Bạn đọc

Cơ sở sơ chế thảo dược xả thải ra môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một cơ sở sơ chế thảo dược tại thôn 1 (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) hoạt động không có giấy phép, không có cam kết bảo vệ môi trường, nước thải không được thu gom xử lý. Hậu quả, nước thải tràn ra hồ chứa của Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai làm cho cá trong hồ bị chết.

Theo phản ánh của người dân thôn 1, từ tháng 3-2023, ông Hà Văn Chung (xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đến thuê đất của một hộ dân tại địa phương mở cơ sở sơ chế cây hoàng đằng để nhập cho các công ty dược. Thời gian gần đây, do trời mưa, cơ sở không có hệ thống thu gom xử lý nước thải dẫn đến nước thải tràn ra hệ thống thoát nước rồi chảy xuống hồ chứa nước của Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai khiến cá trong hồ bị chết.

Nước thải của cơ sở sơ chế thảo dược chảy ra ngoài môi trường gây ô nhiễm. Ảnh: V.H

Nước thải của cơ sở sơ chế thảo dược chảy ra ngoài môi trường gây ô nhiễm. Ảnh: V.H

Ông Nguyễn Văn Hợp-nhà ở gần cơ sở sơ chế và hồ chứa nước của Công ty-cho biết: “Ngày 4-6, khi phát hiện cá chết, chúng tôi tổ chức thu gom được hơn 7 kg cá loại to, còn loại nhỏ chết dưới hồ thì nhiều lắm. Chúng tôi tiến hành kiểm tra thì thấy mương nước có màu vàng từ cơ sở sơ chế dược liệu chảy ra hồ, bọt trắng nổi lên trên mặt nước. Các hộ dân sống ở đây rất lo lắng bởi lượng nước hồ rất lớn nhưng cá vẫn bị chết, không biết liệu nước giếng có bị ô nhiễm”.

Còn ông Lê Quang Dũng-Trưởng thôn 1 thì thông tin: “Diện tích hồ rất rộng, lượng nước lớn nhưng cá vẫn chết nhiều chứng tỏ nguồn nước xả thải xuống đây rất độc hại. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ để người dân trong thôn yên tâm”.

Làm việc với chúng tôi, ông Hà Văn Chung cho biết: Mấy ngày nay, trời mưa to nên nước chứa trong một số hồ dùng để ngâm dược liệu chảy ra ngoài. Cùng với đó, khu vực phơi dược liệu cũng bị mưa ướt và nước từ khu vực này chảy ra đường rồi xuống hồ. Tôi mua cây hoàng đằng từ Campuchia sau đó đưa về đây cắt nhỏ, ngâm trong nước và trải qua nhiều lần lắng để thu gom bột bán cho các công ty dược. “Thực sự, tôi cũng không mong muốn sự việc này xảy ra. Tuy nhiên, do mưa lớn nên nước tràn ra ngoài là điều không mong muốn”-ông Chung nói.

Theo quan sát của chúng tôi, cơ sở sơ chế dược liệu có diện tích hơn 500 m2. Chủ cơ sở đầu tư máy móc, đào các hồ chứa nước và phía dưới được lót bằng các tấm bạt sơ sài. Chính vì thế, nước có thể ngấm vào đất và tràn ra ngoài khi trời mưa lớn. Cây hoàng đằng khi được cơ sở thu mua, dùng máy để cắt lát, sau đó ngâm vào các hồ nước, sử dụng một số hóa chất để lọc lấy tinh chất, trải qua nhiều lần lọc và phơi khô sẽ thu được tinh bột. Khu vực hoàn thiện sản phẩm và đóng gói khá ẩm thấp, thành phẩm làm ra để trên những tấm bạt cũ hoặc để dưới nền nhà mất vệ sinh.

Cá bị chết được người dân thu gom. Ảnh: V.H

Cá bị chết được người dân thu gom. Ảnh: V.H

Sau khi phát hiện sự việc cá chết tại hồ chứa nước của Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai, đại diện Phòng An ninh kinh tế, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) đã đến làm việc, lấy mẫu nước, mẫu tinh bột để tiến hành xác minh. Điều đáng nói là cơ sở sản xuất này không có giấy phép đăng ký kinh doanh và không có cam kết bảo vệ môi trường nhưng vẫn hoạt động hơn 2 tháng nay. Qua làm việc với các cơ quan chức năng, chủ cơ sở thừa nhận có sử dụng axit Clohydric để ngâm dược liệu. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, cơ sở đã mua và sử dụng 6 can axit Clohydric định lượng 32%, số lượng 180 lít.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Công Phú-Chủ tịch UBND xã Ia Hrung-cho hay: Sau khi tiếp nhận tin báo của người dân về việc cá tại hồ chứa nước của Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai bị chết nghi ngờ do nước thải từ cơ sở sơ chế dược liệu gây ra, chính quyền địa phương đã tiến hành lập biên bản hiện trường, đồng thời yêu cầu chủ cơ sở ngừng hoạt động để các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Có thể bạn quan tâm