Tận dụng mạng xã hội để bán hoa lan
Là một người yêu hoa lan và thích làm nông nghiệp, chị Thạch Thị Kim Hoa (32 tuổi), ngụ xã Minh Thạnh, H.Dầu Tiếng, Bình Dương, bắt đầu tìm hiểu về loài hoa này và bén duyên với nghiệp làm vườn từ năm 2012. Để biết cách trồng lan và chăm sóc hoa lan, chị Hoa tìm đến học hỏi kinh nghiệm từ những vườn lan lớn trong và ngoài tỉnh Bình Dương, tài liệu, sách báo, mạng xã hội và các cán bộ khuyến nông, Hội Nông dân địa phương. Năm 2016, chị quyết định trồng vườn lan quy mô 4.000 m2, vốn đầu tư trên 2 tỉ đồng từ tiền bản thân tiết kiệm và sự hỗ trợ của gia đình.
Chị Kim Hoa có niềm đam mê bất tận với hoa lan. Ảnh NVCC |
Đều đặn mỗi ngày, chị Hoa đi từng luống, theo dõi sự phát triển của hoa, kiểm tra hoa gặp vấn đề gì hay bị sâu bệnh để xử lý kịp thời. Tùy vào thời tiết, giai đoạn phát triển của hoa lan, chị điều tiết lượng nước, phân bón sao cho phù hợp. Trong quá trình chăm sóc, chị rút ra nhiều kinh nghiệm để cây cho ra hoa nhiều, đạt chuẩn phục vụ khách hàng. Hoa lan có thể ra hoa quanh năm nếu biết cách chăm sóc tốt.
"Để có một chậu đẹp và tốt, tôi phải dày công trồng từ 2 - 3 năm, thậm chí 4 - 5 năm. Những chậu lan càng lâu năm, phát triển mạnh, cho hoa đẹp thì giá càng cao", chị Hoa chia sẻ.
Chị Hoa cho biết việc chăm bón cây, tạo sản phẩm hoa lan đẹp đã khó, vấn đề có đầu ra ổn định, nâng tầm giá trị sản phẩm càng khó hơn. Những ngày đầu mở bán hoa, chưa có nhiều khách hàng biết đến vườn hoa, chị gặp nhiều thách thức trong việc tìm đầu ra. Thay vì chỉ biết trông chờ thương lái, khách hàng tìm đến vườn, chị tự lập fanpage rồi livestream bán lan mỗi ngày để quảng bá sản phẩm đến nhiều người hơn.
"Lúc ban đầu livestream chỉ có vài lượt xem vì fanpage không có nhiều người theo dõi. Tôi cũng gặp vài rắc rối khi giao hàng vì khi vận chuyển hoa đến cho khách thì héo, gãy. Sau nhiều lần như thế, tôi rút ra nhiều kinh nghiệm, biết cách đóng thùng giao hàng đi khắp cả nước, hoa đến tay khách vẫn tươi, đẹp", chị Hoa nói.
Lúc đầu chị Hoa đảm trách mọi công đoạn bán hàng, nhưng lượng khách mỗi ngày một đông, chị phải thuê thêm nhân viên phụ giúp. Đều đặn mỗi ngày, chị cùng nhân viên livestream bán hàng ngay trong vườn để khách có thể nhìn rõ từng giỏ lan trước khi quyết định đặt hàng. Từ ngày bán hàng trực tuyến, thu nhập của chị cũng khá hơn hẳn so với bán theo cách truyền thống.
Tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương
Khách hàng tìm đến chị Kim Hoa ở khắp tỉnh thành trên cả nước. Có người mua về trồng nhưng có khách mua làm quà tặng cho người thân, bạn bè. Không chỉ bán lan vườn nhà, chị còn kết nối nguồn hàng từ các nhà vườn khác để đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Hiện nay, vườn lan có nhiều giống lan phong phú, năng suất cao, như: dendro, mokara, dazang, pensoda… Mỗi tháng, chị Hoa bán khoảng 500 chậu lan các loại, đem lại thu nhập ổn định...
Vườn lan rộng lớn của chị Hoa đang tạo công ăn việc làm cho 10 lao động chính thức và hàng chục lao động thời vụ. Ngoài việc sản xuất, chị còn tích cực tham gia trưng bày tại các sự kiện của địa phương, ở các tỉnh thành với hàng trăm tác phẩm. Chị đã giành được nhiều giải thưởng trong các hội thi hoa lan. Chị cũng thường xuyên chia sẻ cách trồng hoa cho những người có cùng đam mê. Vườn lan của chị đã được Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển, Hội Khoa học phát triển nông thôn VN, Văn phòng điều phối nông thôn mới tại Hà Nội công nhận là vườn hoa tiêu biểu toàn quốc.
Trồng cây xương rồng thu lãi hơn 500 triệu đồng/năm
Gen Z thời hiện đại, không ngại từ chối
Cô gái với nhiều mô hình trong công tác xã hội
Năm 2023, chị Hoa được UBND tỉnh Bình Dương trao tặng danh hiệu "Nghệ nhân tỉnh Bình Dương" với nghề trồng và chế tác sản phẩm hoa lan. Và cũng trong năm này, chị nhận được bằng khen của Tỉnh đoàn Bình Dương về gương thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi có mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, chị Hoa cho biết hiện tại chị đang có kế hoạch mở rộng diện tích vườn lan khoảng 3 ha để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. "Ấp ủ như thế thôi chứ chưa biết thực hiện được hay không vì thiếu nguồn vốn. Tôi mong nhận được sự hỗ trợ hoặc cho vay vốn từ các cơ quan nhà nước để có thể tăng diện tích vườn hoa, đa dạng sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách hàng", chị bày tỏ.
Ông Lê Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Dương, cho biết: "Mô hình trồng, tạo tác phẩm, bán hoa lan trực tuyến của chị Kim Hoa là mô hình mới ở Bình Dương. Điểm khác biệt của vườn chị Hoa so với những vườn khác trên địa bàn là tạo ra các chậu lan lớn, đẹp để bán được giá trị cao. Tôi đánh giá rất cao cách làm hiệu quả của chị. Tôi nghĩ rằng mô hình cần nhân rộng ra trong và ngoài tỉnh để nhiều người biết đến và thực hiện theo. Mô hình của chị Hoa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho chị mà còn tạo công ăn việc làm cho người lao động ở địa phương".