Kinh tế

Doanh nghiệp

Rộng đường xuất khẩu hàng hóa vào thị trường lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ mở ra cơ hội mới để các doanh nghiệp Gia Lai tăng tốc xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, các doanh nghiệp đang kỳ vọng mở rộng xuất khẩu chính ngạch nhiều mặt hàng nông sản sang Trung Quốc.

Cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Gia Lai có vùng nguyên liệu dồi dào với khoảng 98.700 ha cà phê, 88.000 ha cao su, 29.000 ha cây ăn quả, 23.300 ha điều, 79.300 ha mì, 76.000 ha lúa nước, 37.000 ha mía, 5.000 ha khoai lang cùng nhiều loại nông sản khác. Đây là nguồn nguyên liệu phong phú cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến và xuất khẩu hàng nông sản của tỉnh.

Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 233.522 ha cây trồng các loại sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO (chiếm 41,5% trên tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh); có khoảng 237.346 ha cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Đến hết quý I-2023, toàn tỉnh đã được cấp 128 mã số vùng trồng với diện tích 7.422,93 ha (chanh dây 32 mã số, chuối 26 mã số, ớt 20 mã số, dưa hấu 9 mã số, thanh long 8 mã số, xoài 6 mã số, mít 10 mã số, sầu riêng 17 mã số) và 32 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất khoảng 1.245-1.395 tấn quả tươi/ngày, chủ yếu trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Mỹ...

Chanh dây là mặt hàng tiềm năng để xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP. Ảnh: Vũ Thảo

Chanh dây là mặt hàng tiềm năng để xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP. Ảnh: Vũ Thảo

Thời gian gần đây, thông tin một số loại nông sản như khoai lang, sầu riêng, chanh dây… được xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc khiến các doanh nghiệp và người nông dân rất phấn khởi. Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (huyện Mang Yang) trước đây xuất khẩu qua Trung Quốc mặt hàng ruột chanh dây cấp đông. Nhưng thời gian gần đây, HTX bắt đầu xuất khẩu mặt hàng trái chanh dây tươi.

Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc HTX-cho hay: “Trung bình mỗi tháng, HTX xuất khoảng 80 tấn trái chanh dây tươi theo đường tiểu ngạch. Do chủ yếu là xuất thô để họ tự chế biến nên mức giá không cao bằng hàng đã qua chế biến. Do đó, khi hoàn thiện đầy đủ các thủ tục xuất khẩu chính ngạch thì thị trường lớn này sẽ mở ra cơ hội để hàng hóa của ta có thể thâm nhập”.

Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Thời gian qua, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư trang-thiết bị hiện đại để tăng cường chế biến sâu, nâng cao giá trị hàng xuất khẩu. Quy mô xuất khẩu ngày càng được mở rộng, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt khá cao.

Việc đàm phán và ký kết thành công nhiều FTA với các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, trong đó, RCEP có hiệu lực thực thi từ ngày 1-1-2022 là một trong những nhân tố đẩy mạnh hoạt động xuất-nhập khẩu, góp phần để các doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch Covid-19. RCEP được ký kết giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Trong đó, Trung Quốc hiện là thị trường lớn tiêu thụ hàng hóa nông sản của Việt Nam.

“Năm 2022, Trung Quốc đã mở cửa nhập khẩu chính ngạch nhiều loại nông sản như: khoai lang, tổ yến, chanh dây... Tuy nhiên, để vào được thị trường này phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, có mã vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Theo đó, Trung Quốc kiểm tra rất chặt chẽ đối với hàng hóa nhập khẩu nên các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh phải tiếp cận, tìm hiểu để tổ chức sản xuất đúng theo nội dung các cam kết đã ký, tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm như giới hạn dư lượng thuốc trừ sâu, phụ gia thực phẩm...”-bà Nguyệt nhấn mạnh.

Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh

Toàn tỉnh hiện có hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó, hầu hết đã tham gia xuất khẩu vào thị trường các nước thành viên RCEP. Vì vậy, việc thực thi RCEP với những cam kết thuận lợi cho doanh nghiệp sẽ là đòn bẩy giúp tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở các nước này.

Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Văn Đức-Phó Trưởng phòng Pháp chế và Chứng nhận xuất xứ (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh), trọng tài viên Trung tâm Trọng tài thương mại TP. Hồ Chí Minh-thông tin: RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định này tạo ra một khu vực thương mại tự do với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số và 30% GDP toàn cầu. Do đó, RCEP mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho các nước tham gia, trong đó có Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng.

Kho hàng cà phê xuất khẩu của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ảnh: Vũ Thảo

Kho hàng cà phê xuất khẩu của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ảnh: Vũ Thảo

Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai cho biết, năm ngoái, 1 đối tác ở New Zealand đã qua tìm hiểu về quy trình sản xuất của HTX và họ đánh giá rất cao. Cuối tháng 4 này, họ tiếp tục cử đoàn sang tìm hiểu quy trình thu hoạch, bảo quản. Đây là nước thành viên RCEP với một thị trường lớn và ổn định, sẽ là đối tác lớn của HTX nếu ký kết hợp tác. Tuy nhiên, HTX đang gặp thách thức không nhỏ trong việc chuẩn hóa mọi quy trình từ khâu sản xuất đến chế biến, hoàn thiện các thủ tục, trong khi nguồn vốn để đầu tư nâng cấp nhà xưởng, nâng công suất máy móc đáp ứng đủ sản lượng cho đơn hàng cũng là điều khó khăn. Bên cạnh đó, kiến thức về thị trường, năng lực sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại cũng là vấn đề HTX cần tìm hiểu kỹ.

Ngoài cơ hội cho các đơn vị nhỏ, RCEP sẽ tạo ra dư địa tăng trưởng xuất khẩu cho các doanh nghiệp lớn. Ông Nguyễn Văn Thành-Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang-cho hay: “Mỗi năm, Công ty xuất khẩu khoảng 50-60 ngàn tấn cà phê nhân sang các thị trường Mỹ, châu Âu, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản… Năm 2023 sẽ là năm khó khăn cho các doanh nghiệp do ảnh hưởng lạm phát từ các nền kinh tế lớn, từ đó tác động đến hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, cà phê vẫn là mặt hàng thiết yếu nên dù giảm nhưng không đáng kể. Việc thực thi các FTA, trong đó có RCEP sẽ hỗ trợ, tạo thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Năm nay, Công ty đặt mục tiêu sẽ xuất khoảng 60 ngàn tấn cà phê”.

RCEP không được coi là FTA thế hệ mới vì không đề cập đến phát triển bền vững, môi trường, lao động, công đoàn. Trong khi các FTA thế hệ mới hướng đến cam kết mở cửa thị trường, giảm thuế về 0% thì RCEP nhằm mục tiêu thuận lợi hóa thương mại và kết nối sản xuất. Mức độ mở cửa thị trường và tiêu chuẩn cam kết trong RCEP cơ bản bằng hoặc thấp hơn các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. RCEP chỉ có cam kết về thuế nhập khẩu ưu đãi mà không có cam kết về thuế xuất khẩu ưu đãi như CPTPP hay EVFTA.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, hiện nay, ngoài các nước trong khối ASEAN như Philippines, Myanmar, Malaysia, Indonesia… là thị trường tương đối dễ tính thì Nhật Bản, Hàn Quốc là thị trường khó tính, đòi hỏi khắt khe về chất lượng.

Do đó, theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Đức, để tận dụng cơ hội từ RCEP trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường các nước này đòi hỏi doanh nghiệp cần đảm bảo các điều kiện về vùng trồng, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của hàng hóa, tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nắm rõ các quy tắc xuất xứ và thủ tục hải quan, kiểm tra kỹ thông tin đối tác, hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu.

Có thể bạn quan tâm