Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Có gì như là nỗi nhớ…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- (Đọc tập thơ “Một ngày khác ta” của Đào An Duyên, NXB Hội Nhà văn 2018)

Khoảng vài năm trở lại đây, cái tên Đào An Duyên đã trở nên khá quen thuộc với những người yêu thơ trong và ngoài tỉnh. Sau tập thơ đầu tay “Ngày đã qua” xuất bản năm 2016, chị vừa tiếp tục trình làng đứa con tinh thần thứ 2 của mình với tên gọi “Một ngày khác ta”. Tập thơ là những gom nhặt cảm xúc giữa biến thiên thời cuộc. Hiện thực cuộc sống và cả những chiêm nghiệm về tình yêu, về nhân sinh trên hành trình du ký ấy đã tạo nên một hồn thơ trữ tình, rất truyền thống nhưng cũng không kém phần mới mẻ, hiện đại.

 

 

Đào An Duyên viết bằng sự mộc mạc và chân chất, không đánh đố bằng những ngôn từ hàn lâm mà nhẹ nhàng trong những câu từ gần gũi và đậm đầy thi tính. Một Pleiku đan xen trong nhộn nhịp bỗng “rất thơ” dưới ngòi bút của chị bằng vẻ đẹp riêng không trộn lẫn: “Dốc lên rồi dốc xuống/Đổ vào chiều Pleiku/Người đi xa có nhớ/Bốn mùa sương giăng mù…” (Chiều Pleiku). Thành phố với những dốc liền dốc như “mềm” hơn và đầy huyễn hoặc, cái huyễn hoặc đầy hiện thực nhưng cũng đầy thơ. Chị viết về Phố núi bằng những nốt rung ngân của tâm hồn. Pleiku trong thơ Đào An Duyên vừa lạ, vừa quen vừa như một người bạn để chia sớt buồn vui, bởi hơn hết thảy, phố đã như một phần trong cuộc đời chị. Giữa bộn bề cuộc sống, Đào An Duyên vẫn day dứt về một miền gió của nhớ thương, của chọn lựa, của bâng khuâng lần lữa, của ngập ngừng hối tiếc: “Mùa gió về. Mình còn nợ nhau không/Cỏ ngũ sắc ngời lên dưới chân em lời hứa/Nơi cánh cửa còn bỏ ngỏ/Gió vô tâm xóa nốt dấu chân mình…” (Viết cho mùa gió).

“Một ngày khác ta” là những phác họa chân dung và các cung bậc cảm xúc của những người phụ nữ trong tình yêu. Những nét phác họa ấy đôi khi là một phút giây để lòng mình lắng lại, để nghe được nỗi chơi vơi trong cuộc kiếm tìm hạnh phúc: “Cộng mình vào khuya khoắt/Thấy thừa ra thật nhiều/Bàn tay dư dôi thật/Mãi quờ vào quạnh hiu…” (Cộng). Ở đây, người phụ nữ đang đối diện với khát khao, với tâm hồn để tự vấn, để chiêm nghiệm, để nén tiếng thở dài sâu hun hút qua kẽ hở bàn tay. Và, tác giả quả thật đã rất tinh tế và sâu sắc khi so sánh: “Có những ngày mình như đi mượn/Lòng như buồn cả hộ ai/Vay một ngày cả đời không hết nợ/Một hơi men chưa cạn đã say” (Vá mình vào chiều). Phải chăng vì thế mà tình yêu trong thơ chị là một vũ khúc mà những biến tấu vui/buồn/thương/nhớ trở thành một chủ thể để tự vận động “Em như con bồ câu gù thật nhẹ sợ cả lá rơi/Để vừa vặn tiếng mưa anh/Nhưng sao tiếng gù em đau/Trong tiếng mưa buốt xót...” (Vừa vặn em).

Với “Một ngày khác ta”, Đào An Duyên đã khai phóng được bút lực của mình bằng sự soi chiếu dưới nhiều góc độ, qua đó thể hiện được cái “tôi” đầy khát khao hạnh phúc, khẳng định được cái “tôi” riêng biệt, độc đáo. 39 bài thơ lần này chị vẽ lại mình bằng những dư vọng. Từ những ký ức về cha, mẹ đến tình yêu hay những suy tư cuộc sống đều được tác giả nhìn bằng trái tim đa cảm đan cài trong cảm xúc với giọng thơ cũ nhưng ngôn từ hiện đại mà gần gụi. Ngôn ngữ trong tập thơ mới của chị đã có được sự chủ động để tịnh tiến trước mọi cung bậc cảm xúc. Đọc “Một ngày khác ta”, độc giả sẽ được cảm thơ bằng tất cả các giác quan của mình để được gặp gỡ, được thăng hoa trong thế giới chữ. Chạm vào thơ, chạm vào phác họa cuộc đời để nghe lòng mình dậy lên những xúc cảm lạ, không thể gọi tên cũng chẳng thể định hình, bởi nó vừa xa lại vừa gần, lại có chút gì như là nỗi nhớ thẳm sâu…

Hạ Quyên

Có thể bạn quan tâm