Phóng sự - Ký sự

'Con muốn sống': Giờ mà bỏ cuộc thì con tôi chết mất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
'Chiến binh nhí', đó là cách chúng tôi gọi các bệnh nhi ung thư sau khi tận mắt chứng kiến cách các em đang chống lại căn bệnh hiểm nghèo, mà ngay người lớn như chúng ta cũng phải cảm thấy rùng mình khi nhắc đến.

Chúng tôi đến thăm những đứa trẻ đang điều trị ở khoa Nội 3, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (P.Tân Phú, TP.Thủ Đức) vào một buổi chiều đầu tháng 4. Dọc hành lang bệnh viện, có những người phụ nữ thỉnh thoảng lại kéo vạt áo chùi nước mắt, những người đàn ông quay lưng đi giấu đôi mắt đỏ hoe. Đó là những người thân của các “chiến binh nhí" khi thấy con cái mình đang vật vã giành lấy sự sống.

"Tôi định ôm con tự tử"

Lọt thỏm trước hàng chục đứa trẻ đang điều trị ung thư tại phòng 413 là em Nguyễn Võ Hoài Lâm (quê TP.Long Xuyên, An Giang) đang nũng nịu với mẹ. Em có gương mặt sáng, lanh lợi và nụ cười tươi tắn. 5 tuổi nhưng Lâm có thời gian gần 2 năm điều trị ung thư.

"Giống như trời sập" là cảm giác của chị Võ Thị Diễm (35 tuổi) khi nghe bác sĩ báo tin con chị bị . Cuộc sống của gia đình chị tưởng chừng cứ trôi đi trong yên bình, hạnh phúc. Nào ngờ tháng 5.2022, khi con đang đi học thì kêu đau bụng quằn quại, lúc đó chị nghĩ là bệnh thông thường nên không mang con đi thăm khám. Sau 1 tuần, thấy con ngày càng xanh xao, những cơn đau bụng không có dấu hiệu thuyên giảm nên chị Diễm đem con lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) chữa trị.

Sau khi xét nghiệm mẫu sinh thiết, bác sĩ chẩn đoán có nhiều khối u ác tính xung quanh bụng, nách. Bệnh đã ở giai đoạn 4 (di căn phổi) không thể mổ nên chỉ có cách hóa trị, xạ trị dài ngày để khối u nhỏ lại và kéo dài sự sống.

Gương mặt chị Diễm nhợt nhạt, đôi mắt đượm buồn. Chị tâm sự, ngày nhận hung tin mắt chị như mờ đi, đầu tê dại vì nghĩ cơ hội sống của con mù mịt. “Lúc đó tôi sốc, như trời sập. Tôi không nghĩ được gì nữa, nước mắt cứ thế chảy hoài. Con tôi 3 tuổi dễ thương vậy mà…", chị Diễm thổn thức.

Nghe mọi người "kháo" nhau, ung thư giai đoạn 4 rồi, có cố cũng không chữa được. Với lại, người lớn có sức khỏe, vào hóa chất còn đau đớn chịu không nổi, huống gì sức con nhỏ thì trụ sao được. Nên chị Diễm quyết định đưa con về nhà.

Chị Diễm quyết tâm cùng con điều trị ung thư đến cùng

Chị Diễm quyết tâm cùng con điều trị ung thư đến cùng

Giọng chùng xuống, chị Diễm nói, khoảng thời gian cùng con ở bệnh viện chữa trị ung thư là khoảng thời gian vô cùng khốn khó đối với gia đình chị. Chồng chị đang làm phụ hồ nghe tin con mắc bệnh hiểm nghèo nên khi vác bao xi măng anh bị ngã quỵ. Vì không có tiền đi bệnh viện, nên chồng chị tự điều trị ở nhà rồi nằm một chỗ cả tháng trời.

Nhìn con co quắp trên giường bệnh, oằn mình vì đau đớn, càng khiến chị Diễm tan nát cõi lòng. Chị tuyệt vọng, chỉ muốn buông xuôi tất cả: “Lúc đó tôi thấy con đau đớn nên tôi bứt rứt, chịu không nổi. Chồng cũng bị tai nạn nữa nên tôi định ôm con tự tử”, chị Diễm kể lại với giọng đứt quãng, nặng nhọc.

Nhờ sự động viên của người thân và đội ngũ y bác sĩ, dần dần chị Diễm lấy lại được tinh thần và vững vàng hơn. Chị mang con trở lại cơ sở 2 để tiếp tục chữa trị ung thư theo phác đồ của bác sĩ. “Còn nước còn tát, tôi vẫn mong có phép màu xảy ra. Nên bây giờ vợ chồng tôi phải ráng, con sống được ngày nào hay ngày đó", chị nghẹn ngào.

Chúng tôi được sự đồng ý của chị Diễm trong việc sử dụng hình ảnh cho bài viết, như là một sự chia sẻ và cổ vũ tinh thần cho gia đình chị vượt qua những tháng ngày gian nan chống chọi bệnh tật nan y.

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi mong bạn đọc có lòng chia sẻ với nhân vật trong cơn ngặt nghèo, có thể liên hệ chị Võ Thị Diễm (mẹ của cháu Nguyễn Võ Hoài Lâm) qua số điện thoại 0359033661.

Số tài khoản Võ Thị Diễm 070114641500 - Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Trắng tay trong tình cảnh hiểm nghèo

Chị Diễm cho biết, lúc trước chị làm nghề bán nước giải khát ở cổng Trường đại học An Giang, mỗi ngày kiếm được 200.000 - 300.000 đồng. Còn chồng chị làm phụ hồ và ai thuê gì làm đó. Dù quần quật làm ăn quanh năm, nhưng cuộc sống của gia đình không khấm khá lên được. Nguồn thu nhập của 2 vợ chồng cộng lại cũng đủ để chi trả các chi phí sinh hoạt và nuôi 2 đứa con ăn học.

Từ ngày tai họa ập đến, vợ chồng chị Diễm bỏ hết việc ở quê lên TP.HCM chữa trị cho Lâm. Để tiết kiệm tiền, gia đình chị sống nương nhờ vào bếp cơm từ thiện và nhà trọ miễn phí.

Phòng trọ mà mẹ con chị Diễm “trú ngụ” gần 2 năm nay rộng chừng 4 m2, được lợp bằng tôn, lụp xụp và tối tăm. Những ngày thời tiết TP.HCM nắng nóng gay gắt, căn phòng thêm hầm hập, bí bách.

Phòng chỉ kê đủ một chiếc giường, một cái bàn cũ bé xíu tạm bợ và tài sản đắt giá nhất là một chiếc quạt đã cũ. Trên chiếc giường được xem là “giang sơn" của chị Diễm, luôn có các bịch thuốc lớn nhỏ và các vật dụng cần thiết để đưa con nhập viện bất cứ lúc nào.

5 tuổi nhưng Lâm đã có thời gian gần 2 năm điều trị ung thư

5 tuổi nhưng Lâm đã có thời gian gần 2 năm điều trị ung thư

Vì căn bệnh ung thư đã di căn đến phổi, gia đình lại quá khó khăn nên không thể xoay xở nổi số tiền thuốc 4 - 5 triệu đồng/tháng ngoài danh mục của bảo hiểm y tế. Gánh nặng tài chính đều trông chờ vào từng đồng lương ít ỏi ngày ngày của người chồng chật vật chạy xe ôm mang về. Mỗi ngày chồng chị kiếm được 200.000 - 300.000 đồng, có ngày không kiếm được đồng nào.

Con gái lớn của chị Diễm 15 tuổi cũng phải bỏ học, đi làm thêm ở quán phở để kiếm tiền phụ ba mẹ chữa bệnh cho em và trả tiền lãi vay 1 triệu đồng/tháng.

Trải qua gần 600 ngày điều trị ung thư, Lâm tiều tụy hẳn đi, bao nhiêu sợi tóc chưa kịp mọc dài đã rụng. Kinh tế của gia đình cũng cạn kiệt theo. Khánh kiệt tiền bạc, vợ chồng chị đành bán nhà và vay mượn khoảng 65 triệu đồng.

Trong cảnh ngặt nghèo, vợ chồng chị Diễm tự “bám víu", nương tựa nhau để sống. Sau khi bán nhà, chị thuê trọ ở quê giá 900.000 đồng/tháng để ở.

“Cuộc đời cháu chỉ mới bắt đầu thôi”

Những lúc kháng thuốc điều trị khiến Lâm nổi mẩn ngứa khắp người, luôn trong tình trạng sốt li bì. Có lần Lâm sốt gần 40 độ C, khó thở và nôn không biết bao nhiêu lần. Những lúc như thế, chị Diễm thức thâu đêm, xem xét những thứ mà con nôn ra. Nếu như có thì chị cho Lâm uống lại từng viên thuốc. Phải mất tới 15 phút Lâm mới khó khăn uống được hết số thuốc ấy, vậy mà 10 phút sau đã không chịu nổi lại nôn ra hết.

Lâm rùng mình rồi năn nỉ mẹ không muốn uống. Chị Diễm cắn răng và tỏ ra lạnh lùng. Dù chính bản thân chị cũng mơ hồ không biết phải lạnh lùng vì điều gì, nhưng chị vẫn không thể dừng lại được.

Lâm trở mình rồi phát ra một tiếng rên khe khẽ. Cơn đau hành hạ Lâm cả đêm, phải gần sáng em mới thiếp đi được một lúc.

Vô thuốc chống ung thư khiến Lâm nôn mửa

Vô thuốc chống ung thư khiến Lâm nôn mửa

Mỗi lần nghe hơi thở khó nhọc của con, rồi thấy cánh tay bé xíu của Lâm chi chít những vết tiêm lấy ven truyền dịch, chị Diễm nói mình đau đớn “không thở nổi". Đêm xuống, trải tấm bìa cát tông nằm dưới chân con, chị cố kiềm tiếng nấc.

"Nợ nần bủa vây rồi nhìn con quằn quại, nắm chặt tay mẹ thều thào "mẹ ơi con đau quá", tim tôi như vỡ tan. Giờ mà bỏ cuộc thì con tôi chắc chết mất. Làm mẹ mà nhìn con đau đớn không làm gì được, đau đớn lắm chị ơi. Con tôi còn nhỏ lắm, cuộc đời cháu chỉ mới bắt đầu thôi...", người mẹ tự giày vò.

Đến nay, Lâm đã vào 17 toa thuốc chống ung thư, em phải thường xuyên ở bệnh viện để truyền máu. Những lúc vô thuốc điều trị ung thư, con khóc, mẹ cũng khóc! Nhiều lần thấy mẹ buồn, cậu bé dường như hiểu chuyện, ôm hôn an ủi, động viên: “Mẹ đừng khóc nữa, con ngoan lắm…”.

Lâm thường an ủi, động viên những lúc mẹ buồn

Lâm thường an ủi, động viên những lúc mẹ buồn

Sau mỗi đợt hóa trị, Lâm như “sống lại". Mở mắt ra nhìn mẹ, cậu bé nhoẻn miệng cười, đòi bế. Nhìn ánh mắt trong trẻo và nghị lực sống của con, chị Diễm có cảm giác như những nỗi lo lắng và bất an trong lòng bỗng chốc tan biến. Chị tự nhủ phải mạnh mẽ để đồng hành cùng con trên chặng đường dài phía trước.

Mong muốn của chị là gì? Tôi hỏi. Chị Diễm nhìn đăm chiêu ra ngoài cửa sổ hồi lâu rồi mới trả lời: “Con là tất cả đối với tôi. Cực khổ bao nhiêu tôi cũng chịu được chỉ cần con hết bệnh”.

Những giọt nước mắt lăn dài trên má của chị Diễm rồi ròng ròng chảy xuống. Chị lặng lẽ khóc không thành tiếng. Phải chăng, những người cha, người mẹ chứng kiến cảnh con cái mình chiến đấu ròng rã với bệnh tật… tự khắc sẽ học được cách khóc trong lặng lẽ.

U nguyên bào thần kinh là gì?

U nguyên bào thần kinh chiếm khoảng 8 - 10% trong tổng số các ung thư trẻ em. Tuổi thường gặp dưới 10 tuổi, trong đó 50% dưới 2 tuổi.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), trẻ mắc bệnh này khả năng điều trị khỏi hoàn toàn rất thấp với khoảng 10 - 20%, kéo dài thời gian sống là khoảng 40 - 50%, phần còn lại là tử vong.

Triệu chứng bệnh ung thư này thường có khởi đầu âm thầm, u có thể xuất hiện bất cứ vị trí nào của hệ thần kinh giao cảm:

Khối u ở ổ bụng: thường gặp ở tuyến thượng thận, bụng to kèm theo sốt, tiêu chảy, da xanh xao Khối u ở vùng cổ, trung thất: phù nề mặt cổ, ho, khó thở Lồi mắt, xuất huyết quanh hốc mắt, gan to, đau trong xương Sốt, mệt mỏi, gầy sút cân, thiếu máu, nhiễm trùng Triệu chứng cận u: rung giật mắt, co giật chi - thái dương Triệu chứng di căn xa: 50% có di căn vào tủy xương, gan và da. Bệnh có thể di căn hạch vùng và hệ thần kinh.

Có thể bạn quan tâm