(GLO)- Ngày 14-9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thành lập theo Quyết định 965/QĐ-TTg ngày 10-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là Chủ tịch Hội đồng.
Cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Nhấn mạnh tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng, xây dựng quy hoạch đã khó, nhưng thẩm định còn khó hơn, quan trọng hơn. Quá trình thẩm định phải giữ vững đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, quyết định theo đa số với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Cái khó theo Thủ tướng còn vì ”Đây là lần đầu tiên thực hiện quy hoạch cấp quốc gia”.
Quy hoạch nhằm cụ thể hóa đường lối đại hội Đảng lần thứ XIII, Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ( bổ sung, phát triển năm 2011), các nghị quyết chuyên ngành của Trung ương, kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân”.
Quy hoạch vì vậy phải chỉ ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, từ đó có giải pháp phát huy tối đa nguồn lực. Trong đó nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Coi trọng tính khả thi của quy hoạch, xem xét đầy đủ hành lang phát triển, vùng động lực, cực tăng trưởng.
Tập trung phân bổ và tổ chức không gian các lĩnh vực
Quy hoạch hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tập trung vào việc phân bổ và tổ chức không gian hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, và bảo vệ môi trường tầm quốc gia, quốc tế và có tính liên kết vùng trên phạm vi cả nước.
Đây là cơ hội để đánh giá lại hiện trạng một cách thực chất, tổng thể, qua đó đề xuất định hướng bố trí, sắp xếp lại không gian, cơ hội, động lực phát triển mới để đạt mục tiêu, khát vọng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Vì tầm quan trọng đặc biệt, vì có tính chất tích hợp, tổng hợp, nên quy hoạch đòi hỏi phối hợp liên ngành, liên cấp, sự tham gia vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Quá trình triển khai lập quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với 16 bộ, ngành xây dựng báo cáo định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia và đã được Thường trực Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ thảo luận, cho ý kiến nhiều lần. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau đó phối hợp xây dựng 41 hợp phần quy hoạch và nghiên cứu, tích hợp xây dựng báo cáo quy hoạch tổng thể quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế, trong đó có quy hoạch của một số quốc gia châu Á, khu vực có nhiều điều kiện tương đồng và mức độ phát triển cao hơn để tìm hiểu kinh nghiệm. Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đã cử chuyên gia hỗ trợ nghiên cứu, góp ý cho các nội dung lớn của Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia. Bộ cũng đã phối hợp tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo để hoàn thiện quy hoạch, gửi xin ý kiến các bộ, ngành, Văn phòng Trung ương và tranh thủ ý kiến rộng rãi trong Nhân dân.
THẤT SƠN (từ TTXVN, VOV, SGGP)