Kinh tế

Doanh nghiệp

Cổ phiếu HAG của'bầu' Đức 'thủng đáy' 1năm sau thông tin KD quý II/2019

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cổ phiếu HAG của CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai giảm trong bối cảnh BCTC quý II/2019 của Tập đoàn ghi nhận lỗ sau thuế gần 713 tỷ đồng.
 
Kể từ khi công bố BCTC quý II/2019, cổ phiếu HAG của CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) liên tục sụt giảm mạnh. Trong phiên giao dịch 2/8, thị giá HAG giảm 2,6% xuống 4.820 đồng/cổ phiếu. Như vậy tính từ phiên giao dịch đầu tháng 7/2019, thị giá HAG đã giảm đến gần 9,4%. Đáng chú ý, đây cũng là vùng giá thấp nhất của HAGL trong 1 năm giao dịch trở lại đây.
 
Giao dịch cổ phiếu HAGL trong 1 năm trở lại đây 
Lưu ý là, diễn biến giảm giá của cổ phiếu HAG xảy ra trong bối cảnh doanh nghiệp vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2019 với doanh thu đạt 513 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1/4 so với mức 1.888 tỷ đồng cùng kỳ quý II/2018. Điều này dẫn đến lợi nhuận gộp tương ứng chỉ thu về 155 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ đạt 949 tỷ đồng.
Trừ đi các khoản chi phí, HAGL trong quý II/2019 báo lỗ sau thuế gần 713 tỷ đồng. Phần lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là 539 tỷ đồng.
Tính ra, sau 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu HAGL đạt 923 tỷ, giảm hơn 68%, lỗ ròng đến 691 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn trăm tỷ. Đáng chú ý, nửa đầu năm 2019 cho thấy doanh thu trái cây giảm hơn một nửa về 607 tỷ, còn doanh thu từ bán mủ cao su tăng mạnh từ 55 tỷ lên 119 tỷ đồng.
Từ một “ông kẹ” trong mảng bất động sản, những năm vừa qua HAGL đã đầu tư mở rộng nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau như: Khai khoáng, thủy điện, bất động sản, bò sữa, bò thịt, cao su, mía đường, dầu cọ, chanh leo...
Đây là tâm lý chung không chỉ của HAGL mà cũng là của một số doanh nghiệp muốn mở rộng kinh doanh đa ngành để mở rộng doanh thu, phòng ngừa rủi ro khi mảng này đi xuống sẽ có mảng kia gánh.
Tuy nhiên, quá trình mở rộng diễn ra quá nhanh so với khả năng quản trị, nợ vay dàn trải và một số mảng gặp khó khăn, đơn cử như khai khoáng, thủy điện, bất động sản hoặc mới đây là giá cao su xuống dốc, HAGL đã nhanh chóng rơi vào khó khăn.
Nhằm giải quyết cơn bĩ cực này, công ty của 'bầu' Đức đã phải bán đi nhiều tài sản lớn, trong đó là mảng mía đường - mảng kinh doanh từng đóng góp doanh thu lớn cho Tập đoàn. Cụ thể, HAGL của 'bầu' Đức phải bán Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai với mức giá 1.330,1 tỷ đồng.
Trước đó, từ năm 2013 - 2016, Tập đoàn đã bắt đầu bán các doanh nghiệp thủy điện cho Tập đoàn Bitexco, số tiền ước thu về là khoảng 2.100 tỷ đồng. Hiện tại, HAG chỉ sở hữu CTCP Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai (99,40%), CTCP Thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn (99%), ngoài ra họ đang thanh lý Công ty TNHH Điện Hoàng Anh Attapeu (sở hữu 99,40%) và Công ty TNHH Điện Nậm Kông (99,40%).
Và mới đây nhất, thông qua biên bản hợp tác được công bố với Thaco, có thể nhận thấy HAGL chính thức chia tay mảng bất động sản, chính xác là dự án ở Myanmar. Cụ thể, CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh – đơn vị thành viên của Thaco – quyết định đầu tư để sở hữu 51% và sẽ tiếp tục nâng lên 65% HAGL Myamar, với số vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Sở hữu lượng cổ phần chi phối, Đại Quang Minh đang là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp phát triển dự án.
Điều này đồng nghĩa, dự án này gần như đã tuột khỏi tay HAGL.
Kiến thức (Theo Lan Anh/Nhà đầu tư)

Có thể bạn quan tâm