Giáo dục

Tin tức

"Cơm có thịt" cho học sinh vùng khó Ia Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 4 năm qua, với sự chung tay của các thầy-cô giáo, các nhà hảo tâm, hàng trăm em học sinh ở huyện Ia Pa đã có bữa cơm bán trú đầy đủ dinh dưỡng từ chương trình “Cơm có thịt”.

Năm 2018, chương trình “Cơm có thịt” được triển khai tại Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Ia Tul, huyện Ia Pa) nhờ sự đồng hành của Quỹ “Trò nghèo vùng cao” do nhà báo Hoàng Thiên Nga-nguyên Trưởng Văn phòng đại diện Báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên kết nối. Thầy Trần Đăng Khoa-Hiệu trưởng nhà trường đã trích 100 triệu đồng từ tiền tiết kiệm của 2 vợ chồng để duy trì bếp ăn. Sau 1 năm triển khai, chương trình “Cơm có thịt” tiếp tục đến với các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó) và duy trì cho đến nay.
 

 Nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) đã duy trì bếp ăn “Cơm có thịt” từ năm 2019 đến nay. Ảnh: V.C
Nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) đã duy trì bếp ăn “Cơm có thịt” từ năm 2019 đến nay. Ảnh: Vũ Chi


Vừa qua, Hội Từ tâm Đak Lak cùng đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đak Lak đã có chuyến khảo sát chương trình “Cơm có thịt” tại Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp với mong muốn học tập kinh nghiệm để tổ chức bếp ăn tương tự. Cả đoàn đã thực sự bất ngờ khi được chứng kiến tận mắt niềm vui của 43 em học sinh lớp 1 khi ăn suất “Cơm có thịt” tại bếp ăn bán trú của trường.

Thầy Lê Công Tấn-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Năm học 2022-2023, toàn trường có 358 học sinh, trong đó có 2 lớp 1 với 43 học sinh, 100% là người Bahnar. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên ít quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Vào mùa thu hoạch nông sản, nhiều em phải nghỉ học theo cha mẹ lên nương rẫy. Bên cạnh triển khai các chương trình tiếp sức học sinh nghèo, những năm qua, Ban Giám hiệu nhà trường nỗ lực duy trì bếp ăn bán trú cho học sinh lớp 1.

Ngoài khoản hỗ trợ 8.000 đồng/học sinh/bữa ăn của Quỹ “Trò nghèo vùng cao”, Ban Giám hiệu nhà trường còn huy động sự đóng góp của phụ huynh. Mỗi phụ huynh có con ăn bán trú góp 3 lon gạo/tuần. Việc đóng góp không bắt buộc mà tùy lòng hảo tâm. Liên Đội nhà trường phát động mỗi chi đội trồng 1 luống rau xanh. Rau được bán cho bếp ăn bán trú của trường để lấy kinh phí hỗ trợ các bạn học sinh nghèo trong lớp. Hoạt động này không chỉ góp phần đảm bảo nguồn rau sạch cho bếp ăn mà còn phát huy tinh thần tương thân tương ái của học sinh, giúp các em thêm trân quý giá trị sức lao động.

Cô Trần Thị Mai được giao phụ trách bếp ăn bán trú của trường ngay từ những ngày đầu triển khai. Thực đơn của các em thay đổi theo ngày, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. “Với 130 ngàn đồng/ngày công, nhiều lần đi chợ bị hao hụt phải bỏ thêm tiền túi nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc với công việc hiện tại vì được góp sức mình mang lại những bữa cơm có thịt cho học sinh nghèo”-cô Mai cho hay.

Đúng 10 giờ, các em học sinh khối 1 nhanh nhẹn xếp hàng, sau khi rửa mặt, rửa tay thì vào nhà ăn. Mỗi em được phát 1 suất ăn gồm cơm, canh, thịt kho trứng cút chuẩn bị sẵn trong khay inox. Em Đinh Xiêm (lớp 1.1) cho biết: “Em rất thích ăn cơm ở trường vì có thịt, có trứng. Em sẽ đi học đều đặn để trở thành con ngoan, trò giỏi”.

Là người kết nối, đồng hành cùng chương trình “Cơm có thịt” trong suốt những năm học vừa qua tại Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, nhà báo Hoàng Thiên Nga chia sẻ: “Có tận mắt chứng kiến bữa ăn “Cơm có thịt” tại một trường học vùng sâu mới cảm nhận hết được tình yêu nghề, tâm huyết của các thầy-cô giáo. Bên cạnh đó là sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương. Hy vọng rằng với sự chung tay giúp sức của các nhà hảo tâm, những chương trình như thế này sẽ ngày càng được nhân rộng để tiếp thêm động lực cho trẻ em vùng sâu nối dài giấc mơ con chữ”.

Ông Nguyễn Minh Trưởng-Bí thư Huyện ủy Ia Pa-cho hay: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công tác duy trì sĩ số học sinh luôn là vấn đề nan giải. Trước tình hình đó, nhiều mô hình được triển khai để tiếp sức cho học sinh, trong đó, mô hình bán trú mang lại hiệu quả rõ rệt. Kinh phí để duy trì mô hình không nhỏ nên sự chung tay giúp sức của các tổ chức, cá nhân là vô cùng cần thiết.

 

 VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm