Với việc tiếp tục ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các nước trong khu vực tham gia ký kết như Việt Nam sẽ thuận lợi trong vận chuyển. RCEP kỳ vọng tăng giá trị xuất khẩu cho nông nghiệp Việt Nam, nhất là rau quả, trái cây tươi, nhờ giảm chi phí bảo quản, logistics.
Trái cây tươi được kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc trước khi xuất khẩu |
Phát triển các chuỗi cung ứng mới
Theo Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, năm 2020, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định kinh tế quan trọng, đáng chú ý nhất là Hiệp định RCEP ký kết tháng 11-2020, được đánh giá là lớn nhất thế giới, với quy mô khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu (khoảng 26.000 tỷ USD).
“RCEP kỳ vọng đưa ngành nông nghiệp Việt Nam bước sang một giai đoạn mới với việc tạo ra một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới, với sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, gia tăng triển vọng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Với RCEP, sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp cận thị trường mới và phục hồi sản xuất tốt hơn, mở ra cơ hội xuất khẩu”, ông Lê Minh Duy, Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, nhận định và cho biết, RCEP cũng tiêu chuẩn hóa các quy tắc liên quan đến việc cạnh tranh thương mại, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.
RCEP gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia là Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, phân tích, RCEP còn lớn hơn khối thương mại giữa Hoa Kỳ, Mexico và Canada, cũng như lớn hơn cả Liên minh châu Âu. Bởi, GDP của các nước thành viên RCEP vượt qua GDP các nước thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), do có Trung Quốc.
Theo quá trình phát triển kinh tế, các thành viên RCEP dự đoán sẽ đạt hơn 100.000 tỷ USD trước năm 2050. RCEP sẽ tạo cơ hội phát triển các chuỗi cung ứng mới, xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng. Đơn cử, thị trường Trung Quốc vốn chỉ cho phép 10 mặt hàng rau quả tươi xuất khẩu chính ngạch. Nay nhờ RCEP có thể được mở rộng các mặt hàng khác như sầu riêng, chanh dây, bơ, bưởi, vú sữa…
Tương tự, các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, New Zealand..., thuận lợi cho việc mở thêm nhiều sản phẩm mới. Những nước tham gia vào hiệp định này hầu hết đều có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng thuộc thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản; tiêu chuẩn nhập khẩu, thị hiếu tiêu dùng giữa các nước cũng khá tương đồng; khoảng cách địa lý của các nước nội khối không quá xa nên chi phí logistics thấp hơn, vận chuyển hàng dễ dàng hơn so với các thị trường khác như Mỹ, châu Âu…
Xu hướng chọn nông sản nhiệt đới
Theo Bộ NN-PTNT, mỗi năm, trung bình Hàn Quốc nhập khoảng 35 tỷ USD hàng nông lâm thủy sản, nhưng sản phẩm Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số đó. Đơn cử, giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc năm 2019 đạt 131 triệu USD, mới chiếm 3,5% thị phần, dù đã tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tương tự, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu nông sản lớn thứ 4 thế giới, nhưng sản phẩm Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Nếu đáp ứng tốt về thị hiếu và chất lượng, thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhất là sản phẩm chế biến.
Tương tự, nhiều nước tham gia RCEP cũng không ngừng gia tăng nhập trái cây tươi nhiệt đới. Thương mại rau quả, trái cây có xu hướng tăng trưởng khá tốt các năm qua, nhất là trái cây nhiệt đới chiếm tỷ trọng lớn. Đây là cơ hội lớn cho ngành trái cây Việt Nam, vốn có đa dạng trái cây nhiệt đới. Điều này đặt ra thách thức đối với xuất khẩu trái cây Việt Nam, khi năng lực bảo quản và sơ chế trái cây của ta còn tương đối thấp.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, các sản phẩm tươi sống được bán qua nền tảng trực tuyến ngày tăng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không nắm các thủ tục, quy định về chất lượng, bao bì, nhãn mác… dẫn đến vi phạm khiến hàng bị trả lại, đội thêm nhiều chi phí. Ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ, nhiều doanh nghiệp chưa thuần thục trong triển khai thương mại điện tử, dựa trên một số công nghệ như chuyển tiền điện tử, quản lý chuỗi cung ứng, tiếp thị internet, quá trình giao dịch trực tuyến, trao đổi dữ liệu điện tử, các hệ thống quản lý hàng tồn kho và các hệ thống tự động thu thập dữ liệu. Bên cạnh đó, diện tích sản xuất VietGAP, GlobalGAP còn khiêm tốn, chỉ chiếm 10-15%, gây khó khăn trong việc huy động số lượng lớn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T, chia sẻ, các hiệp định thương mại giúp ngành nông sản sản xuất hàng an toàn theo các tiêu chuẩn quốc tế. Những doanh nghiệp có nền tảng phát triển tốt, sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường có cơ hội cạnh tranh tốt hơn. Mặt khác, ở thị trường nội địa, doanh nghiệp trong nước cũng phải tăng chất lượng để cạnh tranh nông sản nhập khẩu. Do đó, Nhà nước cần tạo nhiều cầu nối giữa nông dân - doanh nghiệp, giúp nông dân và doanh nghiệp tiếp cận đúng hướng, lấy thị trường là mục tiêu, lấy tiêu chuẩn thị trường làm thước đo chất lượng.
Đồng thời, Nhà nước cần xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng nông sản phù hợp với thị trường phát triển như Mỹ; từ đó kiểm soát quản lý chất lượng và thương hiệu, gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản Việt Nam. Công tác thị trường và xúc tiến thương mại cần được tăng cường, đa dạng hóa chủ thể tham gia có sự kết hợp giữa Nhà nước, hiệp hội ngành hàng và các địa phương để tạo môi trường cho mọi người học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.
Theo THANH HẢI (SGGPO)