khăn”. Năm 2019, tốt nghiệp lớp 12 trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Kim Anh đăng ký thi và trúng tuyển ngành công tác xã hội trường Đại học Khoa học Huế.
Hai năm học đại học, Kim Anh được BCH Hội sinh viên trường Đại học Khoa học Huế tặng bằng khen về thành tích hoạt động. Ảnh: TGCC |
Nhà cách trường gần 40 cây số, với cô gái 18 tuổi nhưng chỉ cao 1,1m thì việc đi lại, sinh hoạt trong cuộc sống xa nhà quả gặp không ít khó khăn. Chọn căn phòng trọ cùng bạn trên đường Nguyễn Huệ gần trường, cô gái tí hon dần dần làm quen với môi trường mới. Sau 2 năm trên giảng đường đại học, Kim Anh chững chạc hơn nhiều. Em kể: “Những ngày đầu mới đến giảng đường, mọi người nhìn em với ánh mắt vừa tò mò, vừa ái ngại. Qua thời gian, bạn bè, thầy cô thương yêu và quan tâm giúp đỡ em nhiều. Đó là động lực để em càng tự tin theo đuổi giấc mơ của mình”.
Ở trọ tại Huế, cuối tuần Kim Anh lại về thăm nhà và để cơm đùm gạo bới cho tuần tới. Vùng quê thấp trũng, mưa lũ thường xuyên, người bình thường đi lại đã khó, huống hồ cô gái thấp bé phảinhấc từng bước chân nhức buốt khi trái gió trở trời như Kim Anh. Khổ nhất là những lúc có môn học trên tầng 5. Cô gái tí hon kể: “ Đến được tầng 3 em không thể bước được nữa. Vậy là phải nhờ bạn nắm tay từng bước, người thì mang hộ chiếc cặp, túi xách…”. Trở ngại, vất vả là vậy, cô sinh viên ấy không hề bỏ cuộc. Kim Anh có mặt đều đặn từng tiết học, rồi tìm đến thư viện đọc sách, làm việc nhóm, nghiên cứu khoa học… Hai năm học qua, em đạt 3,93 theo hệ 4,0 điểm, xếp loại xuất sắc, được trường Đại học Khoa học Huế tặng giấy khen.
Khuyết tật đôi chân, hạn chế về chiều cao, song thế giới tâm hồn của cô sinh viên tí hon thì đầy tràn tình yêu thương với sức trẻ tràn trề nhiệt huyết, niềm lạc quan luôn tỏa rạng. Sắp xếp thời gian hợp lý, Kim Anh tham gia nhiệt tình Câu lạc bộ vì cộng đồng trường Đại học Khoa học Huế và Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật huyện Quảng Điền với vai trò phó chủ nhiệm câu lạc bộ. Là thành viên tích cực, Kim Anh đã cùng với các hội viên trong Câu lạc bộ vì cộng đồng tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, tham gia làm việc thiện nhằm lan tỏa yêu thương, lẽ sống đẹp đến cộng đồng. Nói về mục đích, ý nghĩa của câu lạc bộ, Kim Anh hào hứng: “Em muốn tạo ra môi trường nhằm giúp chị em khuyết tật vượt qua rào cản tự ti của bản thân, tham gia giao lưu học hỏi kinh nghiệm, từ đó biết vươn lên trong cuộc sống”.
Kể về các hoạt động xã hội, đôi mắt cô gái ấy ánh lên niềm vui. Mùa bão lũ năm trước, Kim Anh cùng chị em phụ nữ thôn, xã nấu cơm cho vùng rốn lũ; đại dịch Covid-19 năm nay, cô lại kết nối những tấm lòng yêu thương gửi đến bà con ở Sài Gòn ở những khu cách ly quả bầu, quả bí, bữa ăn tự chế biến…
Theo dõi bước đi của Kim Anh, tôi thật sự khâm phục ý chí, nghị lực phi thường của em. Tôi thầm chúc cho ước mơ đẹp của cô gái tí hon sớm trở thành hiện thực: “Ra trường, có điều kiện, em sẽ mở một trung tâm tại địa phương để dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật hoặc dạy chữ miễn phí cho các em nghèo”.
Theo Trần Văn Toản (TNO)