Kinh tế

Giá cả thị trường

Cơ hội phát triển thương hiệu mật ong Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mật ong Gia Lai vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) bình chọn là một trong 10 đặc sản quà tặng du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam năm 2017. Đây là cơ hội để quảng bá thương hiệu mật ong Gia Lai, đặc sản có giá trị kinh tế cao và thúc đẩy ngành nuôi ong Gia Lai phát triển.

Gần 40 thăng trầm với nghề nuôi ong nên khi nghe tin mật ong Gia Lai được bình chọn vào Top 10 đặc sản quà tặng du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam năm 2017, ông Hoàng Văn Lợi-chủ cơ sở nuôi ong Văn Lợi (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) không khỏi xúc động. “Những ngày đầu nuôi ong khá vất vả, để tìm được giống ong phù hợp, nhiều lần tôi phải lên tận Bảo Lộc (Lâm Đồng) lấy giống ong Ý về nuôi. May mắn và với kinh nghiệm trong nghề, đàn ong của gia đình phát triển tốt, lượng mật thu về bình quân mỗi năm khoảng 10 tấn, phần lớn là để xuất khẩu. Bây giờ, mật ong Gia Lai được bình chọn vào Top 10 đặc sản quà tặng du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam thì việc xuất khẩu càng dễ dàng hơn”-ông Lợi phấn khởi nói.

 

Mật ong Gia Lai được nhiều người tiêu dùng biết đến.   Ảnh: K.N.B
Mật ong Gia Lai được nhiều người tiêu dùng biết đến. Ảnh: K.N.B

Cũng vui mừng không kém, ông Nguyễn Văn Minh-chủ cơ sở nuôi ong Văn Minh (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) chia sẻ: “Mật ong là đặc sản của vùng đất Tây Nguyên. Đặc biệt với Gia Lai, mật ong còn là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, là nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Chính vì thế, tôi rất tự hào vì mật ong Gia Lai được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn, chứng tỏ đây là thương hiệu uy tín-chất lượng được du khách tin dùng. Thực tế, lượng khách của cơ sở chủ yếu là khách du lịch ngoài Bắc mua về làm quà. Họ thấy tốt lại giới thiệu cho bạn bè, người thân đến mua, nhiều người khi dùng hết lại gọi điện đặt hàng cho chúng tôi đóng gói gửi ra”.

Theo ông Hoàng Văn Lợi, nghề nuôi ong đang phát triển khá nhanh, trên địa bàn tỉnh có đến mấy ngàn hộ nuôi ong.  Không chỉ tăng đàn nhanh mà thị trường tiêu thụ mật ong cũng được mở rộng, phần lớn sản lượng mật ong Gia Lai xuất khẩu đi các nước châu Âu. Đây cũng là mặt hàng được thị trường nội địa ưa chuộng, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc. Để có nguồn cung, các trại ong đều được doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, giá cả vẫn là điều lo lắng đối với người nuôi ong. Giá mật bán lẻ trên thị trường nội địa đang dao động 80.000-120.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá mật ong xuất khẩu lại xuống thấp hơn một nửa so với các năm trước.

Tiềm năng từ nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn tỉnh khá lớn, mỗi năm Gia Lai có thể cung cấp ra thị trường một lượng mật ong lên đến  cả chục ngàn tấn. Tuy nhiên, quy mô các cơ sở nuôi ong hầu hết là nhỏ lẻ, phát triển manh mún, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu, đầu tư nâng cao chất lượng ít được quan tâm. “Các sản phẩm cà phê, hồ tiêu của Gia Lai được xây dựng thương hiệu rất tốt và khá nổi tiếng không chỉ trong nước. Vì vậy, tôi hy vọng, trong tương lai khi nhắc đến Gia Lai, ngoài hồ tiêu, cà phê, người ta còn nghĩ ngay đến mật ong. Mong các cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện cùng người nuôi ong xây dựng và phát triển thương hiệu mật ong Gia Lai”-ông Lợi kiến nghị.

Với những lợi thế có sẵn như địa hình đồi núi rộng lớn; lượng mật từ hoa cà phê, cao su, dã quỳ… phong phú, đặc biệt là mặt hàng có tiềm năng lớn về xuất khẩu, lại được du khách ưa chuộng, vì thế, cần nhanh chóng bắt tay khôi phục, phát triển và nâng cao chất lượng mật ong Gia Lai là việc cần làm hiện nay.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm