Cầu nối tiếp cận thị trường nước ngoài
Sau 2 năm bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, từ cuối năm 2022, Sở Công thương Gia Lai đã khởi động lại hoạt động XTTM phát triển ngoại thương, tạo cầu nối giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường nước ngoài để xuất khẩu hàng hóa.
Tháng 11-2022, Sở Công thương tổ chức cho 7 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất kinh doanh tham gia Hội chợ triển lãm “Chào mừng năm đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Lào 2022” tại thủ đô Vientiane. Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào. Đây là dịp để các doanh nghiệp Gia Lai có thêm cơ hội hợp tác, mở rộng giao thương với đối tác tại Lào cũng như từ một số quốc gia khác trong khu vực.
Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và XTTM (Sở Công thương Gia Lai) cho biết: Thông qua hội chợ tại Lào, các đơn vị của tỉnh được quảng bá, giới thiệu sản phẩm; có cơ hội kết nối, giao lưu với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu, cà phê, mật ong, hạt điều, chanh dây, bò khô, rượu đinh lăng; nghiên cứu, tìm hiểu thị trường để có định hướng xuất khẩu trong thời gian tới.
Sau thành công từ chuyến đi Lào, đầu tháng 4-2023, Trung tâm phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Singapore tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại nước này.
Tham gia chương trình có 8 doanh nghiệp, HTX gồm: Công ty TNHH Phát triển khoa học quốc tế Trường Sinh (kết nối sản phẩm dược liệu); Công ty cổ phần Rượu Trường Sinh Gia Lai (kết nối sản phẩm rượu); Công ty TNHH BaKa (kết nối sản phẩm cà phê); HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (kết nối sản phẩm hồ tiêu, cà phê); Công ty TNHH một thành viên Bò khô Huy Vũ Đak Đoa (kết nối sản phẩm bò khô); HTX Mật ong Phương Di Ia Grai (kết nối sản phẩm mật ong); HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (kết nối sản phẩm chanh dây); HTX Nông nghiệp Liên hiệp GAUC (kết nối các sản phẩm OCOP của tỉnh).
Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang tham gia hội chợ tại Lào (ảnh Sở Công thương cung cấp). |
Trong chuyến đi kéo dài 4 ngày, các doanh nghiệp, HTX của tỉnh đã có chương trình làm việc trực tiếp với các đối tác là nhà bán buôn người Việt Nam sinh sống, kinh doanh tại Singapore; làm việc với đại diện doanh nghiệp là người Singapore gồm các công ty, chuỗi cửa hàng: Lang Nuong Vietnam, Sai Gon Legand@ Westcoast Plaza Meile Ptd, Tow kay Grocery Pte Ltd, Viet Sing Grocery Pte Ltd, Nutrimix Singapore, Vmart SG, Tạp Hoa Viet Bugis...
Ngoài các buổi kết nối làm việc trực tiếp, Thương vụ Việt Nam đã đưa đoàn đi khảo sát chợ đầu mối lớn nhất Singapore; tham quan mô hình du lịch kết hợp thương mại và bán lẻ tại Sân bay Changi; tham quan một số địa điểm kinh doanh của các doanh nghiệp bán buôn, chuỗi cửa hàng tiêu dùng tại Singapore như Siêu thị FairPrice, Shengsiong, Cold storage, Giant...
Đoàn giao dịch thương mại tại Singapore đã hỗ trợ các doanh nghiệp Gia Lai tiếp cận, chủ động nắm bắt thông tin về thị trường, ngành hàng, các quy định về thủ tục xuất khẩu. Thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin, đối tác Singapore dự kiến sẽ đến Gia Lai tham quan nhà máy sản xuất của Công ty TNHH BaKa và HTX Mật ong Phương Di Ia Grai để tìm hiểu quy trình sản xuất, thương thảo một số chính sách bán hàng. Đây là cơ hội rất lớn để các nhà sản xuất ở Gia Lai tìm kiếm đối tác tiêu thụ, từng bước tiếp cận thị trường nước ngoài. Ngoài ra, sản phẩm bò khô Huy Vũ và rượu Trường Sinh đã có đơn hàng xuất ghép theo kho hàng của TP. Hồ Chí Minh sang Singapore, cung ứng cho chuỗi nhà hàng Nutrimix Singapore và Towkay Grocery Pte Ltd.
Cơ hội xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Đào Thị Thu Nguyệt, từ việc tiếp cận các thị trường nước ngoài, tìm hiểu yêu cầu của đối tác, thị hiếu tiêu dùng, các doanh nghiệp Gia Lai đã nhận thấy trước khi xuất khẩu hàng hóa phải có đủ các giấy tờ liên quan đến thông tin sản phẩm; nắm bắt những quy định tiêu chuẩn của các quốc gia và tổ chức quốc tế về phương pháp sản xuất, chế biến. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải hoàn thiện quy cách đóng gói, bao bì, nhãn mác, có chỉ dẫn bằng tiếng Anh, có đầy đủ thông tin cơ bản, các chứng chỉ như HACCP, Halal... theo quy định.
“Qua chuyến đi Singapore vừa rồi, hàng hóa của các doanh nghiệp, HTX được đối tác bên đó đánh giá cao. Nếu như chúng ta đáp ứng đầy đủ các thủ tục của bên nhập khẩu thì sẽ có cơ hội xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Bởi lẽ, hầu hết nông sản của Singapore phải nhập khẩu, trong khi đó, sản phẩm chủ lực của tỉnh Gia Lai có thế mạnh đối với người Việt sinh sống tại Singapore. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, chủ động đổi mới phương thức kinh doanh và khai thác thị trường xuất khẩu. Chuyến đi này là bước đầu để giới thiệu, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng. Tháng 8 tới đây, chúng tôi sẽ gửi một số mặt hàng tiêu biểu của tỉnh để tham gia hội chợ tại Singapore”-bà Nguyệt cho biết thêm.
Hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp Gia Lai và doanh nghiệp Singapore (ảnh Sở Công thương cung cấp). |
Chia sẻ cảm nhận khi được hỗ trợ tham gia XTTM ở nước ngoài, bà Trần Thị Hoàng Anh-Giám đốc HTX Mật ong Phương Di Ia Grai-bày tỏ: “Hợp tác xã được ngành Công thương hỗ trợ rất nhiều trong công tác XTTM. Đặc biệt, trong 2 năm qua, việc được tham gia XTTM ra nước ngoài đã tạo cơ hội cho HTX tìm hiểu và nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, từ đó có định hướng sản xuất đáp ứng nhu cầu từng thị trường. Qua các lần tiếp xúc, HTX đã nhận được sự quan tâm của đối tác tại Singapore, Lào và có những đơn hàng đầu tiên xuất đi. Việc xuất khẩu hàng thành phẩm (đã xây dựng thương hiệu) sẽ nâng cao giá trị cho sản phẩm mật ong lên gấp 4-5 lần so với xuất thô nguyên liệu qua kênh trung gian như hiện nay. Vì vậy, HTX rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia các chương trình XTTM ngoài nước để có cơ hội tiếp cận các đối tác nước ngoài và xuất khẩu trực tiếp”.
Tương tự, bà Võ Thị Tuyết Hà-Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển khoa học quốc tế Trường Sinh-cho hay: Qua chuyến đi vừa rồi, doanh nghiệp được hỗ trợ kết nối với Thương vụ Việt Nam tại Singapore, các đối tác Việt Nam tại Singapore và các doanh nghiệp của Singapore. “Chúng tôi được đi khảo sát các trung tâm thương mại, chợ để trải nghiệm, học hỏi cách làm của nước bạn, đồng thời tìm kiếm các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh phù hợp để tiếp cận và giới thiệu sản phẩm. Tham gia chuyến đi, Trường Sinh đem các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trong đó, các đối tác rất quan tâm đến sản phẩm sâm Ngọc Linh Trường Sinh và đã đặt đơn hàng cung ứng cho chuỗi nhà hàng. Tuy giá trị đơn hàng không lớn nhưng đây được coi là bước khởi đầu đầy tích cực. Dựa vào mối quan hệ với các đối tác đã gặp, đã có thông tin, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có nhiều sự hợp tác thành công và bền vững”-bà Hà thông tin.
Năm 2023, Sở Công thương sẽ triển khai chương trình XTTM phát triển ngoại thương như tổ chức các đoàn giao dịch thương mại tại châu Á. Dự kiến trong quý III-2023, Sở sẽ tổ chức đoàn đi Trung Quốc. Mỗi chuyến đi sẽ hỗ trợ cho khoảng 7-8 đơn vị, ưu tiên các doanh nghiệp, HTX sản xuất ở các ngành hàng nông sản, sản phẩm có thế mạnh về xuất khẩu như cà phê, hồ tiêu, mật ong, điều, chanh dây, sản phẩm từ dược liệu… Tại đây, đoàn sẽ tổ chức làm việc với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp các nước; làm việc với nhà ga, sân bay, các khu thương mại; tham gia hội thảo về hợp tác phát triển thương mại, logistics; kết nối với các doanh nghiệp.