Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Cối đá ngày xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày còn nhỏ, tôi vui nhất là khi được bố cho lên nhà nội chơi. Là bởi trên đó còn các em nhà chú tôi nữa, có đến bốn đứa em cứ lít nhít tầm tầm như nhau. Bà tôi là dân khai hoang, cái nhà gỗ xoan lợp ngói dựng giữa núi rừng có vẻ lạ lẫm giữa bốn bề xung quanh là những ngôi nhà sàn chênh vênh. Giữa những buổi chiều, khi xa xa văng vẳng tiếng chày giã gạo của những người phụ nữ bản địa thì cái cối xay của bà tôi cũng ù ù vang một góc sân.
Tôi háo hức từ lúc bà đổ gạo ngâm vào xay, cái cối kín mít, tay cầm cũng nhẵn thín chảy ra thứ nước gạo trắng đục và thơm hương nếp. Từ đó bột lắng rồi được nặn thành bánh, vừa vớt ra khỏi nồi mấy anh em tôi đã quây quần. Xa quê, chúng tôi vẫn có quà quê. Gạo thì đã sẵn, chỉ cần chúng tôi nhao nhác lên kêu thèm là bà lại múc nước giếng trong mát ra rửa cối. Từ “chiếc máy thần kỳ”, những bánh rán, bánh nếp, bánh giò cứ thế hiện ra. Lần nào nhìn bọn trẻ chúng tôi miệng nhồm nhoàm nhai bà cũng hỏi: “Ăn chán chưa con? Ăn cho chán đi”. Ừ thì chán rồi, không ăn nữa nhưng mai kia bọn tôi lại thèm, tuổi thơ cứ miên man những thòm thèm như thế.
 Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Nhưng rồi đến một ngày, trước khi bước vào cái cổng tre đầy dây tơ hồng leo vương vít và những dây mồng tơi nhà bà, bố nói nhỏ dặn anh em tôi bữa nay không được đòi bà làm bánh. Tôi ngơ ngác không hiểu gì. Dạo ấy lưng bà còng hơn, dáng bà đi chậm lại. Thím tôi đi chợ về mua vài xâu bánh rán, bánh nếp, mấy anh em cắn vài miếng rồi ném cho con Lu. Thằng em út con chú tôi bảo: “Ứ thèm, không ngon bằng bánh bà làm. Lu, mày đừng ăn!”. Con Lu cũng ngửi ngửi rồi lùi ra. Bà tôi ứa nước mắt.
Cuối năm ấy bà tôi mất. Việc tang ma bận rộn mấy hôm rồi đâu lại vào đó. Chiếc cối đá bị xếp ra góc vườn, vì ngoài bà ra thì cả nhà chả ai biết làm bánh khéo đến thế, bột có xay ra cũng chả để làm gì. Bà mất rồi, chúng tôi cũng ít đến, chú thím làm công nhân đi miết cả ngày, cỏ dại, cây leo bò lổm ngổm góc vườn.
Một hôm, có người đến đo đất, tranh cãi mãi bố tôi cũng đành nhìn chú bán bớt mảnh đất để trị bệnh cho thím. “Thôi, người là quan trọng nhất”-bố tôi bảo vậy. Lật đất lên, phát quang vườn mới thấy cái cối đá, bố tôi nhất quyết bê về dẫu lại chỉ để nơi góc nhà.
Chúng tôi dần lớn lên, các em tôi đi làm ăn xa và lập gia đình. Hôm làm lại căn nhà, vợ tôi bảo: “Anh bán quách mấy thứ chổi cùn rế rách đi, giờ là thời đại 4.0 rồi còn gì?”. Tôi hơi buồn, đất chật thì cái gì cũng phải tính, còn phải có chỗ cho con cái học hành, nhưng mà cái cối đá thì không nỡ xa thật. Có người làm bảo tàng hỏi mua về trưng bày, người quen cũng khuyên bán. Thế mà tôi cứ băn khoăn. Tiền không là tất cả. Liệu có ai hiểu được lần cuối cùng chiếc cối đá xoay vần trong cuộc đời tôi và để lại những ký ức ngọt ngào. Biết mai này nó có còn được lưu giữ trong tâm trí khi lòng người cũng đổi thay...
BÙI VIỆT PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm