Phóng sự - Ký sự

Cõi mơ vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Với việc được UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định công nhận là một điểm du lịch, Vườn quốc gia (VQG) Bidoup-Núi Bà sẽ tổ chức tham quan bài bản hơn.

Đây sẽ là điểm hẹn lý tưởng cho những du khách muốn khám phá nhiều điều mới lạ, độc đáo của thiên nhiên, tạm lánh xa chốn đô thị ồn ào náo nhiệt cùng những bộn bề lo toan của cuộc sống.

Đỉnh núi quanh năm mây phủ

Trả lời câu hỏi về nét hấp dẫn của núi Bidoup, ông Nguyễn Lương Minh, Phó giám đốc VQG Bidoup - Núi Bà hào hứng nói: “Đã bao giờ bạn nghe tiếng vượn hót lảnh lót mỗi khi thức dậy, thấy những chú nai ngơ ngác trong cánh rừng rậm hay một đàn heo rừng trong tự nhiên với những cái răng nanh “khủng ” chưa? Nhiều khả năng bạn sẽ được trải nghiệm những điều này ở Bidoup, đỉnh núi cao nhất Nam Tây Nguyên với độ cao 2.287m”.

Rừng rêu Hòn Giao.

Rừng rêu Hòn Giao.

Đỉnh Bidoup được bao bọc bởi các khối núi hình vòng cung nghiêng dần theo hướng Bắc - Nam và Đông - Tây; bên trong là bình nguyên với rừng nguyên sinh bạt ngàn tạo nên những thung lũng chìm trong mây. Bất cứ thời điểm nào trong năm, lúc mặt trời ló rạng, bạn cũng có thể chọn một vị trí thích hợp để chiêm ngưỡng mây ngàn trên đỉnh Bidoup: Từng đám mây hòa vào những thảm rừng nguyên sinh trông thật lãng mạn.

Sẻ thông họng vàng.

Sẻ thông họng vàng.

Với độ ẩm không khí trên 90% và hơi nước luôn luôn ở trạng thái bão hòa đã hình thành nên một kiểu rừng rất đặc biệt - rừng rêu. Rừng rêu Hòn Giao của Bidoup - Núi Bà ở độ cao 1.800m quanh năm mây phủ, có 100 loài rêu cùng hàng trăm loài hoa lan. Hiện là thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng Hòn Giao bởi đang là mùa xuân, thời tiết ấm áp, tiết trời không quá nóng khiến các loài động, thực vật đua nhau sinh trưởng và đâm chồi nảy lộc.

Theo thạc sĩ Trương Quang Cường, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế rừng nhiệt đới, VQG Bidoup - Núi Bà có tới 326 loài lan hoang dại trong tổng số hơn 1.250 loài lan của Việt Nam. Trong đó có nhiều loài lan đặc hữu tuyệt đẹp mang tên vùng đất này như lan hoàng thảo Langbiang, lan dơn Langbiang, vân đa Bidoup… Hiện rất nhiều loài hoa lan ký sinh trên những thân cây cổ thụ đua nở, khiến thiên nhiên nơi đây càng trở nên thơ mộng.

Bảo tàng sống của những loài thực vật cổ sinh

Cây thông cổ 7 người ôm không xuể.

Cây thông cổ 7 người ôm không xuể.

Khi tham quan rừng nguyên sinh ở núi Hòn Giao, du khách có thể tận mặt nhìn thấy sồi ba cạnh, loài cổ sinh vật còn sót lại từ thời tiền sử, một loài thuộc chi Trigonobalanus - chi thực vật có mức độ tiến hóa thấp nhất trong các chi của họ Dẻ. Đó là những cây cổ thụ với đường kính lên đến 1m, vỏ cây nhẵn nhụi trơn tru như có một liệu pháp dưỡng da từ thiên nhiên. Vào năm 2007, tiến sĩ Lương Văn Dũng (Đại học Đà Lạt) đã phát hiện quần thể “hóa thạch sống” này tại các TK 90, 91. Đây là quần thể sồi ba cạnh thứ ba được phát hiện còn sót lại trên thế giới, sau Indonesia và Malaysia.

Ông Nguyễn Lương Minh, Phó giám đốc VQG Bidoup - Núi Bà cho biết nơi đây còn có loài cổ thực vật quý hiếm khác là thông hai lá dẹt (sống cùng thời với khủng long) với những chiếc lá hình lưỡi kiếm. Nói rồi ông đích thân dẫn chúng tôi leo núi Cổng Trời để tham quan quần thể thông hai lá dẹt, loài cây nổi tiếng được xem như biểu tượng của VQG này. Khi còn cách xa mấy ki-lô-mét, chúng tôi đã thấy tán lá hình rẻ quạt của những cây thông hai lá dẹt cổ thụ nổi lên rất rõ, chiếm lĩnh tầng vượt tán của rừng. Lúc đến gần, ai nấy ngỡ ngàng trước hàng chục cây thông hai lá dẹt hơn 1.100 tuổi cao sừng sững. Cây già nhất cao trên 30m, có chu vi gốc tới 7,3m nên 7 người lớn nối vòng tay mới ôm trọn. Tán cây có tổng chiều dài trên10m, thân già cỗi với nhiều u lồi xù xì, được phủ xanh bởi rêu và nhiều loại phong lan ký sinh thật ấn tượng.

Một loại lan rừng.

Một loại lan rừng.

“Thông hai lá dẹt sinh trưởng rất chậm, tăng trưởng đường kính khoảng 2mm/năm, như vậy nếu cây có đường kính 2m thì tuổi cây có thể đạt tới trên 1.000 năm. Điều vô cùng bí ẩn nữa là bất cứ loài nào cũng phát triển và tiến hóa theo thời gian, nhưng thông hai lá dẹt có thể sống cả hàng triệu năm nhưng hầu như không có biến đổi nào về gien. Đây là loài đặc hữu của Việt Nam, chỉ có phân bố tại khu vực cao nguyên Langbiang và vùng phụ cận”, ông Minh nhấn mạnh.

Cũng theo lời ông Minh, vào thế kỷ trước, khi hay tin phát hiện thông hai lá dẹt ở Lâm Đồng, viện sĩ A.Tastagsceh thuộc Viện hàn lâm chuyên về cây lá kim của Liên Xô (cũ) vô cùng sửng sốt. “Tôi chỉ muốn sang ngay Việt Nam và sờ tay lên cây Pinus Krempfii rồi chết cũng mãn nguyện”, nhà thực vật học danh tiếng A.Tastagsceh phát biểu và sau đó ông đã mãn nguyện khi được tận thấy không chỉ một cây mà cả một quần thể thông hai lá dẹt.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc-Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng nhận định, VQG Bidoup - Núi Bà có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch thể thao mạo hiểm. Tuy nhiên địa hình của VQG khá hiểm trở, thường xảy ra lũ quét vào mùa mưa, do đó cần tổ chức các tua tuyến một cách bài bản để tránh những tai nạn đáng tiếc như đã từng xảy ra.

Một trong 5 khu vực chim đặc hữu ở Đông Dương

Trò chuyện với chúng tôi, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Mạnh Hiệp chia sẻ, đối với những người đam mê ngắm chim và săn ảnh về chim đặc hữu thì TP Đà Lạt cùng với VQG Bidoup-Núi Bà là địa điểm số 1 ở Việt Nam. Vùng này có tới 7 trong tổng số 10 loài đặc hữu của nước ta, bao gồm Mi Langbian, Khướu đầu đen, Khướu hông đỏ, Lách tách ngực nâu, Sẻ thông họng vàng, Chích chạch má xám và Khướu đầu đen má xám. Birdlife International xác định đây là 1 trong 5 khu vực chim đặc hữu tại Đông Dương, còn những nhà nghiên cứu về điểu học cũng như dân xem chim trên toàn thế giới thường chọn Bidoup-Núi Bà như là một điểm đến quen thuộc trong hành trình vòng quanh thế giới của mình.

Từng được chiêm ngưỡng loài sẻ thông họng vàng dưới tán rừng thông ba lá bạt ngàn, anh Cường mô tả: “Loài chim này có bộ lông pha trộn giữa màu vàng và đen cùng chiếc mỏ màu hồng xinh xắn. Năm 1926, nhà khoa học Theodore Delacour đã mô tả và giới thiệu đây là loài đặc hữu của cao nguyên Đà Lạt. Vào lúc sáng sớm, khi những tia nắng đầu tiên chiếu rọi, sẻ thông họng vàng là loài nổi bật nhất trong khu rừng, được ví như sứ giả của vương quốc chim Bidoup-Núi Bà.

VQG Bidoup-Núi Bà đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, là khu vực ưu tiên bảo vệ số một trong chương trình bảo tồn các dãy núi chính Nam Trường Sơn. Tại hội nghị Bộ trưởng môi trường các nước ASEAN năm 2018, Bidoup - Núi Bà được công nhận là vườn di sản ASEAN.

Có thể bạn quan tâm