(GLO)-Khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, tô-ly-điếu là ước mơ, là khát vọng để phấn đấu của một bộ phận dân cư Pleiku.
Tô là tô phở, ly là ly cà phê và điếu là điếu thuốc. Thời ấy, thuốc Capstan là oách nhất, chỉ dám kêu một điếu và một điếu là đã rất... hoành tráng rồi.
Hồi ấy, Pleiku có 2 hợp tác xã ăn uống là Hội Thương và Hoa Lư. Hợp tác xã ăn uống Hội Thương ở đường Hùng Vương có cả nhà hàng, phục vụ các hội nghị đặt ăn uống. Hợp tác xã ăn uống Hoa Lư ở ngay ngã ba Hoa Lư chỉ ăn sáng cà phê, buổi trưa, chiều có cơm đĩa chứ không nhận đặt tiệc. Có thêm Hợp tác xã tín dụng Hội Thương lừng danh nữa, nó chết cùng vụ nước hoa Thanh Hương với hàng ngàn người trắng tay ở đấy gây ra một vụ khủng hoảng kinh tế rất lớn ở Pleiku, may rồi tới giờ đâu cũng vào đấy.
Tôi và các đồng nghiệp hay ngồi ở cửa hàng Hoa Lư, hôm nào rủng rẻng mới ăn sáng ở các quán khác như Ngọc Sơn, 48, bà Dinh và cà phê thì Kim Liên, Trang vì ở đây rẻ hơn và... nhiều hơn.
Cũng đa phần thanh niên thời ấy không ăn sáng (vì không có tiền chứ không phải kiêng giữ hay giảm béo gì), chỉ làm ly cà phê cóc vỉa hè với thuốc đen như Mai, Đà Lạt, Vàm Cỏ. Gia Lai cũng sản xuất được thuốc, nặng khé cổ là thuốc Biển Hồ. Mà cũng lạ, càng đói khổ càng nghiện thuốc. Cái chuyện nghiện thuốc nó cũng khối chuyện bi hài, nó khiến nhiều người trở nên keo kiệt và xấu tính kỳ lạ, như gặp ai cũng xin, như có 2 loại thuốc trong túi, thuốc để hút và để mời, như trước cổng các cơ quan quan trọng thể nào cũng có hàng thuốc, khách tới liên hệ công tác ghé mua nửa gói vào... giao dịch, như mỗi lần hút thì bí mật thò tay vào túi quần dùng 2 ngón tay “cấu” ra 1 điếu chứ không dám lôi cả bao ra sợ người khác xin.
Thế nên, có tiền lôi nhau đi tô-ly-điếu là cả sự kiện.
Ngày ấy, phở cũng chưa phong phú như giờ. Sợi hủ tiếu, nước mì chính nhiều, thịt bò thái ngang ngửa lộn xộn... nhưng mà ăn cứ thùn thụt. Nhớ có lần nhóm mấy ông nguyên sinh viên Huế chúng tôi vào kêu tới mấy chén ớt khiến các cô phục vụ từ ngạc nhiên tới... nhớ, lần sau vào cứ lẳng lặng gom ớt cho chúng tôi.
Ăn xong thì ly cà phê được bưng ra. Mỗi ly cà phê kèm 1 điếu thuốc.
Cà phê phin, tất nhiên rồi và nó được trộn vài thứ, thơm lừng bơ hoặc mỡ gà. Ngồi lim dim chờ từng giọt tần ngần, chậm rãi rơi xuống ly. Từng giọt, từng giọt cho tới khi hết nước trên phin thì khuấy đường, xong xuôi thì... trịnh trọng đốt điếu thuốc. Cái hơi khói đầu tiên ấy, ngậm lại để chiêu cùng ngụm cà phê đầu tiên, trời ạ, nó chính là... thuốc tiên, con người thấy khoan khoái hẳn.
Có nhiều loại thuốc, tùy từng giai đoạn, nhưng tôi nhớ cái giai đoạn mà tôi đang kể thì nó là Capstan. Từ cái tên thuốc này, giới nghiện ngồi nhìn cà phê rơi, nhìn mây trôi, nhìn khói thuốc bồng bềnh rồi phán ra nhiều nghĩa, kiểu như ngày xưa Tôn Hành Giả thành Giả Hành Tôn, Hành Tôn Giả, Giả Tôn Hành... vậy. Ở đây, nó được suy ra thành: “Cho anh phát súng tim anh nát/Nhưng anh tin số phận anh còn/Chiếc áo phong sương tặng anh nhé/Nặng ân tình son phấn anh cho”... rất ly kỳ. Đa phần là xong cái điếu thuốc xa xỉ ấy thì lại lôi gói thuốc đen trong túi ra hút chứ cà phê mà chỉ 1 điếu thuốc thì nó chưa đã.
Giờ tôi bỏ thuốc, uống cà phê ép máy còn ăn sáng thì rất vất vả để chọn món. Và, tự nhiên nhớ cái thời Tolydieu rồi ước, giá mà lại... ăn khỏe như hồi ấy, lúc nào cũng đói, cũng thèm ăn và tô-ly-điếu là ước mơ mỗi tuần. Các bạn trẻ như thế hệ tôi hồi ấy, giờ cũng chả còn cái nỗi thèm, nỗi ước mơ tô-ly-điếu như chúng tôi. Mừng nhất là bây giờ, số người hút thuốc ít hẳn đi, trở thành thiểu số.
VĂN CÔNG HÙNG