Đầu tiên là tô, tô phở hoặc bún, mì tôm... của các cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Ở Pleiku hồi ấy có mấy cửa hàng ăn uống nổi tiếng tính theo thứ tự số đếm là 1, 2, 3 chuyên phục vụ thực khách miễn tem phiếu các món ăn sáng, trưa, tối. Ai được nhận vào làm trong các cửa hàng này là vui lắm, hạnh phúc lắm. Tôi có cô em làm ở cửa hàng ăn uống số 3 Hoa Lư (phường Hoa Lư). Cũng như mọi người, cô ấy rất phấn khởi vì ít nhiều cũng được ưu tiên cho chính bản thân mình và khi có người quen có nhu cầu combo điểm tâm... tô-ly-điếu.
Ở Văn phòng Tỉnh ủy, trước giờ làm buổi sáng, vài ba anh em chúng tôi: Phan Đăng Trị, Trần Đình Trạm, Trần Ngọc Sơn... thỉnh thoảng cũng rủ nhau đi... tô-ly-điếu. Thường là xong một tô thì tới ly, kèm theo ly là điếu. Ly là ly cà phê phin, ngày đó chưa có máy ép cà phê hạt như bây giờ, một ly cà phê phin được pha chế rất công phu, theo một công thức rất... truyền thống.
Cà phê cho vào phin theo đúng định lượng quy định của cửa hàng, nhỏ vào đó ít nước nóng, chờ cho cà phê bột “nở” ra trong vài chục giây đồng hồ, rồi mới thêm nước sôi vào. Người uống ngồi chờ từng giọt, từng giọt cà phê đều đều nhỏ xuống ly. Nếu chú ý, ta sẽ thấy, giọt cà phê cuối cùng nhỏ xuống ly, cũng là lúc kết thúc 2 ca khúc nào đó mà nhân viên cửa hàng ưu ái mở cassette cho khách thưởng thức trong khi chờ cà phê, có nghĩa là độ 10 phút.
Nếu khách có nhu cầu “điếu”, nhân viên sẵn sàng phục vụ, những điếu thuốc lá lẻ như Công Nông, Vàm Cỏ, Sông Ba... để trong đĩa nhỏ được đem ra. Không biết hút thuốc lá nhưng phì phèo với cà phê mãi rồi người kể chuyện này cũng thành thói quen.
Kể ra chuyện tô-ly-điếu chỉ ngắn gọn thế, nhưng đôi khi cũng rắc rối lắm, là chẳng may có hôm đông khách thì người có nhu cầu tô-ly-điếu sau khi mua phiếu, “sắp hàng” thứ tự rồi còn phải chờ đợi khá lâu mới đến lượt mình được phục vụ. Người có công việc vội và nóng tính thì khó chịu lắm.
Chẳng như ngày nay, nhiều người có thể ngồi ở quán cà phê cả buổi, thậm chí cả ngày vẫn không sao, rằng... họ làm việc thời công nghệ 4.0, chẳng cầu kỳ bàn ghế, phòng ốc, trụ sở gì, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh hay chiếc laptop là đủ. Hồi ấy, đâu đó cũng có những quán cà phê “cóc” hay những quán có thâm niên, có thương hiệu, nhưng lựa chọn của người thích combo đồng bộ tô-ly-điếu mỗi ngày thì vẫn là các cửa hàng ăn uống quốc doanh. Vì vậy, các cửa hàng này thường xuyên đông khách và sự chờ đợi được phục vụ cũng là chuyện dễ hiểu.
Có một chuyện cũng rất vui. Một hôm, người viết bài này có dịp ra thủ đô. Do đã quen cách phục vụ tô-ly-điếu trong quê nên một sáng nọ, từ nhà khách số 8 Chu Văn An, 3 anh em chúng tôi lần dò ra cửa hàng ăn uống Cửa Nam. Cửa hàng rất lớn, nhiều quầy phục vụ ăn uống, mua bán tấp nập, nhân viên tươi vui trong đồng phục gọn gàng, sạch đẹp.
Sau khi xếp hàng mua phiếu ăn, chúng tôi ngồi chờ ở bàn sát cửa sổ, chờ mãi không thấy ai hỏi han gì, trong khi mọi người ai nấy đều chăm chú với món ăn mà họ yêu cầu.
Bạn tôi, anh Hùng ở Bình Thuận nóng ruột phải vào bếp hỏi, thì ra: “Anh không có tem (lương thực) thì chỉ được ăn bún... dong, phở thì phải có tem”. Tự ái lắm, hết hào hứng với món phở Hà Nội mà bao lâu ao ước được thưởng thức. Qua tìm hiểu, chúng tôi mới biết “dong” là món miến dong... chay, không thịt, không gia vị gì cả. Món ấy thì không cần tem phiếu cũng được phục vụ.
Ngày nay, ở phố núi của chúng ta không ít cửa hàng ăn sáng có tên phở gia truyền Hà Nội, Nam Định... tha hồ cho khách lựa chọn cùng với phở hai tô, với các loại bún, bánh, chẳng phải mơ ước như thuở nào. Ly (cà phê) giờ cũng vậy, có những con phố quán cà phê mọc lên san sát, đủ loại nào là cà phê phin, ép, hòa tan để khách lựa chọn.
“Điếu” thì càng nhiều, đến nỗi các nhà chuyên môn về sức khỏe khuyến cáo mọi người hãy cai đi, hãy bỏ loại chất độc hại này để giữ gìn sức khỏe. Và, chuyện tô-ly-điếu một thời giờ cũng lùi về dĩ vãng.