(GLO)- EU là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất thế giới nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm 0,36%. Vì vậy, đây là thị trường đầy tiềm năng cho Gia Lai nói riêng và Việt Nam nói chung.
Gia Lai hiện có khoảng 15.000 ha đất canh tác rau các loại và gần 21.400 ha cây ăn quả, trong đó có gần 8.500 ha cây ăn quả được chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và được cấp 41 mã số vùng trồng. Mạng lưới kinh doanh và xuất khẩu rau quả của tỉnh khá đa dạng, phong phú. Thời gian qua, một số doanh nghiệp xuất khẩu rau quả đã ký hợp đồng thu mua thông qua hợp tác xã với các sản phẩm chủ yếu nằm trong chuỗi giá trị. Các sản phẩm chủ lực xuất sang thị trường EU gồm: chanh dây, dứa, xoài đông lạnh, chuối… đang ngày càng tăng về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả vào thị trường EU chiếm khoảng 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Gia Lai với khoảng 15 triệu USD/năm.
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các chính sách, cùng với sự vào cuộc của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển các vùng chuyên canh rau cây ăn quả hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng tổ chức tập huấn, chuyển giao hàng loạt kỹ thuật sản xuất tiến bộ để giúp doanh nghiệp, người dân nâng cao nhận thức và thực hành sản xuất sạch, nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, nhất là sau khi Việt Nam tham gia Hiệp định EVFTA.
Chanh dây là mặt hàng có nhiều tiềm năng để xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh: Vũ Thảo |
Ông Đinh Văn Tĩnh-Phó Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-Chi nhánh Gia Lai-cho biết: Năm 2021, Công ty xuất khoảng 26.000 tấn sản phẩm với kim ngạch xuất khẩu đạt 60 triệu USD. Hiện nay, thị trường EU đang chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty. “Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, Công ty tăng cường liên kết, đầu tư và mở rộng diện tích trồng, hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các hợp tác xã, hộ nông dân và thương lái trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Công ty đa dạng hóa các sản phẩm như chanh dây, dứa, xoài, bơ… Riêng dứa sẽ là một trong những mặt hàng chủ đạo và Công ty đã trồng được khoảng 500 ha. Mục tiêu sắp đến là 10.000 ha để phục vụ chế biến đáp ứng nhu cầu rất lớn của thị trường EU”-ông Tĩnh thông tin.
Bên cạnh những doanh nghiệp đã ổn định thị trường xuất khẩu sang EU, một số doanh nghiệp nhỏ bước đầu đã thâm nhập thị trường này. Bà Trần Lâm Phương Tâm-Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu bơ Mỹ Hoàng Gia Lai-cho hay: Công ty đã có đơn đặt hàng sản phẩm quả bơ Hass xuất sang Pháp. Chúng tôi đang khẩn trương hoàn tất một số chứng chỉ liên quan đến hàng hóa để xuất hàng trong năm tới. Theo đơn đặt hàng của đối tác, hàng tháng, đơn vị sẽ xuất 18 tấn bơ. Để đáp ứng đơn hàng, chúng tôi liên kết với các vườn bơ Hass trên diện tích 70 ha với sản lượng dự kiến khoảng 1.400 tấn. Ngoài việc xây dựng vùng nguyên liệu, Công ty đã tiến hành lắp đặt hệ thống xử lý sau thu hoạch để có thể trữ bơ khi trái vụ, nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tác”-bà Tâm nói.
Hiện nay, ngoài tổ hợp Nhà máy chế biến rau quả của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-Chi nhánh Gia Lai có công nghệ, thiết bị chế biến hiện đại với công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm, trên địa bàn tỉnh còn có Nhà máy sơ chế, chế biến, đóng gói trái cây tươi và trái cây cấp đông IQF của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai với công suất 40-41 ngàn tấn sản phẩm/năm; Nhà máy chế biến trái cây Quicornac của Công ty DIVAFRUIT S.A có công suất 31.636 tấn sản phẩm/năm. Ngoài ra, trên địa bàn hiện có 17 cơ sở bảo quản, sơ chế, chế biến rau quả quy mô nhỏ với tổng công suất khoảng 80-100 ngàn tấn sản phẩm/năm và nhiều doanh nghiệp đăng ký khảo sát để đầu tư các dự án trồng, chế biến, xuất khẩu rau quả. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có thị trường EU.
Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-Chi nhánh Gia Lai mở rộng vùng nguyên liệu để phục vụ chế biến xuất khẩu. Ảnh: Đức Thụy |
Bên cạnh những mặt thuận lợi, hiện nay, hoạt động sản xuất và xuất khẩu rau quả của tỉnh còn nhiều khó khăn do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, vườn cây chuyên canh tập trung chiếm chưa tới 25% tổng diện tích cây ăn quả. Hơn nữa, quy trình canh tác, quản lý dịch bệnh chưa được áp dụng đồng bộ, triệt để nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.
Để rau quả Gia Lai tiến sâu vào thị trường EU, theo ông Đoàn Ngọc Có, vấn đề đặt ra là phải tạo được sản phẩm có sức cạnh tranh, bảo đảm ứng dụng đúng tiêu chuẩn quốc tế về thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, phải tổ chức lại sản xuất, hình thành chuỗi giá trị sản xuất-chế biến và tiêu thụ rau, quả để nâng cao khả năng cung cấp nguyên liệu cho chế biến, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, giá cả hợp lý, ổn định, đáp ứng nhu cầu ở các thị trường EU. “Trong kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển ngành chế biến rau quả, tỉnh xác định phát triển sản xuất rau quả gắn với nhu cầu thị trường, nhà máy chế biến; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn và khả năng cạnh tranh cao, góp phần đưa xuất khẩu rau quả ra thị trường thế giới. Cùng với đó, thu hút đầu tư, xây dựng, phát triển thành công một số doanh nghiệp chế biến rau quả hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao; chủ động xây dựng vùng nguyên liệu rau quả, nâng cao thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu”-ông Có thông tin thêm.
VŨ THẢO