Không quá nặng về lý thuyết mà chú trọng về thực hành chuyên ngành, những buổi tập huấn đã giúp các giảng viên sư phạm của tỉnh tiếp cận với kiến thức mới một cách trực quan, sinh động; qua đó, từng bước nâng cao năng lực của bản thân ở lĩnh vực giáo dục mầm non.
Chương trình tập huấn chú trọng vào kỹ năng thực hành chuyên ngành giúp các giảng viên sư phạm của tỉnh tiếp cận với nội dung nhanh chóng, hiệu quả. Ảnh: M.T |
Nghệ thuật, cụ thể là mỹ thuật là một hoạt động giáo dục không thể thiếu đối với trẻ mầm non. Tuy nhiên, tìm kiếm sự “chữa lành” cho trẻ thông qua nghệ thuật là vấn đề khá mới mẻ với đội ngũ giảng viên, giáo viên của tỉnh. Bằng kinh nghiệm của mình, giáo sư Kim Ga Hyun (Khoa Giáo dục mầm non, Trường Đại học Jeonju Kijeon) đã giới thiệu khái quát về khái niệm, lịch sử của trị liệu bằng nghệ thuật; ưu điểm và sự cần thiết của liệu pháp nghệ thuật để “chữa lành” những tổn thương cho trẻ… Theo Giáo sư Kim, trẻ em thường gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc của mình bằng ngôn ngữ, song có thể bộc lộ một cách cởi mở thông qua tranh vẽ. Giáo viên có thể nhìn vào đó để hiểu được suy nghĩ của trẻ và kịp thời can thiệp, cải thiện các hành vi có vấn đề.
Ngoài phương pháp “chữa lành” cho trẻ bằng nghệ thuật, cán bộ, giảng viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai còn được tiếp nhận kiến thức và thực hành các kỹ năng liên quan đến việc phòng ngừa và xử lý tình huống nguy hiểm thông thường cho trẻ. Hoạt động này do Giáo sư Lee Jeong Ho (Khoa Cứu hộ khẩn cấp, Trường Đại học Jeonju Kijeon) cùng các sinh viên đang theo học chuyên ngành này truyền đạt.
Cô Nguyễn Thị Hòa Hiệp-Tổ trưởng bộ môn Phương pháp dạy học mầm non (Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai) chia sẻ: “Qua tập huấn, chúng tôi được nâng cao sự hiểu biết và năng lực chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục mầm non về trị liệu bằng nghệ thuật, sơ-cấp cứu và xử lý tình huống khẩn cấp như: trẻ bị tai nạn đuối nước, hóc dị vật, bỏng, đứt tay, tụt huyết áp… Tôi khá ấn tượng với cách tập huấn đi thẳng vào thực hành của giảng viên nước bạn về các kỹ năng này”.
Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng, dịp này, Trường Đại học Jeonju Kijeon cũng hỗ trợ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy giáo dục mầm non cho đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.
Giáo sư Lee Kyung Ah-giảng viên chuyên ngành Máy tính và Ứng dụng công nghệ số-cho hay: “Nội dung bồi dưỡng của tôi tập trung vào các chương trình giáo dục hữu ích từ Google và cách tạo công việc, tài liệu bằng Chat GPT. Ở Hàn Quốc, việc ứng dụng những chương trình này trong dạy và học đã được triển khai từ lâu và giáo viên ở nước chúng tôi hầu như đều có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, tôi mong muốn chia sẻ, hướng dẫn lại cho giảng viên sư phạm ở Gia Lai những kỹ năng này”.
Theo giáo sư Lee, khi ứng dụng thành thạo, giáo viên sẽ dễ dàng dạy cho trẻ vì có công cụ hỗ trợ. Tiết học cũng trở nên sinh động, cuốn hút hơn; đồng thời, trẻ sẽ được tiếp cận với nhiều kiến thức mới trên nền tri thức công nghệ. Thêm vào đó, những chương trình này còn giúp giáo viên quản lý và nắm bắt được năng lực học sinh, bởi chúng ta có thể cho trẻ thi ngay trên ứng dụng và cho ra kết quả sau khi kết thúc bài làm.
Giáo sư Lee Kyung Ah (Trường Đại học Jeonju Kijeon) hướng dẫn cho giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai thực hành sử dụng một số chương trình liên quan trí tuệ nhân tạo trong giáo dục mầm non. Ảnh: M.T |
Vừa cùng đồng nghiệp hoàn thành bài thực hành với các chương trình thú vị của Google như: “Quick, Draw”, “Auto Draw”, “Oceans of AI”, “Chrome Music Lap”… cô Nguyễn Thanh Hương-giảng viên chuyên ngành Công nghệ thông tin (Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai) bày tỏ: Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, sự đổi mới là liên tục. Tôi cũng đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và tiếp cận với kiến thức mới để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Trong phần truyền đạt của giáo sư Lee Kyung Ah có khá nhiều nội dung hay mà bản thân chưa kịp nắm bắt. Đặc biệt, tôi khá ấn tượng với phương pháp truyền đạt của giảng viên nước bạn khi đi thẳng vào thực tiễn, chú trọng kỹ năng thực hành thay vì nói nhiều về lý thuyết. Đây là cơ sở để chúng tôi dễ dàng nắm bắt nội dung và truyền đạt lại dễ dàng cho sinh viên sau này.
Hoạt động tập huấn này nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua nâng cao năng lực Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai” đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1079/QĐ-UBND ngày 8-12-2023. Dự án được thực hiện dựa trên sự hợp tác giữa Trường Đại học Jeonju Kijeon và Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, với nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Văn phòng cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam.
Trao đổi với P.V, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà-Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai-cho biết: Chúng tôi đang triển khai các nội dung theo cam kết của dự án; tiếp nhận viện trợ và cử giảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực. Dự án cũng đang hỗ trợ cải thiện 3 phòng học, thực hành và cung cấp 20 bộ máy vi tính cùng các trang-thiết bị cho trường. Sau khi cán bộ, giảng viên hoàn thành khóa tập huấn và được cấp chứng chỉ, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch tập huấn đại trà, cải thiện môi trường thực hành; đồng thời, phối hợp để bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 40 giáo viên mầm non, sinh viên đang học liên thông lên đại học tại trường.
“Dự án rất nhân văn và có ý nghĩa quan trọng đối với nhà trường. Đặc biệt, việc tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên sẽ là nền tảng để sau này, khi chuyển đổi thành Phân hiệu của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai, đơn vị có thể tiếp tục làm tốt nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non cho địa phương và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, nhà trường cũng dự định mở trung tâm ngoại ngữ-tin học, giáo dục kỹ năng sống và đề xuất bên dự án được sử dụng cơ sở vật chất, vận dụng kiến thức được tập huấn để tham gia nâng cao chất lượng giáo dục mầm non thông qua các trung tâm này”-cô Hà thông tin thêm.