Cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai tiếp tục giảm, bốc hơi 1.100 tỉ đồng vốn hóa vì những lùm xùm liên quan đến vụ mua đất giá bèo tại Nhà Bè.
Các nhà đầu tư trao đổi tại một sàn giao dịch chứng khoán ở quận 1, khi thị trường chứng khoán hồi phục nhẹ vào đầu giờ chiều |
Đây đã là phiên giao dịch thứ 5 liên tiếp chứng kiến sự suy giảm của mã cổ phiếu QCC của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.
Nguyên nhân được cho là xoay quanh quanh việc Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TPHCM) bán khu đất "khủng" tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá rẻ bèo so với giá thị trường.
Như vậy, mã QCG tính từ phiên giảm ngày 18-4 cho tới phiên giảm hiện tại đã mất đến 4.000 đồng/cổ phiếu, về mức 9.400 đồng. Tính ra, vốn hóa của công ty này đã "bay" đến khoảng 1.100 tỉ đồng trên sàn chứng khoán sau sự cố trên.
Phiên giao dịch ngày hôm nay chứng kiến nhóm cổ phiếu ngành bất động sản và ngân hàng hồi phục và khởi sắc nhẹ, tăng lần lượt là 2,18% và 0,32%.
Mã NVL của Novaland tăng thêm 1.200 đồng, lên 71.000 đồng/cổ phiếu.
Mã VCB của Ngân hàng Vietcombank sau phiên rớt thê thảm hôm qua đã bắt đầu tăng nhẹ 400 đồng, lên 60.000 đồng/cổ phiếu.
Dù nhiều mã trụ thuộc nhóm VN30 như CTD, VJC, PLX, VNM mất đồng loạt trên 2.000 đồng/cổ phiếu nhưng mã VIC thuộc Tập đoàn Vingroup của tỉ phú USD Phạm Nhật Vượng lại tăng ấn tượng 3.800 đồng, lên 127.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, theo ghi nhận, đây là đợt tăng giá cao nhất của cổ phiếu VIC trong ba phiên tăng liên tiếp gần đây, giúp cho tỉ phú Phạm Nhật Vượng có thêm hơn 2.700 tỉ đồng, tính trên số lượng cổ phiếu mà ông này nắm giữ.
Riêng nhóm chứng khoán tiếp tục giảm 3,23%, trong đó mã SSI của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn giảm 1.700 đồng, chỉ còn 37.400 đồng/cổ phiếu mặc cho báo cáo kết quả kinh doanh lãi ròng và tuyên bố thị trường chứng khoán khởi sắc trong năm 2018 của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị SSI, tại Đại hội đồng cổ đông của công ty này tuần vừa qua.
Nhiều nhà đầu tư cho biết họ vẫn đang nỗ lực bắt đáy các cổ phiếu VN30, bằng chứng là gần cuối phiên giao dịch trong ngày, hàng loạt lệnh ATC đã được đặt nhằm "gom" cổ phiếu giá rẻ trong đợt khớp lệnh cuối cùng của phiên.
Theo chị Hoàng Hà, một nhân viên văn phòng có tham gia đầu tư chứng khoán ở TPHCM, chị đã bán hết các cổ phiếu VN30 đang nắm giữ vì lo các cổ phiếu này bị định giá cao và sẽ suy giảm tiếp tục sau đó.
"Tôi vẫn cho rằng thị trường trong tháng 5 sẽ tiếp tục ảm đạm hơn nữa, nên giờ chỉ canh mua thấp bán cao"-chị Hà nói.
Trong diễn biến của thị trường, mở đầu phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số VN Index tụt dốc đột ngột khỏi mốc 1.050 điểm, khiến cho hơn 2 triệu cổ phiếu bị nhà đầu tư bán tháo ra.
Cuối phiên sáng, thị trường hồi phục không đáng kể, biểu đồ vẫn giữ sắc xanh đi ngang cho đến hết phiên.
Mặc dù VN Index đạt 1.080 điểm, tăng thêm gần 4 điểm, nhưng chỉ số VN30 lại giảm nhẹ, tỉ lệ mã cổ phiểu đỏ so với mã cổ phiên xanh là 18-11.
Trấn Kiên (TTO)