Phóng sự - Ký sự

Cuộc dịch chuyển vì mưu sinh - Kỳ 1: Tự tìm lối đi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm 2022-2023, lao động tại các khu công nghiệp miền nam khó khăn vì tình trạng sa thải hàng loạt, nhưng đến nửa cuối năm 2024, nhiều doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng mới và lại có kế hoạch tuyển thêm công nhân.

Tuy nhiên, một thực tế đáng chú ý là lao động mới không mặn mà, nhiều lao động bị sa thải trước đây cũng không muốn quay trở lại bởi họ đã tìm được công việc tương tự tại các khu công nghiệp trong tỉnh, hoặc đã chuyển đổi sang các công việc khác tại quê nhà. Đây là tín hiệu thay đổi xu hướng của người lao động, họ thận trọng hơn khi tìm đến khu công nghiệp ở thành phố lớn bởi rủi ro nhiều bề.

cuoc-dich-chuyen-vi-muu-sinh-dd.jpg
Đi lại trong ngày Tết luôn là nỗi lo của người lao động.

Sau khủng hoảng hậu Covid-19, nhiều công nhân từ chỗ đang quen với cuộc sống “có việc làm” tại nơi đô thị, phải chấp nhận bị mất việc, rời khỏi thành phố nên cảm giác hụt hẫng không tránh khỏi. Nhưng rồi ngày tháng trôi qua, họ dần chấp nhận và tìm thấy sự yên ổn nơi quê nhà.

Khi công nhân không còn lựa chọn

Năm 2014, vợ chồng anh Lương Văn Tân và chị Đỗ Thị Hải rời quê hương thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa (Phú Yên), vào TP Hồ Chí Minh tìm kiếm việc làm. Họ chọn công việc công nhân giày da với hy vọng thu nhập cao hơn sẽ giúp cuộc sống gia đình tốt hơn.

Những năm tháng ở thành phố lớn, phía sau việc làm để được nhận lương, họ phải đối diện với những khoản chi phí mà ở quê chưa từng gặp như tiền nhà trọ, tiền điện với giá cao, tiền nước máy cũng cao. Mọi thứ cho sinh hoạt đều phải ra chợ hoặc cửa hàng tạp hóa. Chị Hải cho hay: “Thói quen cũ của tôi là không phải mua trứng. Ở quê, trứng do gà nhà đẻ ra. Rau tạp trong vườn hái đỡ qua ngày. Nhưng ở đây, mọi thứ phải mua. Mức học phí cho hai con nhỏ cũng cao hơn ở quê. Dù mức lương ở thành phố cao hơn tôi vẫn luôn lo lắng liệu có đủ tiền cho gia đình nhỏ và tiết kiệm chút ít không?”.

Năm 2022, công ty nơi anh Tân, chị Hải làm việc bắt đầu cắt giảm công nhân vì không có đơn hàng. Tết đó, anh Tân và chị Hải cũng không về quê mà ở lại tranh thủ làm thêm dịch vụ ngày Tết. Chị Hải cho biết: “Dãy nhà trọ của chúng tôi như khu dân cư thu nhỏ, người từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau về đây thuê phòng và làm việc cho nhiều doanh nghiệp. Bình thường cũng có tiếng to, tiếng nhỏ trong mỗi gia đình phát ra. Nhưng khi họ mất việc, mỗi gia đình lại đưa nhau về quê để lại phòng trống. Rồi lần lần, nhiều phòng trống. Khu trọ bỗng vắng hiu, buồn tẻ”.

Giữa năm 2023, đến lượt anh Tân, chị Hải đều mất việc làm, hai vợ chồng không còn đủ khả năng bám trụ ở thành phố vì tìm việc ở đâu cũng khó. Họ quyết định về quê, bắt đầu lại từ công việc đồng áng, chăn nuôi. Thời gian đầu ở quê không dễ dàng. Làm nông nghiệp không mang lại thu nhập ngay lập tức, lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nhưng dần dần, được người này hỗ trợ giống, người khác góp ý chăn nuôi, anh chị cũng thấy thuận lợi. Hai con nhỏ có nơi học hành ổn định, gia đình quây quần bên nhau mỗi ngày, không còn cảnh nhà thuê chật chội hay những bữa cơm vội vàng giữa ca làm.

Cả năm làm việc trong nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, anh Nguyễn Văn Lợi, quê Phú Lộc (Huế), một công nhân lâu năm tại khu công nghiệp ở Bình Dương, thường xuyên nghe những bản tin “năng suất lao động thấp”. Từ những cuộc họp đầu tháng, cho đến các thông báo nội bộ, cụm từ ấy như một điệp khúc.

“Đến cuối năm, thay vì công nhận nỗ lực, công ty lại nói về năng suất thấp. Họ không phân tích rõ lý do năng suất thấp là do đâu: do thiết bị lỗi thời, quy trình sản xuất kém hiệu quả, hay do chính người công nhân? Lúc nhận vài triệu tiền thưởng cuối năm, nghe những lời ấy, tôi chỉ thấy nặng lòng”, anh Lợi tâm sự.

Anh Lợi kể thêm rằng, nhiều công nhân trong xưởng cũng cảm thấy không thoải mái. “Chúng tôi muốn biết năng suất thấp là do mình, hay do những yếu tố khác mà chúng tôi không kiểm soát được? Nếu thật sự là do lỗi của công nhân, thì công ty phải đào tạo, chỉ dẫn để cải thiện. Còn nếu do máy móc, quản lý, thì công ty cũng cần cải tổ chứ. Nói chung chung thế này, chúng tôi vừa thấy tổn thương, vừa mất niềm tin”, anh Lợi cho hay.

Không ít lần anh Lợi nghĩ đến chuyện nghỉ việc để tìm một nơi làm khác, nhưng anh cũng hiểu rằng điều kiện thị trường lao động không dễ dàng. “Tôi mong các doanh nghiệp thay đổi cách nhìn. Thay vì chỉ trích, hãy tập trung vào giải pháp, hỗ trợ người lao động. Chúng tôi không ngại học hỏi, nhưng cần sự hướng dẫn cụ thể và môi trường làm việc tốt hơn”- anh Lợi bày tỏ.

Tâm trạng của anh Nguyễn Văn Lợi không phải là chuyện riêng lẻ. Nó phản ánh nỗi lòng của nhiều công nhân - những người đã nỗ lực rất nhiều nhưng lại thường nhận được sự đánh giá chưa công bằng. Nếu các doanh nghiệp thật sự muốn cải thiện năng suất, họ cần lắng nghe tiếng nói từ chính những người lao động như anh Lợi, từ đó xây dựng mối quan hệ dựa trên sự đồng cảm và hợp tác thực chất.

Lời mời quay lại thành phố làm việc

Chị Trương Thị Vinh, quê Thanh Hóa làm công nhân may ở TP Hồ Chí Minh hơn 8 năm, chị nói: “Thời điểm khó khăn, nhà máy ít đơn hàng, chúng tôi là người đầu tiên chịu ảnh hưởng. Họ cắt giờ làm, giảm ca, giảm lương. Thậm chí, nhiều chị em đã phải nghỉ việc vì không đủ sống”- chị Vinh nói trong sự ngậm ngùi.

Điều khiến chị và nhiều công nhân khác cảm thấy bất công nhất là thái độ từ người quản lý. “Chúng tôi tăng ca liên tục, làm hết sức mình. Vậy mà khi nhận lương, vẫn bị nói năng suất chưa cao, cần cố gắng hơn. Làm tốt thì họ nói là trách nhiệm, làm chưa đạt thì trách móc, chê bai. Nhiều lúc tôi tự hỏi, liệu chúng tôi có đang bị đối xử như những cỗ máy hay không?”.

Những câu chuyện như của chị Vinh, anh Lợi… không hề hiếm gặp. Trong các nhà máy, công nhân thường phải chịu áp lực lớn từ phía quản lý, đặc biệt khi nhà máy đối mặt với biến động về hợp đồng hoặc đơn hàng. Khi tình hình khó khăn, người lao động là đối tượng đầu tiên gánh chịu hậu quả. “Chúng tôi không đòi hỏi nhiều. Chỉ cần công ty có sự chia sẻ, cảm thông và thưởng phạt công bằng. Nếu làm tốt, hãy động viên chúng tôi. Đừng mãi chỉ tìm lỗi để trách móc”, chị Vinh nói.

Tháng 6/2024, anh Lương Văn Tân và chị Đỗ Thị Hải quê Phú Yên, chị Trương Thị Vinh quê Thanh Hóa… bất ngờ nhận được lời mời quay lại làm việc từ công ty cũ. Họ hứa hỗ trợ tiền tàu xe, một phần chi phí thuê nhà trọ và cam kết tạo điều kiện tốt nhất. Lời đề nghị khiến vợ chồng anh Tân không khỏi vấn vương. Nhưng nhìn lại những năm tháng ở thành phố, anh chị nhận ra dù thu nhập cao hơn, họ chưa bao giờ có được cảm giác bình yên. Mọi thứ đều đắt đỏ, áp lực công việc nặng nề, con cái ít được gần gũi bố mẹ.

Sau nhiều suy nghĩ, anh Tân, chị Hải, chị Vinh… quyết định từ chối lời mời. Với họ, trải nghiệm ở thành phố lớn đã là đủ. Giờ đây, họ chọn ở lại quê hương, họ tin rằng sự bình yên và sự gắn kết gia đình quan trọng hơn mức lương cao nhưng đầy áp lực nơi phố thị. “Ở quê, thu nhập tuy ít, nhưng chi phí cũng thấp hơn. Con cái học gần nhà, cha mẹ có thời gian chăm sóc nhau và làm việc bên nhau. Điều đó không thể đo đếm bằng tiền”- chị Hải chia sẻ.

Câu chuyện của họ là thực tế của nhiều gia đình lao động xa quê. Giữa lựa chọn bám trụ thành phố hay trở về quê hương? Qua thời gian trải nghiệm, họ nhận ra rằng, họ chọn nơi mang lại sự bền vững, đầm ấm. Không phải lúc nào thành phố lớn cũng là lời giải duy nhất cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đằng sau những tiếng máy móc vang lên không ngừng trong các nhà máy, là hàng nghìn câu chuyện của những người công nhân đang ngày đêm lao động. Họ xứng đáng được tôn trọng và nhận lại giá trị đúng với công sức mình bỏ ra. Sự phát triển bền vững không thể thiếu đi việc quan tâm đến chính những con người đang tạo ra giá trị cho doanh nghiệp.

(Còn nữa)

Theo DUYÊN DUYỀN - CẨM CHÂU (NDO)

Có thể bạn quan tâm